Một trong những cuốn sách được dư luận quan tâm, chú ý trong thời gian gần đây là cuốn tự truyện Tôi mù? của cô gái khiếm thị Nguyễn Thanh Tú (NXB Hội Nhà văn và Công ty Đông A ấn hành). Bằng những câu chữ giản dị, chân thực, Nguyễn Thanh Tú đã kể lại một câu chuyện kỳ lạ ngoài sức tưởng tượng của con người: Những người mù tìm lại được ánh sáng bằng phương pháp dưỡng sinh phục hồi chức năng. Nguyễn Thanh Tú dành rất nhiều câu chữ, tình cảm để nói về “thầy” - người đã tìm ra phương pháp tập luyện mang lại ánh sáng cho người mù và âm thầm sát cánh, giúp đỡ họ từ hàng chục năm qua. Nhân vật “thầy” ấy chính là nhà văn Nguyên Bình.
Nhà văn, nhà báo... “bị đì”
Nhà văn Nguyên Bình năm nay 66 tuổi nhưng trông ông cứ như một cụ già đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” từ khá lâu rồi. Có lẽ, việc “lão hóa” của ông có một phần nguyên nhân từ cuộc đời quá nhiều trắc trở, truân chuyên...
Cuối những năm 1960, chàng trai Hà Nội Hoàng Đức Phú – tên thật của nhà văn Nguyên Bình – là một phóng viên tài năng, xông xáo của Báo Hải Phòng. Nhưng, chính cái tài ấy, cùng với tính khí thẳng thắn, bộc trực, chàng phóng viên trẻ này đã khiến một số người cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, cái “tội” lớn nhất của Nguyên Bình là “dám” thân thiết với nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Năm 1968, khi cây bút tên tuổi này bị quy kết là “có vấn đề”, ông cũng bị soi xét. Đang là phóng viên, ông bị chuyển sang phòng tiếp bạn đọc. Suốt 13 năm trời, dù vẫn được bình bầu là lao động tiên tiến, mức lương của ông vẫn chỉ phóng viên bậc 4...
Năm 1978, cơ quan của Nguyên Bình xì xầm nhỏ to vì cuốn tiểu thuyết Những ngày đã qua, cho rằng đây là tập sách “chống phá”. Chỉ đến khi cuốn sách được Đài Tiếng nói Việt Nam phát trong chương trình Đọc truyện đêm khuya suốt một tháng trời, rồi giành giải A của Hội Nhà văn năm 1981, người ta mới hết cớ để hạch sách ông. Mệt mỏi, ông nộp đơn xin nghỉ mất sức.
Đã nghèo cứ gặp eo
Trở về Hà Nội với hai bàn tay trắng, vợ chồng ông được một người bạn cho ở nhờ trong căn nhà cấp 4 khu tập thể Trường Nguyễn Ái Quốc II. Một thời gian thì ông có “sao chiếu mệnh”: được nhận một chiếc xe ba-bet-ta - giải thưởng của tác phẩm Những ngày đã qua. Ngay lập tức, ông vác chiếc xe - một tài sản rất “oách” ngày đó – đi bán, được 17.000 đồng, vay mượn thêm 3.000 đồng, ông chuộc lại căn nhà 14 m2 của mẹ mình ở 28 Sơn Tây, lấy chỗ chui ra chui vào.
GS-BS Vi Huyền Trác (ĐH Y Hà Nội) Những sự việc mới mẻ, chưa hề xảy ra, có hai cách đánh giá: hoặc là phủ nhận không thương tiếc, hoặc nghiêm túc xem xét theo dõi. Nhân loại đã không ít lần trả giá bởi tư duy cứng nhắc của mình. Từ chối lập tức sự kiện, phát minh mới không hợp với lối nghĩ thông thường của số đông. Ta thử hình dung xem: một phương pháp đơn giản, độc đáo, giàu tính nhân đạo được phổ cập cho tất cả mọi người mù, kể cả người tàn phế, mang bệnh khó chữa, sẽ có bao nỗi bất hạnh được gỡ bỏ.
(Bìa 4 - Tôi mù?) |
An cư rồi, nhưng ông vẫn chưa thể lạc nghiệp. Trường viết văn Nguyễn Du và Cục Điện ảnh sẵn sàng ký đơn tiếp nhận Nguyên Bình, nhưng vẫn không thể vượt qua được những áp lực từ Hải Phòng. Ông trở thành chủ hàng chè chén ngay nhà mình. Chẳng mấy chốc, hàng nước tí teo ấy phải đóng cửa, vì khách hàng nợ quá nhiều. May cho ông, lúc này đã kịp học nghề làm va-li của một trong những vị khách quen của quán. Mỗi ngày, ông phải nấu khoảng chục cân bột sắn để làm hồ dán va-li. Nhà chật, ông phải đưa nồi bột ra trước vỉa hè mà khuấy. Từ Hải Phòng lên chơi, chứng kiến cảnh ấy, nhà văn Bùi Ngọc Tấn kêu lên: “Sao cánh văn chương bọn mình lại khổ nhục như thế này?”. Ông cười, đáp lời bạn: “Mày cứ chờ xem, mấy năm nữa tao mở xưởng, rồi xuất khẩu va-li ra nước ngoài, tha hồ giàu”.
Thế nhưng cuộc sống của ông ngày một thiếu thốn hơn. Năm 1988, vợ ông đành nghỉ việc đi xuất khẩu lao động ở Đức. Hai năm sau về nước, nhờ vào khoản đền bù thất nghiệp của nước sở tại, vợ chồng ông mua được một mảnh đất khá rộng rãi ở cuối phố Tô Vĩnh Diện. “Phần thì để ở, phần làm lều văn để bạn bè văn chương tụ tập, phần thì xây nhà cho Tây thuê”- ông đã tính đâu vào đấy. Nhưng sự đời có mấy khi theo ý người? Vợ ông ốm nặng, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, bao nhiêu việc phải chi tiêu, rồi ông lại “dính” vào những người mù, của nả trong nhà cứ thế mà đội nón ra đi. Đất đai của vợ chồng ông lần lượt sang tên cho người khác, đến nay thì chỉ còn một mảnh con con để 4 con người trú ngụ...
Mang lại ánh sáng cho người mù
Dù được các bạn văn quý trọng, yêu mến nhưng Nguyên Bình lại không phải là một cái tên quen thuộc với độc giả vì số lượng tác phẩm mà ông đã xuất bản không nhiều. Phải chăng điều này có phần nguyên nhân từ cuộc đời không mấy suôn sẻ của ông? Nhưng có lẽ, lý do quan trọng hơn cả, đó chính là việc ông tìm được một đường đi khác mà theo ông, nó còn ý nghĩa hơn cả chuyện văn chương...
Năm 1994, vợ ông bị bệnh thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn tiền đình rất nặng. Nghe lời bạn mách bảo, ông tìm học môn Tĩnh công ý thức để về dạy lại cho vợ, hy vọng sẽ khỏi bệnh. Tập được mấy buổi, khi vẫn nhắm mắt ngồi trong căn phòng tối om, đột ngột ông thấy căn phòng sáng lên, mọi vật hiện ra rõ ràng. Thử đi thử lại nhiều lần, ông hiểu rằng mình đã nhìn được không phải bằng mắt. Trong ông chợt lóe lên ý nghĩ: mình nhắm mắt nhưng nhìn thấy được, chắc người mù cũng có thể nhìn thấy được. Ông liền tìm đến Hội Người mù, đề nghị một số người cùng luyện tập. Sau nhiều lần mày mò, thử nghiệm, ông đã tìm ra phương pháp Dưỡng sinh phục hồi chức năng, giúp người mù có thể nhìn được thế giới quanh mình...
Phần lớn, những người mù tập luyện theo phương pháp này nhìn thấy được mọi vật quanh mình. Cách tập luyện như thế nào để có được điều đó - những việc này đã được kể khá tỉ mỉ, chi tiết trong cuốn tự truyện Tôi mù? của Nguyễn Thanh Tú. Lý giải hiện tượng này như thế nào, đó là việc mà các nhà khoa học cần phải làm. Điều đáng nói ở đây là cái tâm không vụ lợi của nhà văn Nguyên Bình. Không chỉ tìm ra phương pháp tập luyện mang lại ánh sáng cho người mù, ông còn bỏ tiền túi tổ chức những chuyến đi tập ở Côn Sơn cho hàng chục người khiếm thị. Hiện nay, khoản thu nhập đều đặn hằng tháng của gia đình nhà văn Nguyên Bình là 460.000 đồng tiền trợ cấp mất sức. Đất đai, tiền bạc đã dần dần ra đi, và ông đã tính đến chuyện bán ngôi nhà mình đang ở, mua một căn nhà nhỏ tại một làng quê nào đó, lấy tiền làm những việc khác...
“Một trong những lý do khiến tôi viết Tôi mù? là để cảm ơn thầy tôi” - chị Nguyễn Thanh Tú nói. Có một điều ít người biết: hành trình tìm ánh sáng của những người mù mà Nguyễn Thanh Tú thuật lại trong tự truyện của mình từng được kể khá tỉ mỉ, chi tiết trong Người mù và tôi - cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Bình, được NXB Thanh niên ấn hành vào tháng 8-2005.
Bình luận (0)