xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những vần thơ đẫm mồ hôi người thợ

Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG NHÂN

Suốt đời Thanh Tùng chưa tạo ra “sự kiện to lớn” gì để báo chí viết về ông nhiều như là “người của công chúng”. Nhưng người mê đắm thơ ca thì quý trọng ông vì ông luôn sống hết mình để mộng mơ luôn hiện diện dù đời sống nhọc nhằn

Người đời biết đến nhiều danh xưng nhạc sĩ phía trước những cái tên như: Thanh Tùng, Tô Thanh Tùng, Trần Thanh Tùng... Nhưng ít ai biết có một nhà thơ Thanh Tùng. Một người thợ làm thơ và không ít những bài thơ của ông đã trở thành những ca khúc nổi tiếng.

Thời hoa đỏ... khuân vác

Thanh Tùng là thợ, hiểu theo nghĩa ông vừa cật lực lao động để sáng tác thơ vừa là công nhân chính hiệu. Nhà thơ Thanh Tùng sinh năm 1935 tại Nam Định, lớn lên ở Hải Phòng, làm nghề khuân vác trên bến cảng, sau đó chuyển sang “quai búa” đóng tàu, có thời gian dài làm nghề áp tải. (Thanh Tùng là bút danh, ông tên thật Dzoãn Tùng nhưng vì thương người em ruột tên Thanh mắc bệnh “ngơ ngẩn” nên ông đem tên em vào trước tên mình).

Suốt đời Thanh Tùng chưa tạo ra “sự kiện to lớn” gì để báo chí viết về ông nhiều như là “người của công chúng”. Nhưng người mê đắm thơ ca thì quý trọng ông vì ông luôn sống hết mình để mộng mơ luôn hiện diện dù đời sống nhọc nhằn. Ngoài một số bài thơ được phổ nhạc như: Thời hoa đỏ (nhạc Nguyễn Đình Bảng), Hà Nội ngày trở về (nhạc Phú Quang)... thì thành quả gặt hái được của ông có thể kể: Hai lần nhận giải thưởng thơ công nhân do Tổng LĐLĐ VN trao tặng; nhiều lần nhận giải nhất các cuộc thi thơ viết về Hà Nội. Mãi đến ngoài 60 tuổi, Thanh Tùng mới xuất bản được tập thơ đầu tiên cho riêng mình mang tên Thời hoa đỏ (NXB Văn học 2001) được Hội Nhà văn VN trao giải thưởng năm 2002. Sự kiện lớn nhất đời Thanh Tùng xảy ra vào năm 1997 khi ông được cử làm đại diện của VN sang Hy Lạp đọc thơ với đại biểu các nước. Đời thợ và đời thơ của Thanh Tùng được ông miêu tả: “Cái nghề khuân vác của tôi/ Trong cơn mê còn thấy giọt mồ hôi cười/ Tôi sợ nó và tôi yêu nó/ Như người mẹ sợ cơn đau đẻ mà vẫn thèm có con” hay “Tôi đến trước cửa lò/ Người thợ cả trao cho tôi cây thông lò/ Và ngọn lửa thở như bão”. “Ngọn lửa thơ ca” trong Thanh Tùng đến giờ vẫn “thở như bão”.

Phương Nam hành... tri ân

Thanh Tùng là người mau nước mắt, một lần ngồi quán cóc, ông đã bật khóc vì không có tiền mua vé số giúp một đứa trẻ khi trời chiều đang mưa. Thanh Tùng dễ xúc động trước cái đẹp, sự cao thượng cũng như nỗi trần ai của kiếp người, đời ông như một vế đối bằng hình ảnh “mồ hôi thợ rơi trên những vần thơ”

Phương Nam hành là tập trường ca in năm 2005 của Thanh Tùng viết về mảnh đất Nam Bộ hiền hòa, giàu nghĩa khí cũng như tình người. Cả hai tập sách – tài sản lớn nhất của Thanh Tùng – đều do bè bạn góp vốn in giúp, nên cái tựa Phương Nam hành nghe như thơ Nguyễn Bính là do bè bạn đặt, khi sách in xong rồi Thanh Tùng mới “ngã ngửa” không thể sửa lại được. Nhà thơ Thanh Tùng xúc động: “Tôi biết ơn con người và miền đất này, đặc biệt là Sài Gòn, nơi tôi đang ở. Trong trường ca tôi viết: Tôi đã tiêu xài mười năm đích thực/ Dẫu chỉ trong ngõ lầy gầy guộc/ Tôi đã hưởng tự do, công bằng vì tôi biết những thứ quý giá đó /Người chia đều như không khí/ Người đã chấp nhận tôi để bỏ qua nhiều nguyên tắc, còn tôi thì lấy mộng mơ thay cho bao giấy tờ phiền toái/ Trên đất đai phì nhiêu lạ lùng, tôi lại mọc lên cùng những cây xoài, cây mận...”.

Năm 1995, Thanh Tùng “hành” phương Nam để tiếp tục xây dựng mái ấm gia đình mà ông đã dang dở gần nửa cuộc đời. Vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng là người mai mối vì thương ông bạn thi sĩ lận đận. Người vợ trước của Thanh Tùng do thi sĩ Xuân Diệu “xúi giục”. Khoảng cuối những năm 60 thế kỷ 20, Thanh Tùng lên Hà Nội nhận giải thưởng thơ viết về thủ đô, ông đã cùng bạn thơ Vân Long đến “trình diện” Xuân Diệu. Ông “vua thơ tình” sau khi nghe Thanh Tùng “ra mắt” một số tác phẩm liền hỏi: “Cậu cưới vợ chưa?”. “Dạ chưa” – Thanh Tùng đáp. “Vậy thì về cưới vợ ngay đi” – Xuân Diệu khuyên. Vậy mà chẳng bao lâu sau, Thanh Tùng cưới vợ thật. Hình như Xuân Diệu tiên đoán rằng Thanh Tùng phải lận đận thì thi tứ mới phun trào. Và Thời hoa đỏ của ông ra đời sau trắc trở cuộc sống vợ chồng vào năm 1973: “Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa” để rồi: “Trong câu thơ của em anh không có mặt” cùng với “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ”.

Người vợ hiện nay của Thanh Tùng đã gởi lại tuổi xuân trong màu áo thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Vào sống trong ngôi nhà của vợ, Thanh Tùng cảm kích: “Anh đang sống trong ngôi nhà, em đã mua bằng cả thời cô đơn thiếu nữ”. Ngày vào Nam, bạn bè văn nghệ tiễn ông ra sân ga, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chỉ vào cái túi con cóc Thanh Tùng khoác bên người: “Đấy, 60 mươi năm cuộc đời là đây!”.

Khi tôi viết những dòng này thì hay tin nhà thơ Thanh Tùng phải nhập viện, vì căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Năm 2007 này ông tròn 72 tuổi, sức khỏe không còn nhiều dù trí tuệ minh mẫn và mộng mơ vẫn còn.

Những câu thơ ám ảnh

Nhạc sĩ Phú Quang: “Tôi đã phổ của Thanh Tùng ba bài thơ Người về, Hà Nội ngày trở về và Mùa thu giấu em. Riêng bài Hà Nội ngày trở về thì câu hát “vội vã trở về, vội vã ra đi” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Phải thừa nhận, Thanh Tùng có những câu thơ thật thi sĩ, đọc một lần thì ám ảnh khôn nguôi. Ngoài cái tứ, thơ Thanh Tùng cũng giàu nhạc điệu. Tôi đang phổ một bài thơ khác của Thanh Tùng viết về mẹ với hình ảnh đắt giá “tiếng mẹ run như sóng, tiếng mẹ mềm như tơ, mẹ cười hay mẹ khóc, chỉ thấy mắt ta mờ”.

Có thể "choảng" nhau với cướp

Nhà thơ Trần Nhuận Minh (Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, anh ruột nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa) đã viết chân dung Thanh Tùng và nghề áp tải của ông: “Có ai ngờ nhà thơ. Phải sống bằng nắm đấm” (Bài Nhà thơ áp tải trong tập Nhà thơ và hoa cỏ). Trần Nhuận Minh khái quát “tính cách thơ” quyết liệt của Thanh Tùng rằng “chai rượu ngang dốc ngược, đứng bên trời uống chung”, chứ thật ra tác giả của Thời hoa đỏ hiền khô dù ngoại hình ông vạm vỡ. Thanh Tùng đi áp tải hàng viện trợ từ những chuyến tàu của Liên Xô cũ thời chiến tranh, đường 5 lúc đó (từ Hải Phòng lên Hà Nội) cướp nhiều như... rươi. Ai cũng nghĩ nhà thơ “trói gà không chặt”, nhưng Thanh Tùng minh chứng rằng, nếu cần thì thi sĩ có thể “choảng” nhau với cướp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo