Vé của 4 suất diễn chương trình Chút tình gửi lại nhân gian kỷ niệm 64 năm thành lập Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga tại Nhà hát Bến Thành đã “cháy” trước ngày khai diễn. Hai suất diễn vở Bên cầu dệt lụa (ngày 1-3) và Tiếng trống Mê Linh (ngày 2-3), ban tổ chức phải kê thêm ghế mới đáp ứng đủ lượng khán giả chưa mua được vé. Người xem yêu thích cải lương đã thật sự mãn nhãn trước việc phục dựng 2 tác phẩm sân khấu lừng danh mà với họ nếu không xem được lần này, khó có cơ hội khác. Khán phòng vì thế không ngớt vang lên những tràng pháo tay và cả những giọt nước mắt xúc động.
Sức hút kỳ lạ
Việc công chúng nô nức đến xem 2 vở diễn này không vì sự kiện kỷ niệm 64 năm của một gánh hát uy tín hay vì tưởng nhớ đến “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga đã ra đi 36 năm mà cái chính là họ muốn gặp lại những nghệ sĩ (NS) tài danh mình yêu mến trong những vai diễn nổi tiếng một thời. Điều này đã khiến mỗi câu vọng cổ khi xuống hò và khi dứt bài đều nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả. NS Phượng Liên xúc động đến rớt nước mắt: “Bảy năm rồi tôi mới về nước, nghe khán giả vỗ tay đã thấy mình hạnh phúc”.
Đạo diễn - NSND Huỳnh Nga nói: “Hương hồn của bà bầu Thơ, của ông Năm Nghĩa, của NSƯT Thanh Nga đã ở đâu đó trong khán phòng. Họ mỉm cười vì con cháu nối nghiệp đã làm nghề nghiêm túc. Lời văn học trong kịch bản Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa đã được giữ nguyên vẹn; các lớp diễn, cảnh trí, âm thanh, đạo cụ, được phục dựng tỉ mỉ. Tôi khen ngợi NSƯT Bảo Quốc và NSƯT Hữu Châu, cả hai đã dốc hết sức cho 4 đêm diễn này”.
NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng nhận định: “Chất thơ trong kịch bản cải lương ở Bên cầu dệt lụa và chất bi hùng ở Tiếng trống Mê Linh đúng là khuôn mẫu của cải lương xưa. Ngày nay, khó mà tìm được chất liệu sống động đó. Bên cạnh việc thiết kế trang phục đẹp, tạo nét sang trọng hơn là một việc làm cần thiết. NSND - họa sĩ Phan Phan thiết kế sân khấu đúng với gu thẩm mỹ của Thanh Minh - Thanh Nga; nhạc sĩ Thái An chỉ huy dàn nhạc tân và cổ đã hòa quyện vào lời ca của NS, với 12 nhạc công đã đặt đúng vị trí trọng tâm của nghệ thuật cải lương. Vì lâu nay, chúng ta xem nhẹ vai trò của ban nhạc cổ, có khi một vở tuồng chỉ còn 4 nhạc công. Màn múa đèn cung đình trong vở Bên cầu dệt lụa do NS Chí Tiên, em ruột NSƯT Bảo Quốc, biên đạo quá độc đáo”.
Nhìn khán giả đưa tay lau nước mắt khi nghe sầu nữ Út Bạch Lan, NSƯT Thanh Sang, NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu, NS Phượng Liên, NSƯT Phương Hồng Thủy ca vọng cổ, rồi quan sát những gương mặt rạng ngời của khán giả khi cười thoải mái với: NSND Ngọc Giàu (nàng Tía), NS Hồng Nga (Lê Chân), NS Kiều Mai Lý (Tiểu Loan), NSƯT Thành Lộc (Tào Uyên), NS Hoài Linh (Tất Đạo)…, mới thấy cải lương có một sức hút lạ kỳ.
Chỉ là dịp tri ân
Người xem xúc động khi nhìn lại hình ảnh của cố NSƯT Thanh Nga trong vai Quỳnh Nga trong vở Bên cầu dệt lụa và Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh qua những thước phim đen trắng trên màn hình video. Sự hoài niệm về hình ảnh được xem là tượng đài bất hủ trong lòng người hâm mộ đã tạo nên sức truyền cảm mãnh liệt, để từ đó khán giả tin tưởng vào sự tiếp nối của những thế hệ sau của gia tộc: NSƯT Hữu Châu, NS Hồng Loan, Hà Linh, Gia Bảo.
Để có được 4 suất diễn này, các NS và ê-kíp thực hiện mất hơn 3 tuần tập dượt từ sáng cho đến tận khuya. Sàn tập Nhà hát Bến Thành nóng lên mỗi ngày, thu hút sự quan tâm không chỉ của báo chí mà của hàng ngàn khán giả. Nhiều NS đồng nghiệp lâu nay không có sàn diễn để thi thố tài năng trong một vở diễn dài đã tìm đến sàn tập, chia sẻ niềm vui, kỳ vọng cho một tương lai tốt đẹp, được đứng đều đặn trên sân khấu.
Trả lại không gian cần và đủ cho nghệ thuật cải lương là điều ai cũng nói được nhưng để làm mà không ngại bỏ ra tiền của, công sức thì rất hiếm ai dám làm kể cả các đoàn hát quốc doanh. “Chúng tôi không xem đây là việc kinh doanh hay một cuộc chơi hãnh tiến mà chỉ là dịp tri ân tình cảm của công chúng vẫn luôn dành trọn cho gia tộc Năm Nghĩa, bầu Thơ và cho chị Thanh Nga” - NSƯT Bảo Quốc tâm sự.
Kỳ tới: Cú hích cho cải lương?
Sống lại không gian xưa
Ngay tiền sảnh của Nhà hát Bến Thành, một góc triển lãm hình ảnh đoàn hát xưa mang thương hiệu Thanh Minh - Thanh Nga đã gợi lại biết bao hoài niệm trong lòng khán giả về một không gian sân khấu cải lương đúng nghĩa. Tiếng rao đờn, lên dây của ban nhạc cổ trong lúc chờ đợi mở màn đã mang lại phần hồn của những suất hát thời cải lương hưng thịnh. Có cả những diễn viên quần chúng đóng vai người bán hạt dưa, quạt giấy ùa vào khán phòng khi giải lao, đã làm cho khán giả phấn khởi khi được nhớ về một không gian sân khấu cải lương xưa giờ đã không còn.
Bình luận (0)