Mới chừng mươi năm nay, vào những ngày chớm đông, người Hà Nội lại thấy những chiếc “xe hoa” đầy cúc họa mi bồng bềnh trôi trên đường phố. Màu trắng giản dị và tươi tắn của những cành hoa mới rời bãi đất ven sông Hồng làm cho phố xưa nhà cổ thêm sức quyến rũ những ai lần đầu đến đây. Với người Hà Nội đi xa, mùa cúc họa mi lại gợi nhớ về cả một thời thơ ấu…
Khi gió Đông Bắc đầu mùa tràn về nhưng chưa mang theo cái lạnh tê tái mà chỉ làm cho không khí dịu lại sau những ngày cuối thu thất thường nắng gió, buổi sáng đến trường đi trong làn sương dày hơn và không khí lành lạnh trong lành, bọn trẻ chỉ mong được nghỉ học để kéo nhau ra bãi ven sông Hồng. Ở đó có những vạt hoa dại mọc rậm rạp kết vào nhau dày đặc, mỗi khi gió từ sông Hồng ào lên vạt hoa lại nghiêng mình mềm mại. Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống xa xa như có những mảnh lụa trắng nhẹ nhàng bay trên màu xanh của bãi ngô và ruộng rau vụ đông... Không thấy ai gọi tên hoa là gì, cũng chẳng thấy ai mua bán hay cắm trong nhà bao giờ. Thỉnh thoảng gặp những người đàn bà cầm liềm cắt từng ôm cây hoa này, lèn chặt vào hai quang gánh, bọn trẻ hỏi “cắt về làm gì hả bác?” - Cho bò ăn. Mùi cây tươi ngái sực lên, sao bò ăn được nhỉ, lũ trẻ nghĩ thế.
Ngày ấy ngoài bãi ven sông Hồng và cả bãi giữa nữa luôn là “điểm đến” hấp dẫn của bọn trẻ trong phố. Từ những ngôi nhà ở phố cổ hay căn phòng trong khu tập thể, kể cả nhà biệt thự cũ trên “phố Tây” đã bị chia năm xẻ bảy, chật chội và ngột ngạt, mùa hè như cái lò nung còn mùa đông lúc nào cũng ẩm ướt… Chỉ cần đi theo đường đê cả ngày và đêm thường vắng vẻ, phía ngoài đê là một không gian rộng rãi, thoáng đãng, ngăn ngắt xanh từ triền đê xuống bãi, ngút ngát sông Hồng và những đoàn sà lan chở than, cát… Chiều mùa đông nhạt nắng, những chiếc thuyền xa dần, chỉ còn bóng dáng “cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…” mơ hồ gợi nỗi niềm tha hương.
Ra đến bãi sông, bọn con gái hay tìm rau dại, vào ruộng ngô nhặt rau muối, trò chuyện với nhau, ở cái tuổi trăng tròn đứa nào không có vài bí mật nho nhỏ có thể đã giữ kín trong lòng nếu không có một ngày với bạn ở bãi sông. Sau lúc tâm sự, an ủi, trêu chọc lẫn nhau thì kéo nhau đi tìm một hàng ngô nướng trong xóm gần đó, ngồi quanh cái chậu nhôm rách có mẻ than đỏ hồng, vừa hơ bàn tay bắt đầu lạnh cóng vừa chờ mùi thơm ngô nếp tỏa ra cho đến lúc chẳng phân biệt được đâu là những hạt ngô non đâu là chiếc răng xinh. Còn bọn con trai, chúng chơi gián điệp tìm bắt hay “quân ta, quân địch” bùm chéo, có khi lại đánh nhau với bọn con trai xóm bãi, chán rồi nằm lăn trên cát mịn như nhung mà tán chuyện. Nếu trời hanh nắng, chúng xuống sông tắm, quần áo vứt hết trên bờ. Bọn con gái không biết, nhỡ đi qua thì ù té chạy trong khi bọn con trai dưới sông lại reo hò không hề biết ngượng.
***
Thảm hoa dại ngày ấy bây giờ được gọi là cúc họa mi, chở trên xe đạp cũng nhiều gần bằng gánh cho bò ăn ngày trước, bán từng bó nhỏ bọc trong giấy ni-lông. Bạn, một người “Hà Nội gốc”, có lần nói “xưa chẳng ai mua bán hay cắm loại hoa dại này cả!”. Ừ xưa thì thế nhưng nay khi món ăn dân dã vào nhà hàng máy lạnh để thành “đặc sản” thì hoa dại có mặt trong ngôi nhà phố cổ cũng là điều bình thường, phải không? Vì người ta nhìn ra cái ngon, vẻ đẹp trong dân dã, hay là vì “người khôn của khó”?
Thật ra, thời bao cấp, mỗi năm có mấy dịp để mà cắm hoa? Phổ biến nhất là dịp Tết: nhà khá thì có đào, quất, thủy tiên, bình thường thì thược dược, cúc, violet, lay-ơn, hoa bướm, mõm thỏ… thật rực rỡ. Nhà có bình hoa trông trang trọng hẳn lên. Thỉnh thoảng sinh nhật bạn bè tặng nhau bó hồng hay chục hoa đồng tiền đơn được cắm trong bình thủy tinh nhỏ xinh. Bây giờ, có nhiều loại hoa hơn mà nhu cầu cũng cao hơn, ngày nào cũng có thể cắm hoa cho đẹp, cho vui mà không cần lý do. Nhiều nhà luôn có bình gốm sành hay bình gốm men màu thân bầu to, có thể cắm vài chục bông sen, mấy mươi bông cúc, bông hồng, bó loa kèn, cúc họa mi hay violet sum sê. Bình hoa đơn sắc như biểu tượng của sự sang trọng và no đủ.
Mùa cúc họa mi chỉ khoảng mươi ngày ngắn ngủi. Dù vậy, vẫn như ngày xưa, loài hoa dại này góp thêm vào nguồn sống ít ỏi của nhiều người nghèo khó như những người đàn bà, đàn ông hằng ngày chở trên chiếc xe đạp cũ kỹ của mình mùa nào hoa ấy từ vùng ngoại ô đi vào thành phố.
TP HCM, 25-11-2016
Bình luận (0)