Fan của ca sĩ Mỹ Tâm ái mộ thần tượng đến mức gây náo động tại lễ trao giải Giải thưởng HTV khi ca sĩ Hồ Ngọc Hà được vinh danh. Ảnh: VNE
Trong một giai đoạn nào đó, thần tượng sẽ là hình ảnh chiếm phần lớn sự quan tâm, suy nghĩ của người hâm mộ. Sự nồng nhiệt của mỗi người giảm dần theo thời gian, rồi thần tượng cũng sẽ mất dần hoặc thay thế bằng hình ảnh khác. Mức độ ảnh hưởng của thần tượng đối với từng người, từng giai đoạn sẽ khác nhau.
Dù sự khâm phục, tình cảm yêu quý có thể mỗi người có ở mức độ khác nhau nhưng sự bày tỏ lòng hâm mộ là điều rất quan trọng. Làm sao để cho những cảm xúc ấy giúp mình thấy cuộc sống tốt đẹp, nhẹ nhõm và hứa hẹn? Thể hiện tấm lòng mình như thế nào để thần tượng và những người xung quanh không thấy khó chịu và cảm nhận được sự chân thành?
Nếu biết giữ sự cân bằng và chừng mực thì thần tượng sẽ làm cho cuộc sống người hâm mộ tốt đẹp hơn, lạc quan và có ý nghĩa. Ngược lại, nếu người hâm mộ không kiểm soát được cảm xúc khi thể hiện sự hâm mộ của mình thì thần tượng sẽ chi phối nhiều đến cuộc sống của họ. Nhiều bạn trẻ hiện nay đang vật vã với thần tượng của mình, điều đó khiến gia đình và xã hội lo ngại.
Tôn trọng thần tượng là tôn trọng chính mình. Nhiều người quá dễ dãi trong việc chọn thần tượng và đôi khi không hiểu thần tượng nhưng vì tâm lý “bầy đàn” nên “thấy người ta cuồng nhiệt thì mình cũng cuồng nhiệt”. Có những hiện tượng thái quá nên biểu hiện sự hâm mộ lệch lạc và kệch cỡm. Hiện nay, do “phản ứng dây chuyền” nên nhiều người coi việc mình thần tượng một ca sĩ, một nhóm nhạc như một trào lưu. Các bạn trẻ thường chọn những người nổi tiếng trong làng giải trí vì dễ nhận thấy và dễ thuyết phục người khác cùng hâm mộ. Không phải ai cũng hiểu rõ và mong muốn được như thần tượng của mình. Đôi lúc người hâm mộ chỉ muốn tỏ ra sành điệu vì “biết hâm mộ”.
Tâm lý của tuổi mới lớn chưa ổn định, đôi khi “thất thường” nay có thể thích một người và mai không còn thích nữa. Tuổi này thường phát triển khả năng hình dung, tưởng tượng nên nhiều khi các bạn đánh giá quá cao, không sát với thực tế những thần tượng của mình. Tâm lý ở lứa tuổi này thật mong manh, dễ vỡ nên nhiều khi sự thất vọng về thần tượng khiến họ bi quan, hoang mang, chán chường. Nếu không kiểm soát được những cảm xúc của mình, tình cảm quá mức dành cho thần tượng có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ: Có thể thấy khó chịu khi người khác không hâm mộ thần tượng của mình, có thể sống bằng những hình ảnh ảo mà quên mất cuộc sống thực.
Làm thế nào để trẻ chọn đúng và giữ được tình cảm đúng mực và bền lâu với thần tượng của mình? Làm thế nào để thần tượng luôn là một hình ảnh đẹp và giúp cho trẻ thấy cuộc sống phong phú và có ý nghĩa? Nhiều phụ huynh không chấp nhận những tình cảm của con dành cho thần tượng nên cố ngăn cản và lên án. Có nhiều người còn cấm đoán và chế giễu những hành động của con mình. Với một đứa trẻ khi không tìm thấy sự thấu hiểu và đồng cảm ở người thân yêu thì càng cố tìm kiếm ở những người cùng chung một sở thích. Bố mẹ cần hiểu và chia sẻ để giúp con cân bằng cảm xúc ngưỡng mộ, nồng nhiệt với những mối quan hệ thực tế, đời thường. Trẻ cần biết quản lý cảm xúc để không có những hành vi thái quá ảnh hưởng tới những người khác.
Bình luận (0)