Nhà văn Nguyễn Bình Phương vừa được vinh danh bởi giải thưởng Sách hay 2014 với cuốn tiểu thuyết Người đi vắng. Sách có bán bản điện tử trên trang web amazon - nằm trong bộ những cuốn sách văn học hay nhất của Việt Nam.
Nhà văn của những điều bí ẩn
Trong làng văn học Việt Nam, cái tên Nguyễn Bình Phương - như cái tựa sách của anh - luôn là “người đi vắng”. Rất ít khi thấy anh xuất hiện ở đâu, chỉ cặm cụi sáng tác và đều đặn công bố, vài năm một cuốn tiểu thuyết. Giới làm nghề tôn trọng và kính phục cái sự âm thầm lặng lẽ vì nghề chứ không đăng đàn diễn thuyết của anh - thực sự giống hệt như một nông dân cần cù cày xới trên thửa ruộng của mình. Vì vậy, cái tên Nguyễn Bình Phương được xướng lên bởi giải thưởng Sách hay 2014 đã khiến người đọc hết sức bất ngờ.
Nguyễn Bình Phương đã để lại dấu ấn trên văn đàn Việt ngay từ những cuốn sách đầu tiên của mình. Tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già (1991) khắc họa cuộc đời của những con người có cảnh sống éo le, đồng thời đặt ra câu hỏi dường như không bao giờ cũ về sự tồn tại, cái hữu hạn của đời người trong thời gian vô hạn.
Người đi vắng - tự cái tựa đó đã nói rất nhiều: Sự cô đơn, vô hình, bí ẩn, trống vắng... Người đi vắng (1999) là một trong những khởi điểm của dòng chảy Nguyễn Bình Phương vào thế giới vô thức, mộng mị, hồng hoang, sau đó được tiếp nối bằng Trí nhớ suy tàn (2000) và Thoạt kỳ thủy (2004)…
Cư dân của Người đi vắng là những hồn ma, những kẻ sống dở chết dở, những dòng sông, giọt sương, tiếng chuông... Nhưng có lẽ nhân vật nữ - Hoàn - chính là người đi vắng ly kỳ nhất. Tiểu thuyết dành phần mở đầu mô tả mối tình tay ba của Hoàn với Thắng và Cương, người chồng và người tình. Hoàn lao xe xuống vực, cơ thể hủy hoại còn hồn phiêu diêu. Từ đó, xen kẽ những giấc mơ của Hoàn là kỷ niệm, âm hưởng, dư vị, dấu ấn mà tấm thân nhục dục trước đây của cô để lại trong hai người đàn ông. Trong Người đi vắng, tình yêu - tình dục - tâm linh gắn với nhau như hình với bóng. Chúng hiện lên lung linh, lẫn lộn vật chất tinh thần, chồng chéo giằng co nhau qua những sợi dây thần bí. Có thể nói Người đi vắng là truyện tình bất thường của những người tình bất kham và bất an.
Không chỉ trong tiểu thuyết này, hầu hết các nhân vật của Nguyễn Bình Phương đều là những kẻ bất an - những người đi vắng. Tiểu thuyết của anh luôn là một hợp âm với vô vàn đối thoại, độc thoại, mà người đọc không phân biệt được ai là kẻ phát ngôn.
Đại diện tiêu biểu của văn chương đương đại
Nhân vật của tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn là những hình bóng mơ hồ - lang thang trong thế giới lẫn lộn thực ảo. Chẳng ai biết cô "em" sắp 26 tuổi ấy tên là gì, làm việc ở cơ quan nào, công việc gì cũng chẳng rõ... Mối quan hệ giữa "em" với Tuấn và Vũ cũng mờ nhạt hơn mối quan hệ của "vous" với Henriette và Cécile... Chính sắc thái mù mờ có dụng ý kỹ thuật ấy - không loại trừ do "trí nhớ suy tàn" - tạo nên sức cuốn hút đông đảo bạn đọc nhập thân vào với "em". Như đánh giá của giáo sư Phùng Văn Tửu, đây thực sự là một câu chuyện tình cảm Việt Nam đặc sắc.
Ngồi cũng là cuốn tiểu thuyết có bút pháp độc đáo, mới mẻ không được viết theo lối tiểu thuyết truyền thống. Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương pha trộn giữa hiện thực với tưởng tượng. Nhân vật chính của cuốn sách đồng thời sống trong hai thế giới, một thế giới có thể tạm coi là hiện tại của anh ta (đi đến văn phòng một công sở, sống với những người đồng nghiệp và những người bạn, cuộc sống nửa vợ chồng, nửa tạm bợ của anh ta với cô gái Minh…) và một thế giới của một cái gì đó, nửa như giấc mơ, nửa như quá khứ. Điều kỳ lạ là trong đời sống của nhân vật giữa hai thế giới đó luôn có sự giao tiếp. Đây là một trong số tác phẩm thành công nhất của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Cuốn sách đã từng gây xôn xao dư luận, thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc và giới sáng tác, phê bình.
Những cuốn sách văn học hay
Ở trong Thoạt kỳ thủy - câu chuyện diễn ra ở một vùng nông thôn Việt Nam, hay cũng là cái gốc làng xã của một đất nước nông nghiệp. Những gia đình trong tiểu thuyết sống bằng nghề đập đá, mổ lợn, trồng rau, cũng có người ôm mộng văn chương và cũng có người nát rượu. Nhân vật chính - một thanh niên có tên là Tính, mắc chứng tâm thần nặng. Cái làng của Tính có quá nhiều người điên, và những người bình thường nhất cũng luôn có những khoảnh khắc chớp nhoáng nói năng, cư xử với nhau bất thường. Tính bị ám ảnh bởi nghề chọc tiết lợn của ông Khoa, từ đó luôn có nhu cầu được gắn bó với con dao và thường mơ những giấc mơ hãi hùng.
Những người đàn ông trong Thoạt kỳ thủy luôn hành động bằng bản năng nhiều hơn lý trí. Còn những người đàn bà, họ lầm lũi trong đời sống và không được thỏa mãn dục tính. Họ u uất và tích tụ nhiều giông bão. Cuộc đời họ quẩn quanh với con mương, bờ tre, chấp nhận trao thân gửi phận cho những người đàn ông hoặc là mất nhân tính hoặc là thích rượu hơn thích đàn bà.
Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan nhận xét: “Nguyễn Bình Phương đã biến tình dục thành mục tiêu nghiên cứu và phương tiện chính của thi pháp. Tình dục trong Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy và trong các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương luôn tồn tại như một chất liệu, hơn nữa, một chủ đề văn học độc lập, mà không ẩn dụ hay hàm ý. Và đây là thành công lớn nhất của Nguyễn Bình Phương trong cuộc tìm kiếm quyết liệt này”.
Với văn phong đậm chất Việt nhưng không thiếu những phẩm chất chung của các tác phẩm văn chương thế giới, kết hợp tài tình giữa cái huyền ảo hoang đường và hiện thực trần trụi, các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thực sự là những tác phẩm xuất sắc trong dòng tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - nguyên quán Hà Nội, sinh tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Anh tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa IV, từng đóng quân và làm báo tại biên giới phía Bắc, từng làm biên kịch tại Đoàn Kịch nói Quân đội, làm biên tập tại NXB Quân đội Nhân dân, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Các tiểu thuyết của anh đã xuất bản: Vào cõi (NXB Thanh niên 1991), Những đứa trẻ chết già (NXB Văn học 1994), Người đi vắng (NXB Văn học 1999), Trí nhớ suy tàn (NXB Thanh niên 2000), Thoạt kỳ thủy (NXB Hội Nhà văn 2004)…
Bình luận (0)