xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhạc sĩ - nhà báo Phan Bá Chức: Văn Cao đã cho tôi một tấm lòng

Cát Vũ thực hiện

Trong những đêm diễn ra chương trình nhạc Văn Cao nhân kỷ niệm 8 năm ngày mất của ông (10- 7-1995 - 10- 7-2003) tại phòng trà Long Phụng (số 234 Lý Tự Trọng, Q.1), có một người ăn mặc tuềnh toàng, đầu tóc ít buồn chải, luôn ngồi ở một góc khuất, vừa chăm chú, vừa hồi hộp dõi theo từng câu hát của dàn hợp ca. Thỉnh thoảng, anh nhích cánh tay lên như một phản xạ để ngắt nhịp, có lúc lại gật gù ra chiều hài lòng. Khán giả không mấy ai biết đó là nhạc sĩ - nhà báo Phan Bá Chức, người hòa âm và dàn dựng chương trình nhạc Văn Cao cho ban nhạc ATB - Ánh Tuyết, một chương trình đã từng được dư luận khen ngợi với tên gọiTừ Suối mơ đến Thiên thai.

. Phóng viên: Không ít khán giả của những đêm Từ Suối mơ đến Thiên thai đã cho rằng, Suối mơ, Thiên thai, Cung đàn xưa, Bắc Sơn, Ngày mùa... và nhất là Mùa xuân đầu tiên, những ca khúc đã rất quen thuộc của Văn Cao, bỗng dường như mới hơn với phần hòa âm của Phan Bá Chức. Anh nghĩ sao về nhận xét này và điều gì đã giúp anh đạt được sự thăng hoa đó?

- Nhạc sĩ - nhà báo Phan Bá Chức: Dĩ nhiên là tôi rất hạnh phúc và cảm ơn về những lời động viên đó. Nó sẽ giúp tôi giữ được ngọn lửa âm nhạc trong tâm hồn trước bao bộn bề lo toan cuộc sống đời thường của một người viết báo chuyên nghiệp. Tôi thuộc lòng nhạc Văn Cao từ bé. Ở vào tuổi 14, 15 thuở ấy, tôi đã phát hiện ra được Văn Cao nói về Trương Chi tức là tự nói về mình, nói về Mỵ Nương như nói về lý tưởng và ông vẽ nên bức tranh khi thì mênh mang khi thì hào khí ngất trời vào Trường ca Sông Lô. Hồi ấy, tôi cũng đã mường tượng nhận ra hình thức ca khúc dường như là một cái áo quá chật so với tài năng âm nhạc của Văn Cao. Vì vậy, khi viết hòa âm cho những bài hát của ông, tôi như nghe tiếng gió thổi khi nhè nhẹ, khi như trận cuồng phong, tiếng nước róc rách, tiếng nước vỗ vào mạn thuyền trong Thiên thai; Tiếng mái chèo, tiếng thở dài trong Trương Chi, cũng như cảm nhận một niềm vui lấp lánh, không hề ồn ào của ông trong Mùa xuân đầu tiên. Tôi hiểu rằng nếu việc phối bè của mình không nâng được ca khúc của ông lên, không làm nền bệ phóng cho giai điệu ông là mình có tội. Vậy nên, tôi đã phải mất bảy đêm để viết hòa âm cho Thiên thai, ba đêm cho Suối mơ,... Tôi vừa phối vừa hình dung Ánh Tuyết hát, toàn ban ATB hợp xướng.

. Yêu thích và cảm nhận âm nhạc Văn Cao một cách sâu sắc như vậy, anh đã có lần nào được tiếp xúc, trò chuyện với ông?

- Tôi thuộc nhạc của nhiều người và cũng đã từng hòa âm cho nhiều tác giả như Phạm Đình Chương (Hội Trùng Dương, Sáng rừng - có dựa vào hòa âm của Phạm Đình Chương), Đỗ Nhuận (Đoàn lữ nhạc), Văn Phụng (Ô! Mêly!)... song với Văn Cao, những giai điệu đẹp, thanh khiết của ông đã giúp tôi hướng đến những điều trong sáng trong cuộc sống. Cho đến giờ này, tôi không hề băn khoăn gì về việc thuở xưa đã rất yêu loại âm nhạc đó. Sau này, khi hiểu thêm nhân cách của ông, lòng yêu quý của tôi dành cho ông càng được nhân lên. Tôi “gặp” Văn Cao lần đầu vào năm 1990 khi ông vào TPHCM. Tôi không dám lại gần mà chỉ ngồi xa xa ngắm ông.

. Duyên cớ nào ca sĩ Ánh Tuyết lại mời anh cộng tác trong cả sáng tác lẫn việc dàn dựng cho ban ATB trong nhiều chương trình?

- Năm ấy, một đêm nhạc Văn Cao được tổ chức tại TPHCM, có lẽ là lần đầu tiên nên khán giả đội mưa đến xem rất đông. Song đêm nhạc đó đã diễn ra rất tệ. Nhiều ca sĩ vừa cầm giấy vừa hát. Thậm chí có người còn vừa cười vừa hát. Ban nhạc đệm lại là một ban nhạc quen chơi pop rock, không mò ra được “tông” để đệm cho bài Sông Lô. Tôi quá thất vọng, về viết bài báo: Khán giả không chờ đợi một đêm nhạc Văn Cao như thế!, trong đó, có nhắc “... may mà còn có Ánh Tuyết” và đề cập đến cô như là một điểm sáng bởi đêm ấy Ánh Tuyết đã làm tôi bất ngờ, cô hát rất hay bài Thiên thai và Buồn tàn thu. Hôm sau, cô tới tòa soạn cám ơn tôi. Qua trò chuyện, cô hỏi tôi sao rành nhạc Văn Cao dữ vậy, “Còn nhạc người khác anh biết không?”. Tôi từ nhỏ đã được bạn bè gọi đùa là “tự điển âm nhạc” nên cô hỏi đến bài nào tôi cũng thuộc. Cuối cùng, cô đố tôi một bài ít ai biết. Cô hát lõm bõm, chỗ nào cô quên, tôi lại hát điền vào. Cô hỏi, anh biết à? Tôi nói biết chứ, vì đó là bài của tôi! Anh là người viết nhạc à? Tôi hát một bài. Ánh Tuyết bảo: Cho em xin! Cứ hát bài nào ra là “cho em xin”. Xin đủ 10 bài làm một CD. Đúng là cuộc gặp gỡ hết sức tình cờ. Tôi không hề nghĩ mình làm CD nhưng Ánh Tuyết đã bỏ tiền thực hiện CD Hát cho yêu thương với 10 ca khúc tôi viết từ những năm 70, 80 của thế kỷ 20 và trả nhuận bút cho tôi bằng băng và đĩa. Đến khi Ánh Tuyết lập ban ATB, nghe ai đó trong số bạn bè, người thân của tôi “xúi” cô đến gặp tôi. Lúc ấy, tôi cũng không tự tin lắm, không dám chắc mình có làm được không bởi tôi đã rời xa công việc hợp xướng từ sau 1975 kể cũng đã hơn 20 năm. Nhưng được lời mời, tôi cảm thấy rất mừng và xem đó như là sự trở lại với một cuộc chơi.

. Sự trở lại ở đây được hiểu như thế nào? Anh đã từng hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp?

- Nếu hiểu chuyên nghiệp như là một công việc để sinh sống thì không, nhưng tôi cũng đã từng kiếm được tiền qua hoạt động âm nhạc. Hồi còn bé, sử, địa tôi học hoài không nhớ nhưng âm nhạc chỉ nghe qua vài lần là tôi thuộc nằm lòng, kể cả phần hòa âm. Năm học lớp 1, tôi đoạt giải đơn ca của tỉnh Phú Yên; lên bảy tuổi, lấy dây thắng xe đạp và lon sữa bò làm cây đàn tự chế. Và năm lên 15, làm trưởng một ban nhạc trẻ chơi ở các quán bar, club..., ca trưởng ban dân ca Về nguồn (Trường THPT Nguyễn Huệ, Phú Yên) những năm học cấp 3. Thời sinh viên, làm ca trưởng Ca đoàn Tiếng nói Viện Đại học Đà Lạt, và phát hành tập ca khúc Bầy chim xưa đã trở về. Hồi ấy, với tư cách là ca trưởng, tôi đã viết và dàn dựng hợp xướng cho các ban mà tôi phụ trách.

. Nhắc tới nhạc sĩ Phan Bá Chức, người ta hay liên tưởng đến một bài dân ca bài chòi Than thân trách phận với những câu rất đặc trưng của miền Nam Trung Bộ, được nhiều người ưa thích và cho rằng anh là tác giả?

- Tôi có người bạn cùng ở trong ban ca Về nguồn tên là Nguyễn Hữu Ninh. Năm đó, chúng tôi rủ nhau đi thăm thú nhiều nơi, cùng thấy cảnh các cô gái quê đi làm sở Mỹ về nhà bỏ chồng, anh bèn đặt lời dựa theo giai điệu dân ca bài chòi: “Thân này trách thân này, thân sao cái lận đận này. Mình này trách mình này, số phận chớ sao hẩm hiu. Chớ bởi thân tui, tui cực khổ tui eo nghèo nên vợ tui nó không ở nữa mà nó theo cái nẫu rồi...”. Sau đó, anh em chia tay, tôi hát lại theo cách riêng của mình, có sửa đổi một số đoạn mà anh không hề hay biết. Vì không có dịp gặp lại nên khi in bài hát này tôi xin phép được làm đồng tác giả. Thật ra, ca khúc Than thân trách phận đến nay, qua nhiều người hát, đã bị “tam sao thất bổn”. Nhưng không sao, lúc viết bài hát này, cả anh Nguyễn Hữu Ninh và tôi đều nghĩ “hát chơi thôi mà”. Giai điệu buồn mà lời lẽ lại khá có duyên nên nó thường giúp tôi có thêm bạn bè trong những cuộc vui. Đó cũng là mục đích làm âm nhạc của tôi: đem lại sự thăng hoa cho cuộc sống của mình và của mọi người.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo