xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa hip hop vào cải lương!

Bài và ảnh: TIỂU QUYÊN

Với mục đích thu hút khán giả cho các loại hình nghệ thuật cổ truyền dân tộc, các sân khấu nghệ thuật cổ truyền luôn vẫy vùng tìm kiếm và thể nghiệm những hình thức diễn đạt mới lạ nhưng gặp phải sự không đồng tình của giới chuyên môn

Khi được ra mắt trên sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, vở cải lương Ọoc...rơ vừa diễn tại rạp Hưng Đạo (TPHCM) đã khiến không ít khán giả bất ngờ bởi sự “lạ hóa” trong cách thể hiện của đạo diễn Hoàng Duẩn. Có thể xem Ọoc... rơ là một thể nghiệm làm mới cải lương trong hành trình tìm khán giả. Thế nhưng những gì mà vở diễn mang lại khiến những giá trị truyền thống của nghệ thuật cải lương bị phá vỡ, gây ra tranh cãi.

img
Cảnh trong vở Ọoc... rơ: Quá nhiều yếu tố xen lẫn như kịch nói, hài đã làm cho vở
không còn mang giá trị truyền thống của sân khấu cải lương

Biến đổi hình thức truyền thống


Ọoc... rơ khai thác vấn đề mang tính thời sự nóng hổi: Những nông dân trúng đất lên đời rồi phủ nhận quá khứ nghèo khó của mình, sống phung phí xa hoa để chứng tỏ “bản lĩnh đại gia”, dẫn đến một kết thúc nhãn tiền theo đúng quy luật nhân quả. Nhưng đạo diễn đã mang đến cho khán giả một cảm nhận khác khi pha vào vở nhiều yếu tố hài hước, đồng thời hạn chế các lớp ca cổ mà thay vào đó là những phân đoạn đối thoại hài của kịch nói. Để lôi kéo khán giả trẻ, đạo diễn Hoàng Duẩn còn đưa cả nhảy hiện đại, hip hop vào trong vở diễn. Nhiều lời ca mang tính đối đáp cũng nhằm mục đích tạo tiếng cười.


Có thể xem đó là một cách làm mới để thu hút khán giả, tìm một lối đi mới để cứu cải lương. Nhưng sự pha trộn quá nhiều yếu tố vào trong một vở diễn khiến Ọoc ... rơ trở thành một “nồi lẩu nghệ thuật thập cẩm”. Vở cũng ca ngợi tình yêu thủy chung, tận tụy và bao dung của cô gái quê nghèo với người chồng bội bạc. Nội dung vẫn lồng ghép những tâm sự buồn của nhân vật nhưng cái bi đã bị sự hài hước lấn át. Chất bi thương của cải lương hoàn toàn bị phá vỡ bởi liều lượng hài quá nhiều và những đoạn đối thoại được xử lý gần với sân khấu kịch.


Trong chuyến du Nam vừa rồi, Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đã cho khán giả phương Nam thưởng thức vở chèo Oan khuất một thời (đạo diễn Doãn Hoàng Giang) được dựng theo lối hiện đại. Có ý kiến cho rằng Oan khuất một thời là một vở kịch nói có hát chèo, bởi hình thức chèo cổ truyền thống đã được xử lý, biến đổi rất nhiều, không còn những lớp xưng danh phụ họa kéo dài của các nhân vật và thời lượng của vở cũng được rút ngắn. NSƯT Thúy Mùi,  Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, nói: “Chèo cổ có một cấu trúc tổng thể đặc trưng, nhưng để đưa chèo lên sân khấu hiện nay cần phải có sự chắt lọc, tinh lược các lớp diễn. Sự cải biến cũng chỉ là một cách nâng tiết tấu cho vở, bỏ đi các lớp xưng danh, phụ họa kéo dài chứ cũng không làm mất đi nét truyền thống vốn có của loại hình nghệ thuật chèo. Sự thay đổi cũng là để hòa hợp với khán giả”. Đạo diễn Hoàng Duẩn cũng lý giải bản thân từ “cải lương” là sửa đổi, làm cho tiến bộ hơn. Làm mới cải lương cũng là một cách tạo sức hút mới cho loại hình nghệ thuật này.


