Ngày 21-3, tưởng nhớ nhà văn Lê Văn Thảo, Hội Nhà văn TP HCM tổ chức một buổi tọa đàm, đồng thời ra mắt 2 cuốn sách viết về ông.
Dựng hình tượng con người Nam Bộ
Từ lâu, trong lòng bạn đọc, nhà văn Lê Văn Thảo thường được nhớ đến và được gọi thân mật là “Ông cá hô”, theo tên một truyện ngắn nổi tiếng của ông. Lê Văn Thảo được mệnh danh là nhà văn dựng nên hình tượng con người Nam Bộ. “Ông cá hô” cất lên một tuyên ngôn về sự dâng hiến cho tình yêu, vẻ đẹp kỳ thú, cầu mong được dâng hiến, hy sinh thì sẽ có tình yêu bất tử.
Hình tượng con người được Nam Bộ hóa một cách tài tình trong văn Lê Văn Thảo, thể hiện tâm thế của những con người miệt vườn hồn nhiên, phóng khoáng, có sức gợi mạnh mẽ. Về văn chương, Lê Văn Thảo vừa là “anh Hai Sài Gòn” vừa là “anh Ba miệt vườn”. Người đọc dễ dàng nhận thấy các vấn đề nhà văn đặt ra và cắt nghĩa ngay từ nhan đề của mỗi cuốn sách “Con đường xuyên rừng”, “Một ngày và một đời”, “Cơn giông”…
Bằng - nhân vật chính của “Cơn giông” - tìm về cội nguồn giữa vùng sông nước Cà Mau để bắt đầu một cuộc sống như cha mẹ anh, như thuở anh mới chào đời và cũng đầy tính khám phá như một chàng Robinson hiện đại, khinh miệt cuộc sống bon chen, chụp giật nơi thị thành, muốn về sống nơi “cỏ sạch, nước trong”.
“Những năm tháng nhọc nhằn” ra mắt bạn đọc cùng “Mảnh sót lại của chiến tranh” - một thiên truyện vừa về thời hậu chiến. Cuốn sách viết về tuổi 20 nhọc nhằn trong đời thực, nhọc nhằn trong cả những giấc mơ, tuổi 20 băn khoăn kiếm tìm hướng đi trước “vực thẳm và hy vọng”.
Những thân phận nhân vật của nhà văn Lê Văn Thảo hiện lên trên một bối cảnh Sài Gòn hào nhoáng hộp đêm, vũ trường, nhà cao tầng với những cạm bẫy dồn nén, xô đẩy, bung vỡ và một Sài Gòn với những con hẻm lầy lội, những khu ổ chuột ngột ngạt, những gò mả rợn người và những số phận lay lắt, cùng cực.
Con người hiện lên trong văn chương Lê Văn Thảo đau đáu với từng số phận. Bạn bè văn chương thường nói Lê Văn Thảo đã bày ra cả một gallery các nhân vật, trong đó mỗi người có quá khứ riêng, trăn trở riêng nhưng phần lớn đều giống nhau ở “trái tim không ngủ yên”. Qua tác phẩm, độc giả cảm nhận được tấm lòng trắc ẩn của nhà văn, nỗi ám ảnh về những vấn đề lớn lao của đất nước hay cả những va đập của cuộc sống chẳng trừ một ai.
Cái lạ, cái nhạt và cái thật
Nhà văn Lê Văn Thảo từng giữ chức Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và lãnh đạo Hội Nhà văn TP HCM nhiều năm (2000-2010). Khi là một “quan văn nghệ”, Lê Văn Thảo làm được những việc khiến người khác phải “sờ gáy” xem lại chính mình, còn giới trẻ thì tâm phục khẩu phục. Ông chỉ dùng hết nửa số tiền ngân sách cấp thường niên cho Hội Nhà văn TP HCM, nửa còn lại ông để dành cho ban lãnh đạo nhiệm kỳ sau, vì ông đã có ý xin nghỉ hưu vào cuối năm.
Đối với các cây bút trẻ, Lê Văn Thảo là người rất độ lượng, mở lòng, chia sẻ, hợp tác chân tình. Ông đã từng nói một cách thẳng thắn: “Tôi không đồng ý nhiều người nói văn chương hiện nay tẻ nhạt. Tôi thích văn của một số bạn. Văn chương của họ có nhiều nét mới. Thế hệ chúng tôi nhìn đời đau đáu, thế hệ bây giờ nhìn đời nhẹ nhàng, phóng khoáng hơn”. Ông cũng từng dứt khoát đưa ra quan điểm: “Nhà văn là người viết có tác phẩm hay, có tâm huyết và có tài, không cứ phải vào hội mới là nhà văn”.
Không ồn ào hay gây sốc trên văn đàn, Lê Văn Thảo làm đúng chức trách của một nhà văn chuyên nghiệp. Một sức viết thoát khỏi những bộn bề của đời sống và những giá trị ảo thời thượng, như ông từng tự sự: “Viết thật giản dị. Khi viết, tôi rất ít chịu áp lực của thời thượng”.
“Truyện ngắn Lê Văn Thảo là cái lạ, cái nhạt và cái thật” - GS Huỳnh Như Phương nhận định. “Lên núi thả mây” vừa nhắc ta ý thức về cõi đời này vừa kéo ta ra xa khỏi thế giới mà ta đang gánh chịu số kiếp của chính mình”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận định: “Ông cá hô viết văn, không bao giờ làm văn”.
Đọc “Ông cá hô”, nhiều người cho rằng Lê Văn Thảo viết không dụng công, thậm chí có phần dễ dãi. Nhưng càng đọc càng thấy sức gợi của những câu văn mộc mạc, cuốn hút, đối thoại ngắn gọn, cục mịch nhưng tạo dồn nén cảm xúc như có ma lực quyến rũ người đọc không thể bỏ sách xuống.
Rất đông các nhà văn tới từ nhiều tỉnh, thành phía Nam có mặt tại hội thảo đã xúc động chia sẻ những kỷ niệm về nhà văn Lê Văn Thảo. Nhà nghiên cứu - PGS Võ Văn Nhơn kể: “Cách đây 10 năm, tôi và nhà văn Lê Văn Thảo tham dự lễ tang nữ sĩ Mộng Tuyết ở Hà Tiên. Khi đến đó, ông dậy rất sớm và đi chợ bởi ông quan niệm phải đến chợ mới quan sát, ghi nhận được con người của mỗi vùng đất. Cũng như các nhà văn Nam Bộ khác, ông tiếp thu ngôn ngữ của “văn chương sông trầm lau lách” để viết nên một thứ văn giản dị, trong trẻo”.
Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, em gái út của nhà văn Lê Văn Thảo - rơi nước mắt khi cầm cuốn sách trên tay, nói: “Cảm ơn độc giả và các bạn đồng nghiệp đã dành tình cảm yêu thương ấm áp như thế này cho anh Ba tôi”.
Tên tuổi lớn trong làng văn Nam Bộ
Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy; đi kháng chiến, ông đổi tên theo họ mẹ khi vào chiến khu. Sau 2 nhà văn đàn anh là Nguyễn Quang Sáng và Anh Đức, nhà văn Lê Văn Thảo nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 với 2 tác phẩm: “Con đường xuyên rừng” (tiểu thuyết) và “Tuyển tập truyện ngắn Lê Văn Thảo”. Ông là tác giả của 20 đầu sách tiêu biểu như “Đêm Tháp Mười” (1972), “Bên lở bên bồi” (1978), “Cửa sổ màu xanh” (1981), “Câu chuyện 20 năm” (1985), “Chuyện nhỏ tình yêu” (1992), “Ông cá hô” (1995), “Con mèo” (1999), “Lên núi thả mây” (2001), tiểu thuyết “Ngôi nhà có hàng rào song sắt” (1988), “Con đường xuyên rừng” (1995), “Một ngày và một đời” (1997), “Cơn giông” (2002)…
Bình luận (0)