xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lễ hội, một góc nhìn khác

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Tháng giêng đi qua, cũng khép lại một mùa lễ hội với nhiều dư âm lẫn ngao ngán. Lùi sau những chộn rộn huyên náo đó, thử đặt lại vấn đề về cách nhìn lễ hội, về vai trò chuyên gia trong truyền thông lễ hội ra sao...

Mỗi lễ hội truyền thống Việt Nam được sinh ra trong một hoàn cảnh, bối cảnh lịch sử cụ thể; thường là sản phẩm tín ngưỡng của làng, rộng hơn, là vùng dân cư tương đối đồng nhất về điều kiện sống (tinh thần và vật chất). Trong cái nhân quần làng mạc nông thôn tương đối đồng nhất đó, có những hệ giá trị được sẻ chia, những khế ước được đưa ra (là “lệ làng” trong câu “Phép vua thua lệ làng”) và kể cả những tín ngưỡng được giữ gìn từ đời nọ qua đời kia. Thực hành tín ngưỡng văn hóa trong lễ hội tuy trong những khu vực nhỏ nhưng cũng có những thay đổi, tiếp biến, qua đó nó không chỉ làm chức phận lưu giữ, bảo tồn di sản ký ức mà còn hướng tới tương lai bằng việc tự điều chỉnh, gạn đục khơi trong, thích ứng với thực tế luôn thay đổi qua những hoàn cảnh xã hội khác nhau.

Sự đe dọa của kẻ lạ

Trong xã hội mà văn hóa làng xã được phân chia tương đối đồng nhất, mỗi lễ hội thuộc về mỗi khu vực hẹp, khoanh vùng chủ thể khá rõ ràng thì việc tự quản, tự kiểm soát trong tổ chức lễ hội tương đối dễ dàng.

Mọi chuyện đã trở nên phức tạp hẳn khi có những “kẻ lạ” xuất hiện ở lễ hội mang theo những hệ quy chiếu khác. “Nếu ngày xưa chuyện người làng nọ thấy hội làng kia chướng mắt thì cũng đứng ngó, nghĩ ngợi rồi cho qua vì đó không phải là việc của mình; còn ngày nay, người ta quay phim, chụp ảnh và tung lên mạng cho nhiều người phê phán, bình luận. Mà không phải ai bình luận, phê phán hay bỏ phiếu cũng sống trong văn hóa tín ngưỡng đó hay thấu hiểu hết các lớp nghĩa của lễ hội” - GS Trần Ngọc Thêm nói trong một cuộc trao đổi gần đây với người viết.

 

Đi lễ chùa đầu năm ở Hội quán Phúc Kiến (Hội An, Quảng Nam). Ảnh: QUANG HUY
Đi lễ chùa đầu năm ở Hội quán Phúc Kiến (Hội An, Quảng Nam). Ảnh: QUANG HUY

 

“Kẻ lạ” ở đây đe dọa như thế nào đối với sự đa dạng của các giá trị truyền thống?

Một mặt, đó là kênh truyền bá văn hóa nhưng mặt khác, đó lại tiềm ẩn một “nguy cơ” - “nguy cơ” suy diễn sai hoặc trong một số trường hợp là triệt tiêu văn hóa bản địa.

Vào đầu thế kỷ XX, trong khi các quốc gia phương Tây mở rộng chủ nghĩa thực dân nhân danh khai hóa, văn minh thì cũng trong lòng xã hội phương Tây, giới trí thức lại mạnh mẽ đưa ra thông điệp nhân học văn hóa, kêu gọi tôn trọng các tri thức và không gian văn hóa bản địa, thừa nhận văn hóa là một thực tại đa thể, văn hóa là số nhiều chứ không độc tôn, duy nhất. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn nói ngắn gọn về giai đoạn này (thập niên 1930): “Thay chỗ cho sự phê phán, đánh giá kiểu tiền hiện đại xuất phát từ sự độc tôn của một nền văn hóa hay một lĩnh vực văn hóa nhất định, xem các nền văn hóa xa lạ và các lĩnh vực văn hóa mình không ưa chuộng là thấp kém, phản tự nhiên, người ta học cách tôn trọng cái khác biệt, xem nền văn hóa của mình chỉ là một trong nhiều nền văn hóa. Chỉ khi nhìn nhận giá trị riêng biệt của nền văn hóa xa lạ và lĩnh vực văn hóa không quen thuộc để không quy tất cả vào thước đo của riêng mình, mới có thể tạo ra không gian cho việc sử dụng bản thân khái niệm văn hóa một cách khách quan và khoa học” .