Có thể thấy sân khấu dân tộc đang vẫy vùng tìm đất sống, nhằm khẳng định lại giá trị trong lòng công chúng bằng những bước thay đổi thể nghiệm nhưng đã gặp phải những ý kiến không đồng tình, thậm chí chỉ trích.


“Làm mới” hay “làm khác”?


Lâu nay, sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang vẫn sáng đèn và thu hút khán giả bằng những tuồng tích xưa. Những vở cải lương cổ trang nổi tiếng một thời được sống lại trên sân khấu qua cách thể hiện của lớp diễn viên trẻ. Khán giả mộ điệu phần nào được thưởng thức những tác phẩm cải lương đúng chất truyền thống Nam bộ khi mỗi một câu chuyện đều thấm chất trữ tình trải trên nền cái bi – vốn là bản sắc của cải lương.


Các tác giả kịch bản ngày trước cũng thường xây dựng cho mỗi vở diễn một vài dạng nhân vật hài để làm dịu không khí nặng nề từ cái bi. Dạng nhân vật này đã một thời làm nên tên tuổi các danh hài: Bảo Quốc, Bảo Chung, Hồng Tơ... Nhưng nói theo đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu thì cái hài chỉ có thể là yếu tố điểm xuyết, thể hiện qua một nhân vật thật đặc biệt nào đó trong vở diễn. Bởi dựng một vở cải lương hài không phải là điều dễ dàng. Nghêu sò ốc hến có thể được xem là một vở cải lương hài thành công khá hiếm hoi.


Tác giả Huỳnh Minh Nhị bày tỏ quan điểm: “Cải lương vẫn cần có sự cải biến, làm mới cho phù hợp với thời đại nhưng cũng không thể làm mất giá trị truyền thống. Cách ca, cách diễn của cải lương đều đã có trong những quy tắc cụ thể. Cái mới nào cũng cần phải có sự thể nghiệm. Nếu có thay đổi thì phải thật sự cẩn trọng, khoa học và đặc biệt là phải tôn trọng khán giả”.


Làm mới để thu hút khán giả nhưng vấn đề quan trọng là phải chinh phục được công chúng bằng sức hút tự thân của vở diễn, chứ không phải bằng khái niệm từ “làm mới” mà nội dung vở thì nhạt và “biến chất”, không những không đủ sức chinh phục công chúng mà còn làm nhạt nhòa bản sắc của loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống.

Một cái mới được xây dựng, thể nghiệm thành công trong lần đầu tiên có thể tạo thành một đường mòn. Tuy nhiên, mỗi một sự tìm tòi, sáng tạo trong cái mới đều cần phải được nhìn nhận một cách chân xác, thấu đáo. Cái thiếu của sân khấu hiện nay, nói theo tác giả Huỳnh Minh Nhị, chính là lý luận phê bình, thiếu những phân tích mang tính dẫn dắt để định hình đường đi cho những thể nghiệm mới của sân khấu cải lương.

Phiêu lưu và sai lệch


Theo đạo diễn Trần Ngọc Giàu: “Đổi mới nhưng phải làm sao để khán giả đến xem chèo thật sự phải là được thưởng thức chèo, cải lương phải cho ra cải lương chứ không phải là xem cải lương trên một hình thức khác. Bản chất cải lương là mang tính trữ tình. Một bài ca có đủ chất hùng, thương, cảm, hài hước nhưng nổi bật trên đó vẫn là cái bi, cái cảm xúc trữ tình. Từ xưa đến nay, cái hài trên sân khấu cải lương vô cùng hiếm hoi. Tôi nghi ngờ khái niệm “làm mới”. Bởi nếu nói rằng muốn làm mới cải lương thì phải là những người am hiểu tường tận loại hình nghệ thuật này. Nếu không, đó chỉ là một sự “làm khác” phiêu lưu và sai lệch với những giá trị truyền thống”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo