“Cũng ba năm rồi tôi mới in lại tản văn, kể từ Yêu người ngóng núi. Tản văn Đong tấm lòng dày 150 trang, có chục cái minh họa “made in tự tui” theo phong cách n&n (tùy bạn đọc mà nó có thể là ngộ nghĩnh, ngây ngô, ngờ nghệch, ngô nghê, ngớ ngẩn). Sau cái hồi vẽ thủ công trong trường tiểu học, xon xen với vẽ trứng gà cùng với bạn An mẫu giáo, giờ tui mới làm nên một thứ tạm gọi là hình…” - nhà văn “đặc sản” của làng văn Nam Bộ tự sự.
Lần này, Nguyễn Ngọc Tư tự minh họa cho cuốn sách của mình. Lâu nay, chị cho biết chỉ làm nội trợ và ở nhà sáng tác nên ngoài viết văn, chị có thêm cảm xúc với hình khối và đường nét. Không dám chắc làm như vậy sẽ tốt hơn là để cho các họa sĩ chuyên nghiệp thực hiện, cũng không biết độc giả sẽ đánh giá thế nào về những minh họa trong sách nhưng nhà văn của sự ẩn mình trong trang viết thấy hài lòng khi những nỗ lực bung phá bằng các phương tiện khác nhau đã đến được với độc giả.
“Ra sách ăn Tết” cũng là một cách nói mà Nguyễn Ngọc Tư dùng để “khoe” với bạn đọc về cuốn tản văn Đong tấm lòng (NXB Trẻ vừa ấn hành). Cuốn sách là những tự sự đẫm chất nhân văn, là cách nói trực diện vào những vấn đề xã hội mà truyện ngắn không làm được. Nhức nhối trang viết không chỉ về miền Tây với những mảnh đời “như cái sào cắm hụt chỗ nước sâu” nữa mà về những xóm nghèo Tây Nguyên bị di dời do các dự án không hợp lý, cái nghèo, cái cô quạnh của những người già Khmer và cả nỗi sợ khi “thần thánh cũng có thể mua được” của đa phần người trẻ, người trưởng thành.
“Con mương ranh mà người hai nhà từng cùng tắm táp sau buổi làm đồng về, giờ họ cùng tắm hằn thù hung hiểm” (trích Mương rộng hào sâu). Những đổi thay, mất mát và đảo lộn giá trị khiến “xung quanh người ta nhìn nhau, đo tấm lòng nhau bằng mệnh giá của những tờ giấy lạnh…” (trích Đong tấm lòng). Cuộc sống hiện đại với đầy rẫy “những người chết bâng quơ” khiến con người ta có thể tự cho phép mình thay vì ngăn cản cô gái nhảy cầu tự tử thì chỉ dừng lại chụp hình để post lên các trang mạng “câu like” (Giữa người với người) khiến tác giả nhiều lần thở nhẹ: “Chỉ lạ đôi khi em nghe thèm một tiếng người!” (trích Hang động).
Bình luận (0)