Nếu hỏi bất cứ người dân Nam Bộ nhân vật nào mà họ nhớ nhất và coi đó là tấm gương để soi rọi trong hành xử đời thường, tôi cá rằng phần lớn sẽ trả lời đó là Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Và có lẽ nhớ đến Lục Vân Tiên là người ta nhớ đến sự cố ở ngay đầu truyện thơ đã thể hiện tính cách của nhân vật hơn là những sự kiện sau đó của cuộc đời chàng:
Vân Tiên nổi giận lôi đình,
Hỏi thăm: “Lũ nó còn đình nơi nao?
Tôi xin ra sức anh hào,
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này”.
…
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ!
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.
“Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha” được coi là tính cách nổi bật của người Nam Bộ. Tính cách này được hình thành từ nguồn gốc của những thế hệ lưu dân vượt qua mọi hoàn cảnh nghèo khó, trốn tránh tù tội, chống lại sự áp bức… đi vào khai phá vùng đất mới, nơi trời cao đất rộng nhưng hoang sơ lạ lẫm, trên bờ cọp kêu dưới sông sấu táp, xung quanh đều là những người xa lạ. Vậy nhưng họ không câu nệ nguồn gốc dòng họ hay thân phận, đối xử với nhau ngang hàng, bởi vì họ chỉ có một “cái vốn” mang theo để có thể sống: tình nghĩa giúp đỡ nhau khi khó khăn và đoàn kết chống lại kẻ xấu - “nguồn vốn” này chỉ được bảo toàn và nhân lên nếu ai cũng “tiêu xài” nó vì người khác!
Ở vùng đất mới, lưu dân phải làm quen với cách thức canh tác mới, phải thích nghi để hình thành lối sống mới, ai cũng bắt đầu từ “số không” nên không ai coi thường ai, ai cũng phải học hỏi từ người khác, ai cũng cần khoan dung để duy trì tình cảm với nhau nhưng ai cũng sẵn sàng binh vực người yếu thế chống lại kẻ cường quyền. Giàu sang không quan cách mà nghèo túng không hạ mình, cũng không ganh ghét, đố kỵ vì cho rằng trời sẽ cho nếu mình cố gắng làm ăn. Tuy nhiên, “nhìn lên mình không bằng ai nhưng nhìn xuống mình hơn nhiều người”, người Nam Bộ luôn hào phóng với đồng bào, vì thấu hiểu người khó cũng như mình nghèo, vì biết người được giúp cũng sẽ giúp người khác như vậy, bởi đó là đạo làm người. Họ cũng hào phóng với chính mình, cần thiết có thể bỏ buổi làm vui chơi xả láng nếu thấy vui vẻ “ai kêu tui đó”, mai tính sau, ruộng đồng còn đó ngày vẫn hai lần nước ròng nước lớn.
Hồi sau năm 1975, người miền ngoài mới vô Sài Gòn ngạc nhiên thấy nhiều bác xích lô mỗi người cầm một tờ báo ngồi đọc khi chờ khách, không ai mượn của ai, chiều chiều thong thả đạp xe về nhà, dù có khách kêu cũng không đi nữa; kiếm đủ tiền chợ ngày mai cho vợ rồi, mang xe về cho bạn mượn chạy cữ tối. Nhưng cũng họ sẵn sàng chở giúp người bị tai nạn đến bệnh viện rồi đi tìm người nhà nạn nhân báo tin, thậm chí còn đuổi theo “thủ phạm” hay hô hoán để mọi người cứu giúp. Lối sống ấy vừa phóng khoáng như “anh Hai miền Tây” vừa nghĩa khí kiểu “giang hồ Sài Gòn”.
Hoàn cảnh xã hội mấy chục năm qua đã có quá nhiều thay đổi. Dù vậy người Nam Bộ, người Sài Gòn vẫn coi hành xử theo “tinh thần Lục Vân Tiên” là lẽ phải. Cho đến gần đây, ở TP HCM, “tinh thần Lục Vân Tiên” vẫn tồn tại. Bắt đầu từ những “hiệp sĩ” bắt cướp, chống nạn rải đinh trên đường phố hay “giải cứu” dưa hấu, hành tím cho nông dân. Tất cả việc làm của họ đều xuất phát từ lòng tốt, giúp đỡ người khác một cách vô tư, nghĩa hiệp. Không thể không tôn trọng và kính phục họ!
Nhưng cũng không thể không tự hỏi, vậy những cơ quan hữu trách sẽ “nhận trách nhiệm” như thế nào khi không hoàn thành nhiệm vụ của mình là bảo vệ an ninh cho xã hội, là hướng dẫn sản xuất và tổ chức tiêu thụ sản phẩm của nông dân? Câu trả lời luôn bị bỏ ngỏ, ngay cả với những người có trách nhiệm phải trả lời!
Tinh thần “Lục Vân Tiên” tồn tại với mỗi cá nhân là một điều thiện nhưng với xã hội là một sự cảnh báo: Vì sao trong xã hội luôn có sự bất ổn, đến mức những con người bình thường, chỉ có lòng nghĩa khí buộc phải đối diện với vô vàn nguy hiểm để tìm sự công bằng? Trong xã hội thượng tôn pháp luật, “thấy sự bất bằng chẳng tha” là hành xử trước tiên của bộ máy công quyền và sau đó là của tinh thần công dân. Bởi vì mọi người đều phải “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” bên cạnh đạo đức truyền thống, bộ máy công quyền là để bảo vệ cho điều đó.
Tinh thần Lục Vân Tiên là đáng quý trọng, biểu hiện tình người trong xã hội hiện đại nhưng “Lục Vân Tiên” không thể đơn độc tồn tại nếu xung quanh là sự vô cảm, nếu người có chức trách bám víu vào đó để từ chối, buông bỏ trách nhiệm quản lý xã hội. Nếu chỉ có những hiệp sĩ “giải cứu” dưa hấu, hành tím, bắt cướp giao nộp cho công an hay bị phiền hà khi đứng ra làm chứng cho những chuyện “bất bằng”... thì xã hội sẽ chỉ còn những người vô cảm. Và khi xã hội không trông chờ vào chính quyền mà chỉ tán thưởng sự xuất hiện của những “Lục Vân Tiên” cho những việc bất bằng, không sớm thì muộn người dân sẽ tự xử tất cả mọi chuyện.
Có lẽ nào chúng ta mong muốn “tinh thần Lục Vân Tiên” như thế sống lại?!
Bình luận (0)