Khi kinh tế phát triển, người ta bắt đầu chú ý đến mỹ thuật nhưng thường mọi người chỉ biết đến họa sĩ - người vẽ tranh và gallery - nơi bán tranh. Trong khi thực chất là còn nhờ nhiều thành phần khác, thị trường mỹ thuật mới có thể thành hình.
Chữa dị ứng “con buôn”
Những tác phẩm bán được giá nhất trên thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay và được săn lùng nhiều nhất thuộc về các họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương và các họa sĩ thời kỳ đầu mỹ thuật Việt Nam. Chính sức hút “nóng bỏng” của các tác phẩm này từ nhiều năm nay đã khiến hình thành những dòng sưu tập, đi kèm với nó là sự cạnh tranh không lành mạnh, những “mánh” chơi xấu, làm giả, làm nhái, hô biến từ sản phẩm “vỉa hè” lên tác phẩm vô giá.
Thủ phạm tạo ra những tác động xấu đến thị trường mỹ thuật, không ai khác, chính là những nhà sưu tập thiếu tâm, thiếu tầm, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt nên ở ta, họ bị gọi là những “nhà buôn” tranh. Ngoài những tác phẩm cổ điển, việc “ôm” sẵn các tác phẩm đương đại để bán ra cũng là một cách kiếm lời phổ thông. Nhưng cũng chính vì thế mà họa sĩ chẳng ưa gì “con buôn” khi ông ta sẵn sàng ép giá, mua với giá “bèo” và đẩy hàng với giá cao hoặc “ém” lại đợi thời cơ, khi tên tuổi của họa sĩ đã ăn khách rồi mới bung hàng. “Nói cho cùng, nếu không có các “nhà buôn” thì bản thân họa sĩ không thể tự đứng ra khen tranh mình hay cho nên rất ít họa sĩ tự bán tranh mình hoặc tự bán mà được giá cao” - họa sĩ Lê Kinh Tài nói.
Cần phải hài hòa quyền lợi của tất cả bộ phận trong thị trường, cùng nhìn chung một hướng thì mới thật sự có thị trường, còn nếu cứ “đường ai nấy đi” như lâu nay, muôn thuở tiền lời chỉ rơi vào túi “nhà buôn”, họa sĩ vẫn nghèo. Các họa sĩ đã có tên tuổi ở Việt Nam mặc dù đều biết rõ nguyên tắc này của thị trường nhưng vẫn không ít người quyết định “cự tuyệt” giao dịch với “nhà buôn”. Khi tất cả đều không làm tròn vai, chính nghệ sĩ cũng chưa biết mình đang ở đâu, gallery chỉ đơn thuần bán tranh chứ không đỡ đầu nghệ thuật và “nhà buôn” thì bằng mọi cách kiếm lời.
Sợi dây kết nối
Làm thế nào để tìm ra tiếng nói chung giữa nghệ sĩ và người kinh doanh? “Xin hãy để cho họa sĩ chỉ việc vẽ thôi. Vừa vẽ mà vừa phải lo đàm phán hợp đồng, thỏa thuận về giá, cơ chế..., nghệ sĩ sẽ bị phân tán tư tưởng, sản phẩm không thể tốt được. Cầu nối của nghệ sĩ và kinh doanh chính là giám tuyển. Nếu không có những người làm trung gian, hai bên (họa sĩ và người buôn tranh - PV) sẽ rất khó gặp nhau ở một điểm” - bà Lý Bích Ngọc, Giám đốc sàn đấu giá tác phẩm nghệ thuật Lý Thị, nói.
“Nghệ sĩ có rất nhiều quyền mà nhiều khi chính nghệ sĩ không hề biết vì họ lơ mơ về luật. Nghệ sĩ cũng có thể giữ trong nhà nhiều tài sản giá trị nhưng chính bản thân họ lại không ý thức được rằng đó đang là tài sản, họ chỉ nghĩ đơn thuần đó là tác phẩm. Và với những tác phẩm đơn giản là tranh, xã hội Việt Nam còn có một số người hiểu được chứ giá trị của các tác phẩm tượng, điêu khắc... người Việt gần như chưa hiểu gì về nó, chả ai nghĩ bỏ cả đống tiền ra để mua về làm gì. Giám tuyển phải là những người rất hiểu về nghệ thuật để giúp nghệ sĩ chọn lựa được đúng những tác phẩm vào một triển lãm, nói lên được thông điệp của chúng khi các tác phẩm đó đứng cạnh nhau, tức là gia tăng giá trị cho tác phẩm. Giám tuyển tốt sẽ đẩy giá trị của tác phẩm lên cao hay nói cách khác là anh ta đang giải thích cho công chúng nghe về những yếu tố khiến cho tác phẩm đáng quý” - giám tuyển Nguyễn Như Huy giải thích.
Ông Huy nói tiếp: “Từ chỗ nhận thức ra, người mua sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn để sở hữu được tác phẩm nghệ thuật. Với một giám tuyển làm trung gian, cả hai bên - nghệ sĩ và người mua (bao gồm cả gallery, nhà sưu tập và công chúng) - sẽ cùng hiểu được giá trị của tác phẩm và mức giá tương đương, tạo ra sự luân chuyển lành mạnh trên thị trường mỹ thuật”.
Tuy nhiên, ranh giới giữa giám tuyển, cố vấn nghệ thuật và người môi giới tranh lại rất gần nhau, dễ gây hiểu lầm. Công việc của người môi giới tranh ở các nước độc lập với các giám tuyển nghệ thuật và rất được tôn trọng do họ làm tăng giá trị tài chính của tác phẩm. Ở Việt Nam, cảnh “tranh tối tranh sáng” dễ làm cho người mua nhìn các giám tuyển với “nửa con mắt” vì nghĩ rằng mục đích cuối cùng chỉ là để môi giới bán tranh.
Khó kiếm tiền
Giám tuyển là người rất hiểu nghệ sĩ, một số người xuất thân chính là nghệ sĩ nên việc am hiểu nghệ thuật và có tiếng nói trong lĩnh vực chuyên môn là tất yếu nhưng khi thị trường chưa hiểu công việc của họ, sẽ chỉ có họa sĩ bán được tranh và gallery, nhà sưu tập kiếm lời, còn giám tuyển thì có thể rất… nghèo.
“Công việc mới trong một xã hội chậm phát triển, ít ai muốn cộng tác giúp đỡ chứ đừng nói đến trả lương” - giám tuyển Trần Lương cho biết. Giám tuyển Như Huy cũng cười trừ khi nhắc đến thu nhập từ công việc giám tuyển ở Việt Nam. Nhưng các giám tuyển đều nhận được thu nhập không tệ từ các triển lãm được thực hiện ở nước ngoài, hơn nữa, gần như tất cả giám tuyển đều xuất thân từ chính công việc làm nghệ thuật nên ở họ có tình yêu không biên giới và nhận thức rõ tính cống hiến trong công việc của mình.
“Nếu chỉ lo để sống thì đi kinh doanh hay sáng tác theo thị trường là xong. Tôi chỉ giám tuyển cho các yếu tố hàn lâm, giáo dục và phát triển, thị trường ở phía sau lưng. Thị trường sẽ đi theo sau khi nghệ thuật hay nghệ sĩ cụ thể đã trở nên đại chúng” - giám tuyển Trần Lương khẳng định. Còn ông Như Huy cho rằng trong mấy năm sắp tới, nghề giám tuyển sẽ trở nên rất ăn khách vì xã hội đã bắt đầu quan tâm đến mỹ thuật.
Bình luận (0)