xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm phim như chép sử, ai xem?

TIỂU QUYÊN thực hiện

Nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng điện ảnh Việt Nam vẫn có thể phát triển với dòng phim lịch sử nhưng phải biết cách làm theo giải pháp khả thi

•  Phóng viên: Hiếm hoi mới có bộ phim lịch sử cuốn hút, được đánh giá cao như Thái sư Trần Thủ Độ (đang phát sóng trên VTV1). Xem phim, ông thấy có khác gì so với kịch bản ban đầu của mình?

img

- Nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn: Tôi khá hài lòng với những gì đạo diễn Đào Duy Phúc đã thể hiện. Trước đó, Phúc cũng từng hợp tác với tôi làm bộ phim điện ảnh Sinh mệnh, anh luôn trung thành với kịch bản. Cái hay là Phúc luôn thẩm thấu được tinh thần của nguyên tác, nếu có sáng tạo cũng là để nâng lên giá trị tác phẩm chứ không bao giờ tự ý thay đổi, chỉnh sửa theo ý mình.

Quan trọng là khắc họa tính cách nhân vật

• Theo ông, phim Thái sư Trần Thủ Độ có được điều gì mà những phim đề tài lịch sử cổ trang khác làm trước đó không có?

- Đó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Thái sư Trần Thủ Độ đã có một ê-kíp chuyên nghiệp từ đạo diễn đến dàn diễn viên chính, thứ. Có thể nói diễn viên nào cũng hợp vai. Nhưng quan trọng nhất là phim không chỉ tái hiện những biến động thời cuộc mà tính cách mỗi nhân vật đều được khắc họa rất rõ nét. Mối tình bi hùng giữa Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung cũng là sợi dây gắn kết cảm xúc người xem xuyên suốt bộ phim. Tôi từng viết kịch bản Huyền sử Thiên Đô, Lý Công Uẩn cũng là nhân vật hay nhưng tôi có cảm giác dàn diễn viên của phim này đã bị chọn nhầm nên khi vào vai, họ không thể hiện được cái thần của nhân vật. Một bộ phim hấp dẫn không chỉ tái hiện một giai đoạn lịch sử, xung đột triều chính, chân dung, sự nghiệp nhân vật lịch sử mà đó còn là mối quan hệ gia đình, vua - tôi, tình yêu, luật pháp, tình người…
img
Cảnh trong phim Thái sư Trần Thủ Độ. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

• Ông nghĩ sao khi có rất nhiều ý kiến cho rằng khai thác mối tình của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung như trên phim là không ổn?

- Tôi lại nghĩ mọi thứ rất logic. Chính sử cũng ghi nhận ông Trần Thủ Độ và bà Trần Thị Dung đã có tình cảm với nhau từ lúc còn ở làng chài Lưu Xá. Đỉnh điểm của mối tình này là khi bà Trần Thị Dung từ bỏ ngôi vị thái hậu, chấp nhận bị giáng xuống làm công chúa để có thể đi bước nữa với Trần Thủ Độ. Còn mối tình của bà với Phùng Tá Chu cũng chỉ là giai thoại. Tôi thấy khán giả còn thắc mắc cả về trang phục lẫn cách xưng hô của các nhân vật trên phim. Nhưng làm phim lịch sử rất khác với phim phục cổ. Ngay từ đầu bộ phim đã có ghi dòng chữ “Lịch sử tùy thuộc những góc nhìn”. Tôi cũng chỉ dừng lại ở góc nhìn chọn mối tình của Trần Thủ Độ - Trần Thị Dung khai thác xuyên suốt mạch phim. Thực tế, ông Trần Thủ Độ có tới 5 người vợ, người làm phim cũng không thể bê hết tư liệu lịch sử lên màn ảnh được.

• Nhưng phim lịch sử lâu nay vẫn thường bị soi mói rất khắt khe…

- Tôi cho rằng càng nhiều tranh luận càng tốt, đó là nền tảng cho những bước đi tiếp theo. Ngay cả với Trung Quốc, khi đạo diễn Trương Nghệ Mưu làm phim về Đường Minh Hoàng cũng cho phụ nữ trong triều ăn mặc trang phục hở hang, trong khi chính sử thì thời Đường, đàn bà con gái ăn mặc rất kín đáo. Phim ra mắt có đến 70% khán giả Trung Quốc lên án, cho rằng bôi nhọ lịch sử nhưng số còn lại thì ủng hộ với lập luận xem phim chứ đâu phải xem tài liệu sử. Ở thời đại nhà Trần, sử ta ghi đàn ông đóng khố; đàn bà răng đen, váy mốc. Vậy nếu cho diễn viên ăn mặc như trên lên màn ảnh thì liệu có ai xem không? Đến cả Từ Hy Thái hậu là một người rất xấu nhưng các nhà làm phim Trung Quốc cũng đã chọn giai nhân Lưu Hiểu Khánh thủ vai. Thật sự, người làm phim luôn phải khôn ngoan chọn những giải pháp khả thi.