Với kẻ lạ sẵn định kiến, để có một sự khách quan và khoa học về một hệ tri thức văn hóa khác rất khó khăn, cho nên, Claude Lévi - Strauss, cha đẻ của ngành nhân học nói ngắn gọn trong tác phẩm du ký dân tộc học nổi tiếng của ông có tựa Nhiệt đới buồn đại ý rằng ông ghét những chuyến viễn du và các nhà thám hiểm.

“Văn hóa là số nhiều”

Trở lại câu chuyện “tranh, cướp” hoa tre ở hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), giành giật nhau ấn đền Trần (Nam Định) vừa qua. Trước hết, chắc chắn hiện tượng đó xuất phát từ những người xa lạ, không phải là chủ thể truyền thống của lễ hội. Nghĩa “xa lạ” ở đây được dùng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sự xa lạ đáng nói chính là xa lạ trong hiểu biết. Màn tranh cướp đặt trong cách nói của làng xưa mang yếu tố vui vẻ của hội hè, một biểu trưng của sự tranh đua, thi thố, có thể hiểu như một “game” (trò chơi), qua đó tạo ra sự giao lưu, tương tác như ngày nay ta vẫn thấy trong các trò chơi sinh hoạt cộng đồng của thời hiện đại.

 

Cảnh chen lấn ở lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)  Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Cảnh chen lấn ở lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

 

Nhưng vấn đề ở đây là tâm thế của nhiều “kẻ lạ” ít am hiểu đã cộng thêm tâm lý tranh cướp nhuốm màu thực dụng hôm nay đã biến việc tranh cướp (thi thố vui vẻ) trở thành một cuộc ẩu đả đậm màu sắc bạo lực và ích kỷ (để sở hữu, đem về cái muốn). Người ta phải giành cái hoa tre hay quả phết không vì vui chơi hài hòa với cộng đồng nữa mà đè đầu cưỡi cổ kẻ khác để sở đắc cái may mắn, tài lộc về mình. Giá trị tâm linh tốt đẹp đã bị tính thực dụng xoay vần thành mê tín.

Còn ở góc độ truyền thông, có lẽ, cũng không ít cái nhìn “xa lạ” về lễ hội, khi mà các góc máy chỉ chú mục đặc tả cảnh bạo lực để cho thấy một đời sống lễ hội cực kỳ điên đảo dã man nhưng không làm rõ bản chất thực tế đó xuất phát từ đâu, hiện tượng đi lệch so với nguyên bản thế nào, hình thái khác biệt với giá trị ra sao. Thậm chí, đã có những cuộc thăm dò ý kiến số đông để đề xuất dẹp lễ hội trong khi đó, bản thân các mã giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp không được dịch giải và đưa ra bàn luận nghiêm túc mà chỉ nhìn vào cái vỏ hư thối bên ngoài do sự quá khích của những con người “xôi thịt xa lạ” tạo ra. Việc đánh giá lễ hội bằng những hệ quy chiếu khác sẽ rất dễ khiến chúng ta rơi tình trạng tự thực dân.

Hơn lúc nào hết, cần sự nhiệt tình của các nhà nghiên cứu nhân học, văn hóa học, dân tộc học trong việc giải mã, thông diễn các lễ hội truyền thống, đồng thời sử dụng chuyên môn sâu để có thể truyền thông cho dân chúng và nhất là giới truyền thông hiểu để loại bỏ những hình thái tiêu cực, giữ gìn những giá trị văn hóa thực sự; tránh nguy cơ các lễ hội nói riêng, văn hóa bản địa nói chung rơi vào một trong hai thái cực: Hoặc mất khả năng tự phê phán để thích ứng với thực tại hoặc trở thành nạn nhân của các giải pháp hành chính hay các thăm dò đại chúng thiếu khoa học.

 

Sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng từng bị ép uổng bởi sự thực dân của “người ngoài”, rồi sự bạc đãi của chính những “người nhà” độc đoán; đến nay, không lý gì lại chịu xử oan bởi sự thiếu văn hóa bao dung của những đám đông xa lạ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo