Nhiều chuyên gia nhận định người Việt đọc sách đã ít lại chỉ đọc mấy thứ nhảm nhí nên chẳng có gì lạ khi đạo đức xã hội cũng bị ảnh hưởng không nhỏ và tình trạng tụt hậu thê thảm về mọi mặt: khoa học, xã hội, kinh tế... càng lúc càng thấy rõ.
Sách khoa học là dòng sách kiến tạo xã hội, thể hiện những khát vọng làm khoa học, đưa đất nước phát triển đi lên. Theo điều tra của ngành giáo dục, ngay cả một số trường thuộc loại “có điều kiện” cũng chỉ có 4/153 học sinh có nhu cầu đọc sách khoa học. Điều đó phản ánh khát vọng làm việc liên quan đến khoa học là rất kém, gần như không có.
Tạo thói quen đọc sách khoa học cho người Việt khó như... lên trời. Khó dịch, khó in ấn, khó bán, chạm đâu cũng thấy khó, sản xuất ra được một cuốn sách khoa học ở Việt Nam đúng là quý như... vàng. Nhưng đáng tiếc là vàng chỉ được cất kỹ trong kho hoặc trong đáy tủ chứ quá hiếm cơ hội được “chảy” vào thực tế cuộc sống.
Theo khẳng định của các chuyên gia, người Việt ít chịu đọc sách khoa học. (Ảnh bìa các cuốn sách khoa học)
Rất ít NXB ở Việt Nam có bộ phận làm sách khoa học. Thiếu trầm trọng người viết sách khoa học, dịch giả, biên tập viên, thiếu cả những “ông bầu”, “bà đỡ” cho sách khoa học và các chuyên gia quan tâm tới lĩnh vực này.
Để làm sách khoa học phải rất cẩn thận, quá trình dịch thuật quá khó khăn còn bởi thiếu rất nhiều từ chuyên ngành chưa hề xuất hiện trong tiếng Việt. Lịch sử tự nhiên - Bách khoa toàn thư bằng hình về vạn vật trên trái đất chẳng hạn, cuốn sách mở ra cánh cửa kỳ thú bước vào thế giới thiên nhiên, được hội đồng tác giả (Anh) đầu tư 20 năm chẵn, Đông A mua bản quyền của NXB Dorling Kindersley mang về Việt Nam, quá trình dịch thuật cũng mất tới 4 năm; cuốn Vẻ đẹp toán học (Công ty Long Minh, NXB Dân trí) chẳng hạn, cũng mất 5 năm mới hoàn thiện.
“Vào các hiệu sách lớn ở Nhật, Hàn, Trung Quốc... đều có sách khoa học được ấn hành bằng cả tiếng Anh và tiếng bản địa. Còn ở Việt Nam, chúng ta thiếu trầm trọng những cuốn sách khoa học được làm bằng tiếng Việt” - dịch giả Nguyễn Việt Long cho biết.
Tiến sĩ vật lý Giáp Văn Dương - một chuyên gia giáo dục, người mở mô hình trường học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, tại buổi tọa đàm về thói quen đọc sách của người Việt tại TP HCM vào sáng 19-3 - cho biết không lạc quan lắm với khả năng tiếp nhận của người Việt và việc thay đổi thói quen cho cả cộng đồng thực sự là rất khó nhưng anh vẫn cho là có rất nhiều cách để mang sách khoa học đến với người đọc, một trong những cách đó chính là môi trường mạng internet, phổ biến kiến thức và tiết kiệm chi phí. Thế nên anh chọn phương thức này. Anh cũng rất mừng vì thỉnh thoảng đã có những nhà sách dám bỏ kinh phí để đầu tư những cuốn sách khoa học công phu như cuốn Lịch sử tự nhiên - Bách khoa toàn thư bằng hình về vạn vật trên trái đất hay Atlas giải phẫu cơ thể người (Công ty Đông A và NXB Dân trí vừa ấn hành).
Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân này có vẻ như vẫn đang là “muối bỏ bể” trước hiện trạng kinh tế khó khăn chung nên việc sụt giảm nhu cầu đọc là tất yếu mà người mua lại chỉ dễ dãi bỏ tiền cho những cuốn sách ngôn tình thay vì những kho tàng kiến thức quý về tham khảo.
Bình luận (0)