xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nuôi giấc mơ quảng bá văn học Việt

Hoà Bình thực hiện

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cho rằng thay vì hoạt động quảng bá mang tính lễ hội rình rang, nên đưa những nhà văn có các tác phẩm đã được dịch và in ở nước ngoài đi nói chuyện thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn

Phóng viên:  Thật vui khi độc giả trong nước biết rằng Nguyễn Phan Quế Mai là nhà thơ Đông Nam Á đầu tiên có sách được xuất bản trong loạt ấn phẩm Lannan Translations Selection Series của Mỹ. Chị có thể chia sẻ về chuyến hành trình đến Mỹ ra mắt tập thơ Bí mật của hoa sen - The Secret of hoa sen (Nhà Xuất bản BOA Editions, New York)?

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (giữa) tham gia giảng dạy tại lớp kỹ năng sáng tác dành cho các nhà thơ trẻ xuất sắc ở trung tâm thi ca Poets House, New York - MỹẢnh: LAREN MCCLUNG
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (giữa) tham gia giảng dạy tại lớp kỹ năng sáng tác dành cho các nhà thơ trẻ xuất sắc ở trung tâm thi ca Poets House, New York - MỹẢnh: LAREN MCCLUNG

- Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai:  Trong suốt hơn 3 tuần xuyên qua mùa đông nước Mỹ (từ ngày 24-2 đến 16-3) để ra mắt tập thơ Bí mật của hoa sen, tôi đã được chạm vào sự huyền diệu của thơ ca.

Những buổi đọc thơ của tôi ở các TP Atlanta, New Mexico, Rochester và New York đều có rất đông người tham dự. Đặc biệt là ở Trường Đại học Georgia Tech (Atlanta), đến giờ khai mạc, hết ghế, người ta ngồi bệt tại các lối đi và xung quanh sân khấu. Trong hầu hết các buổi đọc thơ, người tham dự phải trả một số tiền không nhỏ để mua vé vào cửa (như ở trung tâm thi ca Poets House, giá vé là 10 USD, tương đương 210.000 đồng). Vậy mà người ta vẫn băng qua đêm tối, băng qua tuyết trắng để đến nghe thơ. Hóa ra, trong trái tim của rất nhiều người Mỹ có một góc thật đặc biệt dành cho Việt Nam.

Sau các buổi đọc thơ, tôi luôn nhận được những cái ôm đầy trìu mến và những sự sẻ chia thân tình, ấm áp. Những người trẻ hơn thì bày tỏ sự thích thú khi lần đầu tiên được nghe các bài thơ ngân lên bằng tiếng Việt và mong ước một ngày được đến Việt Nam. Một số bạn sinh viên người Mỹ gốc Việt sau buổi đọc thơ đã nắm chặt tay tôi nói rằng những bài thơ khiến họ muốn trở lại cội nguồn và nối lại sợi dây liên lạc với một đất nước mà họ từng muốn chối bỏ.

Tình cảm đặc biệt của độc giả nước Mỹ chắc hẳn sẽ cho chị thêm nhiều động lực quảng bá văn học Việt?

- Khi bước chân vào những căn hộ dành cho khách quý của Quỹ Văn hóa Lannan ở TP Santa Fe, tiểu bang New Mexico, tôi đã thảng thốt: Trên tường là những bài ca dao Việt Nam, được in trang trọng bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Quỹ Văn hóa Lannan tài trợ xuất bản những ấn phẩm này vào năm 1996 dưới dạng khổ lớn và chúng được dán trên các chuyến xe buýt, nhằm giới thiệu với người Mỹ về một Việt Nam giàu bản sắc văn hóa.

Nhà thơ Dan Veach - Tổng Biên tập Atlanta Review, một tạp chí văn học rất danh tiếng ở Mỹ - đã đề nghị tôi hợp tác với ông để giới thiệu vẻ đẹp của thi ca Việt Nam một cách rộng rãi hơn nữa. Chúng tôi đang bắt tay hoàn thiện các bản dịch những bài thơ đương đại Việt Nam.

Bà Katherine Kincer, Giám đốc Đài Phát thanh Melodically Challenged (được phủ sóng trên 9 kênh truyền thanh ở 6 tiểu bang), đã đề nghị tôi phối hợp giới thiệu thi ca Việt Nam trên một loạt chương trình phát thanh dành riêng cho thơ Việt. Tất cả chương trình sẽ rất đặc biệt, vì các bài thơ sẽ được ngân vang bằng giọng đọc tiếng Việt của chính tác giả - những nhà thơ Việt Nam. Các bản dịch tiếng Anh sẽ được trình bày bởi các nhà thơ Mỹ.

Trong chuyến hành trình ra mắt Bí mật của hoa sen, tôi trở nên “giàu có” hơn vì được gặp nhiều người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi với ước muốn cháy bỏng được làm gì đó cho nguồn cội.

Bạn đọc văn thơ trên thế giới vẫn không mấy người biết đến văn học Việt Nam. Có phải vì chúng ta vẫn đang quá thiếu những tác phẩm xứng tầm để có thể quảng bá ra thế giới?

- Việt Nam không thiếu những tác phẩm văn học xuất sắc mà chỉ thiếu một cây cầu dịch thuật để đưa các  tác phẩm ấy hội nhập với dòng chảy của văn học thế giới. Cây cầu đó chỉ có thể xây được bằng trí tuệ, công sức và tâm huyết của các dịch giả.

Thật tiếc, lực lượng dịch giả, nhất là những người có khả năng chuyển ngữ văn học Việt sang các ngôn ngữ khác, đang vô cùng mỏng manh và cô độc. Bởi lẽ, dịch văn học là một công việc khó khăn, mạo hiểm, dễ bị bắt lỗi và dễ bị phê phán nên ít ai dám liều lĩnh dấn thân. Những người thông thạo 2 hoặc nhiều thứ tiếng có thể sử dụng trí tuệ của mình để làm những công việc khác dễ dàng hơn, có thu nhập cao hơn.

Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam vừa diễn ra. Chị nghĩ gì về kết quả của hội nghị ấy?

- Là người tham gia giúp công tác dịch thuật cho hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam năm 2010, tôi chứng kiến những nhà văn, nhà thơ trong ban tổ chức đã rất vất vả và cố gắng hết sức mình. Tiếc rằng sau hội nghị, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một lực lượng nòng cốt chuyên về quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Những háo hức, kỳ vọng cũng nguội dần cùng thời gian.

Ước gì hội nghị giảm đi về mặt hình thức, chú trọng hơn về mặt nội dung, để dành tiền cho việc dịch một số tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc. Ước gì chúng ta dịch và xuất bản một kỷ yếu các tác giả và tóm tắt những tác phẩm nổi trội để có thể “trình làng” một bức tranh tổng thể của văn học Việt Nam. Tôi mong rằng Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổng kết những ý kiến đóng góp rất xác đáng cho việc quảng bá văn học Việt Nam trong hội nghị vừa qua. Qua đó,triển khai thành một chiến lược quảng bá văn học Việt Nam, với những kế hoạch và bước đi cụ thể.

Cần có đại sứ văn học

Theo nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, để một tác phẩm dịch đến được tay bạn đọc, cần có những cây cầu là những người đại diện văn học (literary agent) và nhà xuất bản - những người cần thiết cho chúng ta.

“Thêm vào đó, chúng ta cần có các đại sứ văn học. Tôi tin rằng thay vì hoạt động quảng bá mang tính lễ hội rình rang, nếu chúng ta đưa những nhà văn có các tác phẩm đã được dịch và in ở nước ngoài - như Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Y Ban... - đi nói chuyện ở các trường đại học, trung tâm văn hóa nước ngoài... thì chắc chắn họ sẽ đem về rất nhiều cơ hội cho văn học Việt Nam” - nhà thơ bày tỏ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo