Tình yêu trong nhạc trẻ bây giờ không còn mang sắc thái bay bổng, lãng mạn như ngày trước, mà trái lại rất “thực tế”, “đời thường” với những ca từ hết sức “bình dân học vụ” mà thoạt nghe qua khán giả không hiểu đây có phải là bài hát hay là những câu văn nói thô thiển có kèm thêm nhạc điệu!
Hát đối... “thọi”
Hãy nghe một cô gái nói về tình yêu của mình: “Ghét nhau lúc đầu ai ngờ đâu rằng ta sẽ nhớ mai sau, em cứ lơ mơ, cứ ngu ngơ tình bất ngờ” (Nụ hôn bất ngờ). Thật tình người nghe cũng cảm thấy lơ mơ, ngu ngơ trước ngôn từ quá “tự nhiên chủ nghĩa” này! Nhưng dù sao cũng đỡ “ngu ngơ” hơn trước ca từ dùng cả “tiếng lóng”: “Em yêu anh bằng cả những gì em có và cả những cái em chưa có như tương lai của chúng mình. Những chíp hôi mang họ của anh sau này” (12 câu nói ấm áp nhất). Tình yêu nam nữ trong các ca khúc thị trường còn “hiện đại” với những lời lẽ cực kỳ “thẳng thắn”: “Em vẫn cứ thích được bên anh và nghe tiếng Anh yêu. Cứ thấy anh hay hay dáng dấp khiến em mê say. Sao may thấy anh đẹp ghê” (Anh chàng đẹp trai) hay “Này thì em yêu anh, vì rằng em yêu anh” (Em thích anh). Nghe cứ như cô gái đang “mắng” vào mặt chàng trai. Nếu có một cuộc bình chọn Guinness về ca từ thì bài này chắc chắn sẽ được chọn là bài hát có ca từ “nữ quyền” nhất!
Không chỉ ngớ ngẩn, vụng về, nhiều ca khúc còn có xu hướng chuyển thành những bài “đấu khẩu” bằng âm nhạc mà người trong giới gọi đùa là kiểu hát đối... “thọi”. Gọi đối “thọi” vì lời ca của họ cất lên hệt như hai người đang... “cãi nhau”, chỉ khác có kèm thêm giai điệu! “Anh nói anh yêu em rồi anh chán anh chia tay, tình yêu với anh mong manh vậy sao...Thật không muốn đâu em ơi... Khi anh không yêu trọn vẹn với ai kia anh đã chọn lựa rồi” (Anh không muốn bất công với em) hay “Nếu em chẳng tin anh, thôi anh chẳng cần, muốn yêu thì hãy nhớ phải tin vào đối phương” (Nếu ta còn yêu nhau). Và một khi “tình đã bay xa” thì chàng trai tự an ủi mình bằng những lời lẽ tự tin “thái quá”: “Mất đi người yêu anh thì sao? Mất đi người yêu thì với anh cũng thế thôi. Người yêu anh trên thế gian còn rất nhiều, người yêu anh đâu chỉ có riêng mình em” (Không yêu xin đừng nói lời cay đắng), rồi tự mình đi tìm giải pháp: “Đành tìm vui nơi khác lấp cho vơi nỗi buồn, được một ngày không được bao lâu” (Vì một người ra đi). Quả thật cách suy nghĩ về tình yêu lạnh lùng và thực dụng của tác giả khiến người ta không khỏi giật mình lo ngại.
Bàn tay biên tập ở đâu?
Hát như văn nói, ca từ tào lao, đó là chưa kể tình trạng lời ca “nửa tây, nửa ta”. “Đêm nay em rất xinh, nơi đây em rất xinh, cho ta quay quay nhanh theo tiếng nhạc DJ” (Vũ điệu Boom Boom), “Oh first kiss, chẳng muốn ta rời bước đi, chỉ muốn tan vào với nhau” (Nụ hôn bất ngờ). Nghe xong bài mới biết tiếng Anh first kiss nghĩa là nụ hôn bất ngờ! Cùng với xu hướng ca từ “bình dân học vụ”, “tự nhiên chủ nghĩa”, tựa bài hát cũng được đặt “sát” thực tế hơn, không chắt lọc như các ca khúc xưa nữa. Những tên bài dài ngoằng kiểu “Anh chỉ biết câm nín nghe tiếng em khóc, Đàn ông không được quên (Hết tình còn nghĩa), Anh không muốn bất công với em, Làm sao tốt cho cả hai...” xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành “mốt”.
Thiết nghĩ, những ca khúc nhạc trẻ trên thực sự không thể gọi là âm nhạc bởi mục tiêu của âm nhạc là giúp con người thăng hoa tâm hồn, đưa con người đến sự hướng thiện. Trong khi đó, những ca khúc này chỉ dẫn người nghe đến những suy nghĩ bi quan, những quan niệm tiêu cực, thực dụng về cuộc sống, về tình yêu. Không hiểu vai trò kiểm duyệt, biên tập của các cơ quan chức năng ở đâu mà lại để cho những bài hát có ca từ nhảm nhí kiểu này được phép lưu hành, phổ biến rộng rãi trong album của các ca sĩ trẻ, phát ra rả trong các chương trình ca nhạc trên các đài truyền hình.
Nhạc sĩ Lê Văn Lộc - cán bộ thẩm định ca khúc mới Phòng Quản lý Nghệ thuật Sở VHTT TPHCM: Không biết căn cứ vào đâu để cấm! Nếu một album nhạc hay một ca khúc có nội dung không vi phạm những điều đã được quy định trong Quyết định 55 của Bộ VHTT thì chúng tôi buộc phải cấp phép lưu hành dẫu biết có nhiều bài hát ca từ thô thiển, tào lao, không đạt chất lượng về mặt văn học. Cái khó hiện nay là ở ta chưa có văn bản pháp quy nào quy định cụ thể về vấn đề này nên muốn cấm cũng không biết căn cứ vào đâu để cấm. Chúng tôi chỉ biết góp ý và yêu cầu tác giả sửa lại phần ca từ cho phù hợp. Có người đồng ý sửa nhưng cũng có người “mánh” hơn chạy sang Sở VHTT các tỉnh khác xin cấp phép, vậy là có thể lưu hành vì giấy phép có giá trị trên toàn quốc. |
Bình luận (0)