xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Góc buồn đời nghệ sĩ: Tìm vui từ nghệ thuật

Bài và ảnh: Yến Anh

Ở tuổi 73, nhạc sĩ Đoàn Bổng vẫn mê mải trong âm nhạc và rất sẵn sàng xách vali lên đường như những ngày trai trẻ sung sức

Tác giả Dòng sông quê anh, dòng sông quê em tâm sự mỗi người có một cái mệnh. Và vì biết mệnh của mình nên ông luôn để sự lạc quan, tiếng cười dẫn dắt cuộc sống.

Gia tài 300 ca khúc, tác quyền 300.000 đồng

Tốt nghiệp Khoa Sáng tác âm nhạc của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội) năm 1972, cùng khóa với các nhạc sĩ Cát Vận, Trần Trọng Hùng, Văn Thắng, Đặng An Nguyên, nhạc sĩ Đoàn Bổng từng có thời gian làm phóng viên rồi biên tập âm nhạc cho Đài Phát thanh Giải phóng. Năm 1976, khi thành lập Đài Truyền hình Việt Nam, ông chuyển sang làm biên tập âm nhạc của đài và giữ chức Trưởng Phòng Ca nhạc thuộc Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu.

Sở hữu một gia tài âm nhạc khá đồ sộ với khoảng 300 ca khúc, trong đó nhiều tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng khán giả như Dòng sông quê anh, dòng sông quê em; Hà Nội - Những kỷ niệm trong tôi; Anh đưa em về thưa với mẹ cha; Câu hát gọi xuân về; Nỗi nhớ biển xa; Cánh bằng lăng và gần đây là ca khúc Về Hà Tây đi em.

 

Nhạc sĩ Đoàn Bổng ở tuổi “thất thập cổ lai hy”
Nhạc sĩ Đoàn Bổng ở tuổi “thất thập cổ lai hy”

 

Đoàn Bổng cũng là nhạc sĩ được ghi nhớ với những ca khúc giàu tình cảm về Bác Hồ như Từ làng Sen con hát tên Người, Hồ Chí Minh - ngọn cờ hòa bình, Hồ Chí Minh - nhà thơ không của riêng mình, Hát về Người… Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhạc viện Rowen (Pháp) dàn dựng một chương trình ca nhạc đặc biệt gồm các tác phẩm âm nhạc Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đoàn Bổng là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất có 3 ca khúc được chọn đưa vào chương trình. Đó là các bài: Hà Nội của tôi, Hà Nội - Những kỷ niệm trong tôi và Thành phố ngàn năm văn hiến…

Tuy vậy, để sống bằng âm nhạc, với ông dường như không phải là điều dễ dàng. “Ở nước ngoài, các nhạc sĩ không phải lo lắng gì nếu có một gia tài âm nhạc, họ hoàn toàn có thể sống tốt bằng tiền bản quyền. Nhưng ở Việt Nam thì khác...” - tác giả ngậm ngùi. Nói về đời sống nhạc sĩ, Đoàn Bổng chia sẻ có lẽ phải đến 80% nhạc sĩ sống thiếu thốn. Nếu ai làm nhà nước thì vẫn có lương, như ông cũng hơn 4 triệu đồng/tháng nhưng với nhiều gia đình thì lương ấy không giải quyết được vấn đề gì.

Về thu nhập từ tác quyền âm nhạc, nhạc sĩ đất Thường Tín cười xòa: “Cũng khiêm tốn lắm! Tháng nhiều thì hơn 2 triệu đồng, tháng ít thì 300.000-400.000 đồng nhưng tôi đã quen với điều này. Cuộc sống chi tiêu cũng không nhiều lắm, chúng tôi chủ yếu sống bằng lương, thỉnh thoảng được mời đi chấm thi, mời đi viết nhưng cũng họa hoằn” - nhạc sĩ tâm sự.

