xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Góc buồn đời nghệ sĩ (*): Huyền thoại trong làng văn Việt

Bài và ảnh: Yến Anh

Từ chiến trường trở về với 14 mảnh đạn còn cắm trong người, nhà văn Sơn Tùng vẫn cho ra đời rất nhiều tác phẩm giá trị viết về Bác Hồ

Đến nay và có lẽ còn rất lâu nữa, Búp sen xanh vẫn là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về Bác Hồ. Những dòng chữ được hun đúc trong vất vả, khó khăn, đôi khi quyện cả máu và nước mắt của nhà văn sẽ không phai mờ trong lòng độc giả.

Viết trong đau đớn

Sinh ra trong một gia đình dòng dõi khoa bảng, thân thiết với gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ, nên ngay từ thời thanh niên, khi còn công tác tại Tỉnh đoàn Nghệ Tĩnh, nhà văn Sơn Tùng đã thường xuyên đến xin cụ Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm (chị gái và anh trai của Bác) tư liệu về gia thế và tuổi thơ của Người.

Nhà văn Sơn Tùng bên người bạn đời
Nhà văn Sơn Tùng bên người bạn đời

Ôm ấp khát vọng tìm hiểu và viết về Bác từ rất sớm nhưng  cuộc chiến tranh khốc liệt đã khiến nhiều dự định của nhà văn Sơn Tùng phải lùi lại. Năm 1971, tại căn cứ Tà Nốt ở chiến khu B (thuộc tỉnh Tây Ninh), Sơn Tùng bị thương rất nặng khi máy bay Mỹ tấn công. Khắp người ông chi chít 14 vết thương, tay phải co quắp, tay trái bị đạn cắt mất chỉ còn 2 ngón, thị lực còn 1/10, tai bị rách phải vá lại, 3 mảnh đạn còn ghim trong đầu thường dội lên những cơn đau kinh hoàng. Nhà văn mất tới 81% sức khỏe.

Trở về Hà Nội, nhà cũ của nhà văn Sơn Tùng đã trả cho nhà nước trước khi đi B, không nhận lại được. Vì thế, dù là người có cống hiến, có tiêu chuẩn được cấp nhà nhưng ông vẫn phải ở một căn phòng nhỏ theo tiêu chuẩn của vợ - một nữ y tá. Thời kỳ đầu quay lại với văn chương, ông phải cột bút vào giữa 2 ngón tay còn lành lặn mà viết. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại sưng tấy, chảy máu, những cơn động kinh co giật khiến ông đau đớn, vật vã. Nhưng khi cơn đau vừa nguôi, ông lại ngồi vào bàn viết. Nếu không, bà Hồng Mai, vợ ông, sẽ trở thành cánh tay nối dài của nhà văn để đánh máy hàng vạn trang bản thảo.

Nhiều đêm, nhà văn ngồi đọc cho vợ ghi lại lời các nhân chứng cũng như suy nghĩ, ấn tượng của ông về những vùng đất mà bà không thể có mặt. Nhiều lúc làm việc quá căng thẳng, vết thương cũ tái phát, máu từ đầu nhà văn chảy đỏ cổ áo, bà phải bỏ bản thảo chạy lại cấp cứu cho ông.

Dù viết trong đau đớn như vậy nhưng Sơn Tùng vẫn ra mắt độc giả trên 20 cuốn sách, trong đó có tới 13 tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác về, Bông sen vàng, Từ làng Sen, tác phẩm nổi tiếng nhất trong chủ đề về Hồ Chí Minh của ông chính là tiểu thuyết  Búp sen xanh. Tác phẩm này xuất bản lần đầu năm 1981, đến nay đã được tái bản 30 lần và dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.

Qua Búp sen xanh, Sơn Tùng đã mở  ra một hướng mới khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là một con người bình thường, một người con xứ Nghệ. Sau đó, bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn do ông viết kịch bản ra mắt khán giả những năm 1990 cũng để lại ấn tượng sâu đậm, khó quên về một bộ phim xuất sắc, khắc họa lại tuổi trẻ của Bác Hồ.

Vượt qua nghịch cảnh

Sống và viết trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng nhà văn Sơn Tùng không bao giờ nghĩ đến những thiệt thòi của riêng mình. Ông tâm sự: “Từ chiến trường, còn sống trở về được là may mắn lắm rồi. Bao nhiêu người đã đổ máu, đã mất cả cuộc đời cho độc lập, tự do. Mình còn sống trở về thì phải sống sao cho xứng đáng là một con người”.

40 năm bị thương nặng, Sơn Tùng vẫn sống giản dị và viết miệt mài trong văn phòng nhỏ không kê nổi chiếc giường ở khu tập thể Văn Chương. Những năm 1980, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vì quý mến tài năng, nghị lực của Sơn Tùng đã có nhã ý cấp nhà cho ông nhưng nhà văn không nhận. Sau đó, chính quyền địa phương quyết định cấp nhà tình nghĩa cho ông. Một lần nữa, nhà văn lại từ chối để nhường cho người khác khó khăn hơn.

Sau cơn tai biến bị liệt nửa người bên trái 5 năm trước, dù trí nhớ vẫn còn nhưng nhà văn phải nằm một chỗ. Bản thảo cuốn sách dang dở về Chủ tịch Hồ Chủ tịch có tên Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn được con của ông, anh Bùi Sơn Định, viết tiếp.

Con trai nhà văn cho biết anh tiếp tục thực hiện cuốn sách dở dang của cha từ những tư liệu nghiên cứu, sổ chép tay. Dù nằm một chỗ và chỉ nói được vài từ đơn giản nhưng trí nhớ của nhà văn vẫn còn khá minh mẫn. Điều gì con trai còn khúc mắc, nhà văn tuy không giải thích được tường tận nhưng ông có thể gật, lắc với những điều đúng, sai mà anh nói.

Theo anh Định, trước đây, nhà văn Sơn Tùng thường dậy từ 2 giờ, ngồi thiền rồi viết lách. Hiện nay, ông cũng dậy từ 2 giờ nhưng để nghe lại những bài viết mà con trai đã ghi âm những lúc sức khỏe cho phép.

Buộc người vào ghế để viết

Trong ngày nhà văn Sơn Tùng nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, nhà văn Hữu Thỉnh đã bày tỏ: “Không ở đâu trên thế giới này có người viết văn như Sơn Tùng. Nhà văn nhờ vợ buộc mình vào ghế khi viết để tránh những cơn co giật lúc xúc động có thể làm cơ thể bị liệt của anh ngã xuống bàn viết...”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo