Kỹ năng làm phép cộng trừ của tôi cho kết quả đúng, nhưng hóa ra vẫn chưa chính xác với tuổi tác của ông. Ông sinh năm 1909. Cần đính chính lại cho câu trích dẫn trên: "Khi ấy tôi 27 tuổi". Con gái út của ông giải thích đấy là một nhầm lẫn do tuổi tác - sự nhầm lẫn rất ít thấy ở ông, con gái đã không có cơ hội “kiểm duyệt" bài vì cha viết “lén" và cũng lén gửi bài cho Viện Âm nhạc lúc nào không hay, chắc sợ bị con cháu ngăn cản vì lo ngại cho sức khỏe của ông.
Thực ra ông vẫn khỏe và quá trẻ so với người đang chuẩn bị đón cái tết thứ 97 của đời mình. Gọn gàng, nho nhã, dẻo dai về sức lực (bởi ông vẫn tự lên xuống cầu thang một mình), minh mẫn về trí óc (bởi ông chuyện trò rành mạch đâu ra đấy), chỉ một chút lãng tai là dấu ấn tự nhiên của tuổi tác. Người con út mà ông giới thiệu là “cây gậy” trong tuổi già đôi khi phải kiêm thêm vai trò phiên dịch, chị ghé sát tai cha nhắc lại câu hỏi của chúng tôi bằng giọng miền Trung (bình thường chị nói giọng Nam pha Bắc). Thật lạ lùng, đôi tai không nắm bắt được hết thế giới âm thanh bên ngoài vẫn dành riêng một “kênh” chỉ tiếp nhận tiếng nói của con gái ông qua chất giọng quê hương nơi chôn rau cắt rốn của ông. Đó có phải vì càng già con người ta càng muốn hướng về cội, về những gì thân thương nhất? Còn lạ lùng hơn khi câu chuyện về 70 năm trước được bắt đầu bằng tiếng hát của chính ông - ca sĩ đầu tiên của Đông Dương, “một giọng hát không thể chê vào đâu” như báo L’Impartial từng giới thiệu. Chương trình Những chuyện lạ ở Việt Nam của VTV3 cũng không làm tôi ngạc nhiên như lúc tai nghe mắt thấy một cụ ông ở tuổi cực hiếm này tự biên tự diễn, ông đã hát và tự đệm orgue ba ca khúc ông viết từ những năm 37-38: Kiếp hoa, Anh hùng ca (phổ thơ Nguyễn Văn Cổn) và Bông cúc vàng (thơ Nguyễn Quý Anh).
- Trước khi viết những bài này, ông có biết đến Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1937) của Lê Yên, Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung, Xuân năm xưa (1936) của Lê Thương...?
- Tôi biết trong giới đạo Thiên Chúa trước đó có đặt những bài hát Việt phục vụ tôn giáo, chứ ngoài đời tôi chưa được nghe một bài hát nào cả. Tôi biếu diễn bằng tiếng Pháp những bài cổ điển hoặc nhạc giải trí kiểu Tino Rossi. Thời đó người ta chỉ đua nhau làm bài hát “lai Tây” (bài Tây lời ta). Muốn quần chúng hướng đến một nền âm nhạc không lai căng thì trước hết phải có bài hát mới cả lời lẫn nhạc hoàn toàn Việt Nam. Bao lần đi trên đường nghe tiếng rao hàng rong: “Ai ăn chè đậu xanh hương dừa đường cát khô... ông?”, tôi nhận thấy nhạc điệu trong đó và đã hát lên thành nốt nhạc. Rồi tôi nghĩ tại sao mình không thử làm bài hát mang tính dân tộc trên nguyên tắc bám sát tiếng nói giàu âm điệu của Việt Nam.
Tư tưởng lớn gặp nhau, những người tiên phong thời tân nhạc đã tình cờ trở thành bạn đồng hành trên con đường đi tìm nguồn nhạc mới cho đất nước. Riêng ca sĩ Nguyễn Văn Tuyên không chỉ thể nghiệm trong lĩnh vực sáng tác mà còn tận dụng mọi cơ hội phát động phong trào đổi mới trong âm nhạc. Ông đã hát Anh hùng ca trong chương trình biểu diễn nhạc Pháp, có lẽ đây là lần đầu tiên một bài hát tân nhạc được chính thức công diễn trên sân khấu trước đông đảo quần chúng và đã được đón nhận nồng nhiệt. Ông làm dịu đi phản ứng của phái nệ cổ khi khẳng định tân nhạc không tiêu diệt cổ truyền mà là sự phát triển nối tiếp từ nhạc cổ. Ông khéo sử dụng tài trợ của thống đốc Nam Kỳ để thực hiện chuyến lưu diễn đơn thương độc mã từ Nam ra Bắc vào năm 1938 nhằm cổ động cho nhạc cải cách, có người còn gọi cuộc hành trình văn nghệ xuyên Việt này như một sự kiện cách mạng công khai mở màn cho kỷ nguyên tân nhạc. Trong dịp đó, bài Kiếp hoa của ông được nhà thơ Thế Lữ chuyển tới báo Ngày nay và được coi là một trong những ca khúc đầu tiên xuất hiện trên mặt báo. Đầu năm 1939, ông thu bài hát của mình vào đĩa RCA-Victor và gửi sang Thượng Hải sản xuất, không may chiến tranh thế giới bùng nổ và làm thất lạc mất hai bài, chỉ duy nhất Anh hùng ca còn trở về nước. Sau này có lần qua Vinh tình cờ nghe thấy người ta mở đĩa hát Anh hùng ca, ông dừng lại đứng nghe mà chủ nhà chẳng hề hay biết người khách vãng lai kia chính là ca sĩ đang hát trong đĩa.
Bằng chất giọng khỏe vẫn vang, ông hát cho chúng tôi nghe hết bài này qua bài khác, cả tiếng Pháp và tiếng Việt, cả bài Tây và bài ta, bài xưa và bài nay. Và vừa hát vừa kể, rằng thời đó ông đã làm nhiều người Pháp ngạc nhiên ra sao khi nghe ông giải thích sự khác nhau về ngữ điệu giữa nhạc Tây và tiếng Việt bằng cách so sánh vị khác biệt giữa củ khoai tây nhàn nhạt với củ khoai lang không đường mà ngọt, một bài thơ Việt tự nó đã có nhạc điệu rồi, nhạc sĩ Việt phải biết lấy ra từ đó giai điệu phù hợp, vậy nên người Việt viết ca khúc vất vả hơn nhiều so với người Pháp. Thế đấy, bản sắc dân tộc trong sáng tác âm nhạc và mối quan hệ giữa giai điệu với lời ca đã được các vị tiền bối quan tâm ngay từ thuở trứng nước của nền nhạc mới Việt Nam.
- Sự nghiệp âm nhạc của tôi đến đó xem như chấm dứt. Tôi chẳng còn liên quan gì đến âm nhạc. Xung quanh tôi không còn ai bạn bè, cũng không quen biết một nhạc sĩ nào cả, tôi chẳng biết nói chuyện âm nhạc với ai và chẳng có gì hơn để kể nữa.
Đúng là chỉ mình ông còn lại trong tấm hình cách đây mười năm chụp cùng các nhạc sĩ Lê Thương, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương. Nhưng ông đâu có rời bỏ âm nhạc, ông vẫn viết bài hát "cho riêng mình", ông vẫn ca hát và dạy con dạy cháu yêu ca hát, vì thế mà trong gia đình ông chẳng bao giờ thiếu vắng tiếng hát, tiễng đàn. Ngược lại, âm nhạc cũng không rời bỏ ông, vì hay hát mà ở tuổi này ông vẫn hát hay, vẫn minh mẫn, vẫn yêu đời. Hơn thế nữa, tên tuổi ông sẽ còn được nhắc đến trong lịch sử tân nhạc. Tiếng hát ông, hình ảnh ông, câu chuyện của ông mà chúng tôi ghi được trong cuộc gặp gỡ này chắc chắn là tư liệu có một không hai về những năm tháng hình thành nền nhạc mới Việt Nam.
Bình luận (0)