Lạc quan giữa những nỗi buồn

Trò chuyện với người đối diện, Đoàn Bổng luôn thể hiện mình là một người lạc quan, yêu đời. Không nhiều người biết vợ ông, vốn là một cô giáo nuôi dạy trẻ, gần chục năm nay đau ốm nên đã nghỉ hưu sớm. “Bà nhà tôi bị bệnh hoang tưởng, luôn luôn sợ sệt, suốt ngày lo lắng rồi gầy dần. Nhiều người quan tâm đến bà ấy, họ giới thiệu bác sĩ, rồi đến nhà đưa bà ấy đi khám. Chúng tôi đã chữa đủ kiểu, người ta bảo làm gì thì đã làm theo nhưng không ăn thua” - nhạc sĩ kể về vợ với một tình cảm đặc biệt.

 

Nhạc sĩ Đoàn Bổng và người bạn đời
Nhạc sĩ Đoàn Bổng và người bạn đời

 

Vợ ốm, cậu con trai thứ hai học sáng tác âm nhạc nhưng sức khỏe kém. Anh không đi làm mà ở nhà trông mẹ. Thế là chi tiêu của cả gia đình nhạc sĩ nhờ cả vào 6 triệu đồng lương hưu của 2 vợ chồng. “Con gái tôi cũng rất quan tâm bố mẹ, cháu hay sang nhà đỡ đần cái nọ cái kia nhưng tôi bảo chưa cần thiết, khi hết tiền bố sẽ bảo con đưa” - nhạc sĩ chia sẻ. Ông bảo nếu so với nhiều nhạc sĩ khác thì thu nhập của gia đình ông không đến nỗi.

Khi được hỏi “có bao giờ ông thấy tủi thân vì cả đời cống hiến cho âm nhạc nhưng thu nhập một tháng giờ không bằng ca sĩ trẻ hát một bài?”, ông chỉ cười. Ông kể thời chống Pháp, ông có người bạn, đến nhà chơi thấy bạn ăn cơm với một quả dưa chuột do bà mẹ đi bán rau còn thừa mang về. Ăn dưa chuột thái chấm với muối hoặc nước mắm nhưng bạn ông không bao giờ nhíu mày, không bao giờ buồn mà luôn nở nụ cười. “Mùa đông buổi sáng 4 giờ, cậu ấy dậy đi bán bánh mì, 6 giờ đi học, chiều 13 giờ 30 phút đã xuống cuối phố mua 2 phích kem đi bán mà vẫn vượt qua khó khăn để sau này trở thành họa sĩ” - ông kể.

Nhạc sĩ vẫn kể chuyện này với con cái cũng là tự nhủ mình: Bạn mình chả bao giờ buồn thì mình sao lại buồn? Vì thế, ông không bao giờ nghĩ đến thu nhập và những được mất trong nghề mà tìm niềm vui trong nghệ thuật.

Với ông, cuộc sống ai cũng vất vả. “Như vợ tôi chẳng hạn, ốm thì mình chữa, chăm sóc tận tình thì không bao giờ buồn và áy náy vì không làm tròn nhiệm vụ. Tôi vẫn khắc phục mọi khó khăn để có thể viết. Trong nghệ thuật, đừng để những gì xung quanh tác động đến mình” - Đoàn Bổng nói.

Không cho phép mình mệt mỏi vì cơm áo gạo tiền, những lúc không sáng tác ca khúc, Đoàn Bổng thả mình vào thơ, họa. Cái gì thuộc về nghệ thuật ông cũng đều trải nghiệm, từ hội họa, âm nhạc, thi ca, thậm chí là viết báo. Khiêm tốn nhận mình là “người đa đoan” trong nghệ thuật, thơ của Đoàn Bổng đã từng được lãnh đạo Bộ Công an chọn để khắc vào bia đá đặt ở vị trí trang trọng trong Khu Di tích An ninh khu V.

Kỳ tới: Huyền thoại trong làng văn Việt

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo