Lê Tứ (bìa trái) và đoàn cán bộ, nghệ sĩ có mặt tại TP Baku
Nhạc sĩ Kiều Tấn – Trưởng Ban Văn nghệ HTV có mặt trong chuyến đi của đoàn nghệ sĩ VN tham dự Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan cho biết: “Nghe chủ tọa xướng tên nghệ thuật Đờn ca tài tử của Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi vô cùng xúc động! Đây là một tin vui cho những người yêu mến văn hoá Việt Nam nói chung và Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng”.
Nhạc sĩ Kiều Tấn (giữa) tại cuộc họp được tổ chức tại Baku
Nghệ sĩ Lê Tứ (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) có mặt trong chuyến đi này đã tâm sự: "Tôi nhớ đến cô Nghệ nhân nhân dân Bạch Huệ, người khao khát tin vui này biêt mấy nhưng cô đã ra đi cách đây không lâu. Giữa cái giá lạnh của TP Baku, tôi khấn nguyện vong linh cô, cùng về chung vui với niềm hạnh phúc của những nghệ sĩ cả đời gắn liền với đờn ca tài tử”.
Ở trong nước, GS-TS Trần Văn Khê khi biết được tin vui, ông đã chia sẻ: “Tôi cho rằng tất nhiên Đờn ca tài tử phải đạt được danh hiệu cao quý này. Bởi, tôi đã nghiên cứu thể loại này từ khi lúc trẻ, niềm đam mê được hun đúc từ thời các cậu, các cô của tôi trong gia tộc. Chính niềm tự hào của nhiều thế hệ mà tôi hiểu rằng Đờn ca tài tử Nam Bộ là một loại nhạc vừa bình dân, nhưng vừa mang tính bác học. Đây còn là nghệ thuật đỉnh cao trong các loại nhạc cụ thuộc họ đàn dây của người Việt...”.
NSND Ngọc Giàu và các thành viên của CLB sân khấu cải lương - đờn ca tài tử Trẻ quận 10 - TPHCM
Theo kế hoạch ban đầu, hồ sơ Đờn ca tài tử Việt Nam dự định đăng ký vào danh sách xét duyệt năm 2012. Tuy nhiên, do ưu tiên hồ sơ về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nên hồ sơ về Đờn ca tài tử phải lùi lại đến bây giờ.
NSND Ngọc Giàu phấn khởi nói: “Về các tỉnh ĐBSCL mới thấy, bộ môn này đã lan tỏa rộng, nhà nhà đều biết chơi, hễ có đám giỗ, đám cưới, đám hỏi… phải có đờn ca tài tử. Có những đêm trăng sau mùa gặt, trên chiếc chiếu trước sân nhà, bà con vui mừng vụ mùa bội thu đã thể hiện qua những bản đờn ca tài tử. Có thể nói, hiện nay, bộ môn này có sức sống mạnh mẽ, có số lượng khán giả đông nhất, có số lượng người thực hành nhiều nhất trong tất cả các thể loại cổ nhạc Việt Nam. Tôi đi chấm thi các mùa giải, mỗi năm mỗi phát hiện thêm nhiều giọng ca, ngón đờn trẻ, lòng hạnh phúc biết bao! Bản thân tôi cũng từ đờn ca tài tử mà ra, từ khi còn là cô bé Ngọc Giàu ở làng quê Thủ Thiêm, mỗi lần nhà láng giềng có đám tiệc, ba tôi dẫn tôi đến ca, để rồi được các ông bà bầu chú ý, mời theo nghề hát cho đến ngày nay”.
NSƯT Diệu Hiền và soạn giả NSND Viễn Châu
NSND soạn giả Viễn Châu nói vui nhưng vẫn còn mang một nỗi lo, đó là giữ được truyền thống thưởng thức và biểu diễn loại nhạc này, không để nó bị biến tướng. Ông cha ta đã duy trì bộ môn này trong một không gian rất văn hóa, nó bền vững cả trăm năm nay. Hơn thế nữa, Đờn ca tài tử còn là cơ sở hình thành một loại hình sân khấu cuối cùng của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đó là sân khấu cải lương, do vậy không thể để nó bị mai một. Nói cách khác, Đờn ca tài tử là cái nôi đào tạo ra những "anh tài" trên sân khấu cải lương. Những loại hình khác có thể bị mai một, biến mất hoặc nguy cơ thất truyền, riêng đờn ca tài tử thì không bởi số lượng người tham gia học đờn, học ca ở Nam Bộ rất lớn.
Nghệ sĩ Phượng Liên từ Mỹ bày tỏ niềm vui: “Tôi xuất thân cũng từ đờn ca tài tử ở Cần Thơ, khi còn bé đã được học ca theo đờn, do các chú, các bác ở trong làng quê dạy. Chính vì tính ngẫu hứng của Đờn ca tài tử mà bản thân mỗi nghệ sĩ khi tham gia đã chịu nhiều áp lực và thử thách. Điều ấy khiến cho mỗi nghệ sĩ khi đi theo con đường chuyên nghiệp phải cố gắng tìm hiểu và nắm bắt được qui luật âm điệu của nó. Tức là cùng một bản nhạc người ta có thể chơi hàng nghìn lần mà chằng lần nào giống lần nào. Đó là điều rất đặc biệt mà tôi đã học từ cố nhạc sĩ Văn Vĩ, Năm Cơ, Chín Trích…
NSƯT Thanh Thanh Tâm và Linh Tâm
NSƯT Thanh Thanh Tâm cho biết thêm: “Gắn bó với sàn diễn cải lương, tôi hiểu thêm về nguyên tắc tạo nên thành tựu của bộ môn này, chính là đề cao tính ngẫu hứng trên cơ sở của đờn ca tài tử. Đối với loại nhạc này, người ta chỉ cần nghe qua là biết nghệ sĩ đó thuộc lò đào tạo của danh cầm nào. Do vậy, trong thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương, chỉ cần nghe ca đã dễ dàng nhận biết làn hơi của nghệ sĩ nào, những danh ca một thời: Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Sáu Thoàng, Cô Ba Trà Vinh, Cô Năm Cần Thơ…cho đến các tài danh có số đông công chúng yêu thích nhờ vào làn hơi độc đáo mà họ được đào luyện từ đờn ca tài tử như: Thanh Hương, Tấn Tài, Minh Vương, Lệ Thủy, Minh Phụng, Diệu Hiền, Thanh Thanh Hoa, Kiều Hoa, Phượng Liên, Ngọc Hương, Thanh Nguyệt…”.
Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên các nhóm nhạc tài tử hợp lại với nhau thành các câu lạc bộ đờn ca tài tử mang tính bán chuyên nghiệp. Bên cạnh nghề nghiệp chính, họ phục vụ văn nghệ khi có yêu cầu. Để trở thành một nghệ sĩ trong ý nghĩa xác thực nhất của từ này, họ phải thực hành trong một thời gian dài.
Bình luận (0)