Điện ảnh Việt ít người tài!

 • Ông nghĩ rằng làm phim lịch sử ở Việt Nam vẫn khả thi?

- Tôi có thể nói thẳng như thế này: Với tình hình của điện ảnh Việt Nam hiện nay, không bao giờ có thể làm được những bộ phim lịch sử hoành tráng. Kiểu như Nguyễn Huệ mang quân ra đánh Thăng Long mà ta không có voi, đánh quân Nguyên thì ta không đủ hàng ngàn chiến thuyền… Người làm phim chuyên nghiệp và có tầm luôn dự toán được tính khả thi của mỗi bộ phim lịch sử. Không phải phim sử nào cũng hoành tráng cả đâu. Phim lịch sử Hàn Quốc cũng có những nhân vật rất hạn chế, chỉ tập trung khai thác bối cảnh hậu cung, xung đột tình cảm, biến cố của nhân vật mà vẫn khiến người xem mê mẩn.

• Có nghĩa là đường đi cho phim sử vẫn không bế tắc nếu biết cách làm?

- Không quá bi quan nhưng cần thay đổi. Vừa rồi, tôi được đặt hàng 3 kịch bản phim sử nhưng phải cân nhắc viết làm sao để kinh phí thực hiện giới hạn trong tầm 400-500 triệu đồng/tập (thay vì 1-2 tỉ đồng). Phim sử không thể buông hết cho các nhà làm phim tư nhân. Tôi từng sang tìm hiểu ở Trung Quốc, Hàn Quốc thì thấy đa phần phim được nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc là cơ chế quảng cáo có thể thu hồi vốn. Còn ở Việt Nam, với cơ chế như hiện nay, phim lịch sử khó đầu tư, tồn tại.

• Bên cạnh những khó khăn khách quan về kinh phí, nhiều người vẫn cho rằng điện ảnh Việt thiếu nhân tài cho phim lịch sử. Ông nghĩ sao?

- Phải nhìn nhận một thực tế là điện ảnh Việt Nam rất ít người tài! Ở các nước phát triển, người làm nghệ thuật quan niệm kiến thức là trên hết, từ đó mới có cơ sở lý luận, quan điểm và sáng tạo. Có quan điểm vững vàng thì sáng tạo sẽ bản lĩnh. Còn ở nước ta, người ta làm theo chiều ngược lại: có cảm hứng, kinh nghiệm, sau đó mới đến kiến thức. Chưa kể, về tư liệu, ta chỉ có chính sử, trong khi Trung Quốc có cả dị sử, huyền sử, thái sử, dã sử. Viết kịch bản phim sử phải biết 10 mà viết 1, tái hiện một triều đại 60 năm nhưng phải am hiểu chặng đường 600 năm. Đó là chưa kể đến chính sử của ta nhiều lúc tiếp cận một chiều như chỉ ghi chép nhiều về việc Lý Anh Tông là người sa đọa mà quên mất ông là vị vua đầu tiên đi thuyền vẽ hải đồ biển Đông; gọi Lê Long Đĩnh là Lê Ngọa Triều mà không nhớ ông làm vua 4 năm nhưng đã đánh thắng 5 vùng… Nói như vậy để thấy mọi thứ với ta chỉ mới bắt đầu nên cũng đừng mang ra so sánh với đỉnh cao của thế giới.

Cách sống bằng ngòi bút

•  Là nhà văn với những tác phẩm có giá trị, ghi dấu ấn trên văn đàn như: Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển, Cù lao Tràm, Ngoại tình, Yêu như là sống… nhưng hình như bây giờ Nguyễn Mạnh Tuấn chỉ “say mê” với các dự án phim?

- Trong thâm tâm tôi vẫn muốn viết sách nhưng cảm hứng dành cho phim vẫn chưa hết. Sự hưởng ứng của hàng triệu khán giả cả nước dành cho những bộ phim hay cũng khiến tôi hạnh phúc - mặc dù làm biên kịch là chấp nhận… vô danh. Ngày xưa, tôi viết tiểu thuyết, cũng có nhiều người đọc nhưng sau này rõ ràng lượng người đọc rất hạn chế. Tôi muốn câu chuyện của mình đến được với nhiều người. Khán giả từ nông thôn đến thành thị, từ trí thức đến người lao động xem phim đồng cảm hay tự hào, tôi đều thấy đó là sự hưởng ứng tích cực. Cái gì đến với số đông nhiều hơn thì tôi làm, đó cũng là cách tôi sống bằng ngòi bút.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo