Ngoài công việc giảng dạy ở Khoa Mỹ thuật Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, thạc sĩ Bùi Hải Sơn còn được biết đến là một nghệ sĩ điêu khắc. Hiện anh cũng đang đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật TP HCM và cùng bạn bè lập một xưởng điêu khắc, chuyên nhận chế tác theo đơn đặt hàng. Chuyện một nghệ sĩ kiêm thêm nhiều việc khác không xa lạ gì trong lĩnh vực nghệ thuật hiện nay. “Điêu khắc nước ta chưa chuyên nghiệp bởi người nghệ sĩ không sống bằng chính cái nghề của mình mà còn làm thêm nhiều việc khác liên quan đến nghề để kiếm sống” - điêu khắc gia (ĐKG) Bùi Hải Sơn chia sẻ.
Không sống được với nghệ thuật
Xưởng điêu khắc do ĐKG Bùi Hải Sơn cùng các bạn mình là ĐKG Hoàng Tường Minh, Trần Việt Hưng, Nguyễn Anh On sáng lập để nhận các đơn hàng theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Số tiền kiếm được, các ĐKG để dành thực hiện triển lãm cá nhân hay triển lãm chung cho nhóm. Từ năm 2012 đến năm 2014, nhóm ĐKG này cùng các ĐKG ở Hà Nội đã tổ chức được 2 triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn, Sài Gòn - Hà Nội nổi tiếng. Còn triển lãm cá nhân thì họ mới chỉ thực hiện được một lần!
Theo ĐKG Thái Nhật Minh, Hội Mỹ thuật Hà Nội, mặc dù một vài năm trở lại đây, điêu khắc có triển vọng khá hơn nhưng nhìn chung đời sống của nghệ sĩ điêu khắc hiện nay không có nhiều thuận lợi. Ngoại trừ số ít làm tượng đài theo đặt hàng của nhà nước nhưng cũng chỉ là công việc kiếm tiền chứ họ không mặn mà gì. “Phần lớn không tập trung được vào chuyên môn của mình, không thể chuyên tâm cho sáng tác mà phải làm các nghề gần với ngành của mình đào tạo để kiếm sống. Đó là lẽ tất nhiên, bởi không phải ai được đào tạo ra trường cũng có thể trở thành nghệ sĩ” - ĐKG Thái Nhật Minh cho biết.
Bắt đầu từ năm 2011, hai năm sau khi ra trường, ĐKG Thái Nhật Minh bán được vài tác phẩm… cho người thân trong giới và bè bạn. Đến năm 2013, sau triển lãm cá nhân đầu tiên của anh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một số gallery ở nước ngoài tìm đến mua và đem tác phẩm của anh đến với các thị trường Singapore, Hồng Kông.
Xét về mặt phát triển là như vậy, tuy nhiên ở góc độ chuyên môn, nhiều nhà điêu khắc thừa nhận điêu khắc Việt Nam hiện còn nhiều non nớt. Số người làm và tham gia sáng tác không phải tất cả là chuyên nghiệp. Mang nặng tư duy và tổ chức phong trào, tính chuyên nghiệp còn bị các tổ chức, thậm chí cá nhân nghệ sĩ xem nhẹ và coi thường. Nhưng cũng thật là khó bởi điều kiện điêu khắc Việt Nam hiện phát triển không dựa trên nền tảng chuyên nghiệp, không có thị trường đúng nghĩa, không có những quy chế mang tính pháp lý, bảo trợ của nhà nước. Con đường tiến lên chuyên nghiệp hiện tại chỉ là những nỗ lực của một số cá nhân đơn lẻ.
Kiếm sống theo nhiều cách
Không có thị trường điêu khắc đúng nghĩa nên việc mua tác phẩm điêu khắc chủ yếu trực tiếp giữa ĐKG và người mua. Một số ít gallery đứng ra làm trung gian. “Trong ngành điêu khắc hiện nay có khoảng chừng chục người bán được tác phẩm theo cách như thế” - ĐKG Bùi Hải Sơn cho biết.
Có tác phẩm được các bảo tàng đặt mua nhưng ĐKG chỉ bán tượng trưng vì giá mua quá thấp so với giá trị tác phẩm. Theo chia sẻ từ các ĐKG, việc mua bán như thế làm cho nghệ sĩ cảm giác bị tổn thương vì những gì đã đầu tư cho tác phẩm. Thêm nữa, nhiều khách nước ngoài muốn mua tác phẩm điêu khắc sẽ xem xét trên mức giá mua tác phẩm của các đơn vị này và mua với giá không cao. “Do đó, tác phẩm điêu khắc của các ĐKG nước ta thường bán giá thấp hơn các quốc gia trong khu vực” - một ĐKG cho biết.
Sáng tác ít có người mua nên một số ĐKG ở TP HCM chọn cách kiếm sống bằng việc làm theo đơn đặt hàng. Họ quan niệm sống được với nghề như vậy là vui rồi. Trái lại, các ĐKG ở Hà Nội thì có thiên hướng đầu tư cho nghệ thuật hơn, đã làm tác phẩm thì sẽ hướng đến việc tìm đầu ra. Những ĐKG trẻ đã tự “cứu mình” bằng cách làm những tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu ít đắt đỏ, tác phẩm nhỏ gọn, gần gũi với đời sống. Thái Nhật Minh là số ít những ĐKG trẻ đang hướng tới điều đó, điêu khắc bằng bất cứ vật liệu gì, như là một thử nghiệm tiếng nói của chất liệu, dù là rẻ hay đắt. Những tác phẩm về các chú dê trong bộ sưu tập “Mừng năm mới 2015” của Thái Nhật Minh làm từ bột giấy, keo, que đồng, màu nước đã bán hết cho nhiều khách hàng, trong đó có những người nổi tiếng như ca sĩ Tùng Dương, diễn viên Hồng Ánh.
Điêu khắc kén người chơi, đó là tình hình chung hiện nay của ngành này. Khi đời sống vật chất còn chưa đầy đủ nên nhu cầu của xã hội dành cho đời sống tinh thần bị đặt ở phía sau. Tuy vậy, có khi vấn đề lại nằm ở kiến thức. Ở nước ta, người giàu có không thiếu, có người sẵn sàng bỏ cả tỉ đồng để mua món hàng xa xỉ nhưng với tác phẩm nghệ thuật thì chỉ mua bản sao chép để trong nhà làm vật trang trí. Một ĐKG lý giải tượng điêu khắc khó bán vì “người chơi” đâu phải ai cũng có sự am hiểu căn bản về mỹ thuật, cho nên nếu có tiền đi chăng nữa, mua tác phẩm điêu khắc về ngắm hoài cũng không “cảm” được thì mua làm gì!
Công chúng hiểu biết mờ nhạt
Số lượng ĐKG là hội viên của Hội Mỹ thuật ở Hà Nội hiện có 125 người, còn ở TP HCM có khoảng 90 ĐKG, trong đó 30 người lớn tuổi không có hoạt động điêu khắc thường xuyên, 30 người không có hoạt động chuyên môn, dựa trên ngành mình đi kinh doanh, 30 người thực sự có tác phẩm điêu khắc, trong đó có 10 người có chỗ đứng trong nghề.
Theo các nhà điêu khắc, muốn xã hội có nhu cầu đối với các tác phẩm điêu khắc vấn đề nằm ở giáo dục. Công chúng được trang bị kiến thức về nghệ thuật, hiểu được nghệ thuật là gì rồi đến các khái niệm điêu khắc thì mới yêu điêu khắc được. Còn hiện nay, sự hiểu biết mờ nhạt về điêu khắc đã và đang làm cho ngành này dù có bề dày truyền thống song vẫn cứ giậm chân tại chỗ.
Kỳ tới: Tác phẩm làm ra chất kho
Bình luận (0)