Nhà văn Dương Hướng:
Chưa được coi trọng
15 năm thai nghén và viết tác phẩm Dưới chín tầng trời (NXB Hội Nhà văn, 2007), tôi đã dồn hết tâm sức vào đó, trước khi tác phẩm chính thức ra đời cũng đã bị cắt xén nhiều. Xem đó là những chuyện mà nhà văn phải chấp nhận, dù có ngậm ngùi nhưng cuốn sách ít nhiều có độc giả, tạo được dư luận thì lại không có cơ hội tái bản. Cơ quan chức năng có nhiều lý do để “quản” đầu ra rộng rãi của cuốn sách này, nếu không Dưới chín tầng trời đã có thể tái bản đến lần thứ 4, theo mong muốn của NXB. Chính điều đó đã khiến tôi cảm thấy tâm sức mình bỏ ra không được coi trọng. Nếu sách được tái bản đàng hoàng, nhà văn cũng được thêm đôi chút nhuận bút; còn để sách bị in lậu thì xem như người viết cũng không được thêm gì. Viết văn là cái nghề nhọc nhằn, khổ ải, sách có đông người đọc hạnh phúc lắm chứ, muốn viết tiếp lắm chứ! Nhưng ngay cả khi bỏ qua chuyện tiền bạc - vốn là quyền lợi chính đáng của tác giả - thì việc tác phẩm bị hành lên hành xuống cũng khiến người cầm bút không còn hăng hái lao vào sáng tạo.
Vươn tới những giá trị đỉnh cao ở thời điểm này, tôi cho rằng cần phải có tài năng và sự quyết tâm của những người bản lĩnh, dám vượt qua mọi rào cản. Và không chỉ riêng tác giả, các đồng nghiệp cũng phải nhận ra điều đó. Các hội chuyên ngành cần có tiếng nói bênh vực những tác phẩm bị làm khó dễ thì những người sáng tác mới dũng cảm sáng tạo chân thực.
Nhà văn Trầm Hương:
Ít ai chịu dấn thân
Tôi cho rằng văn chương càng bị kìm hãm càng sẽ phát triển mạnh mẽ, bằng chứng là từ những năm thời chiến tranh, đến giai đoạn thời kỳ đổi mới cho dù có như thế nào chúng ta cũng đã có được những tác phẩm đầy sức sống, vượt thời gian. Sự đi lùi này của văn học nghệ thuật nằm ở bản thân, tâm thế sáng tác của văn nghệ sĩ. Hiện thực ngồn ngộn, có thể tạo nên những bi kịch bất hủ trong xã hội đương đại nhưng con người thì ngày một hèn đi trước đồng tiền, trước lợi ích riêng. Bây giờ làm việc khác dễ kiếm tiền và ổn định hơn viết văn gấp trăm lần. Vậy thử hỏi bây giờ có ai chấp nhận lăn lóc thực tế khắp nơi, rồi dồn sức ròng rã hàng năm trời chỉ để viết tác phẩm? Tôi làm công tác bảo tàng, có cơ hội đi nhiều, hiểu nhiều vậy mà để viết hơn 500 trang A4 cho một cuốn sách tâm đắc, tôi cũng đã mất suốt 7 năm ròng rã trong “cơn lốc xoáy” của cơm áo gạo tiền, của những lo lắng mưu sinh của cuộc sống hằng ngày. Có bao giờ những người quản lý tìm hiểu để biết đời sống nhà văn như thế nào không?
Nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn:
Người đọc vắng dần
Tôi cũng một thời lên bờ xuống ruộng vì những tác phẩm của mình. Tiểu thuyết Cù lao Tràm thời đó (những năm 1980 - PV) khi mới xuất bản đã bị công kích dữ dội đến mức tôi bị truy tố ra tòa. Người ta đang ca ngợi kinh tế miền Tây là vựa lúa của cả nước, tác phẩm của tôi lại chỉ ra những điều ngược lại. Tôi còn nhớ lúc đó không ai đứng ra bênh vực, bảo vệ tôi và tác phẩm cả, một mình chống chọi, một mình bảo vệ, thậm chí làm đơn xin rút ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó tự in sách cho mình. Nhưng cũng không phải vì thế mà tôi bất mãn, không viết sách nữa. Cuộc đời tôi cũng phiêu dạt, lăn lộn nhiều nơi, hiểu người hiểu đời để có thể viết tiếp. Nhưng tôi nhận ra rằng càng lúc người ta càng ít đọc sách đi.
Thời đổi mới, sách được đông đảo người dân đón nhận nhưng về sau này, người ta đã có quá nhiều hình thức, phương tiện để giải trí. Cứ thử đi làm một cuộc điều tra xã hội học thì sẽ biết ngay, sách có còn là lựa chọn hàng đầu của công chúng nữa hay không? Nhà văn viết sách mà không có độc giả thì sống bằng gì?
Nhà văn Nguyễn Đình Tú:
Cần độ lùi thời gian
Tác phẩm có giá trị cũng phải tương xứng với thời đại đó. Thời chiến tranh, đổi mới, văn học nghệ thuật có những tiêu chí đánh giá tác phẩm khác bây giờ. Ví dụ như những tác phẩm về chiến tranh ngày xưa, khi ấy đáp ứng được đúng với yêu cầu chính trị, cách mạng thì được quan tâm chú trọng, đánh giá cao. Nhưng giả dụ bây giờ lại có tác phẩm cũng khai thác về chiến tranh - có thể cũng khốc liệt không kém - nhưng chưa chắc là phù hợp với thời đại này. Cũng như gần đây, việc đánh giá giá trị của những tác phẩm sau năm 1975 để đưa vào sách giáo khoa xem ra lại khó hơn định danh các tác phẩm trước đó. Liệu có phải cần độ lùi của thời gian để nhìn lại, thống nhất về cách đánh giá mỗi tác phẩm?
Chúng ta phải xác định lại tiêu chí đánh giá của văn học nghệ thuật thời đại này là gì? Và điều đó có là một con đường mở cho người sáng tác? Sinh mệnh chính trị của văn nghệ sĩ đôi khi chịu nhiều khổ ải vì chính tác phẩm của mình. Thời gian qua, nhiều tác phẩm bị quy chụp, tác giả lao đao, sách bị đình bản, thu hồi. Có thể đó chưa phải là tác phẩm hay nhưng chính điều đó khiến người ta chán. Nhuận bút ít ỏi, vinh quang cũng không nhiều mà lại dễ bị xem là…có tội. Không hẳn cứ khai thác hiện thực xã hội mới là tác phẩm có giá trị nhưng đó lại là đề tài nhiều người muốn viết lại ngán đụng chạm. Vậy thì viết cái gì? Tôi cho rằng tài năng, tâm thế và cơ chế chính là 3 yếu tố tiêu điểm có ảnh hưởng quyết định đến đời sống sáng tác hiện nay.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-11
PGS-TS Đinh Xuân Dũng: Thực tiễn quyết định sáng tạo Hiện nay, theo kết quả điều tra xã hội học đề tài “Công chúng và giao lưu quảng bá văn học thời kỳ mới” của Viện Văn học (giai đoạn 2011-2013), có 65% trong tổng số 636 người chọn đề tài hôn nhân tình yêu, trong đó chỉ khoảng 37% chọn đề tài chiến tranh, nông thôn; 74,5% người quan tâm các tác phẩm tạo dư luận; trong khi đó, số còn lại tìm đọc những tác phẩm được xem là... có vấn đề. Thực tiễn đời sống quy định kết quả sáng tạo. |
Bình luận (0)