Ngoại trừ phim Thạch Sanh gây tò mò với thể loại cổ tích 3D đầu tiên, 4 phim hài chiếu Tết còn lại gồm: Hai Lúa, Cô dâu đại chiến, Cưới chạy và Năm sau con lại về đều không đặc sắc. “Thua cả phim hài nhảm của những mùa Tết trước” là nhận xét chung của nhiều người khi 4 “ẩn số” phim Tết nay đều đã lộ diện.
Cười không nổi
Trong buổi chiếu ra mắt phim Cưới chạy (Công ty Hoàng Thần Tài sản xuất; đạo diễn: Đỗ Mai Nhất Tuấn), nghệ sĩ hài Hoàng Mập đã mở lời mong báo chí “rộng lượng nhẹ tay” nhưng có lẽ không cần đến sự thẩm định đánh giá của giới chuyên môn thì khán giả cũng có thể tự cảm nhận được. Không ít người đã bỏ về giữa chừng vì cười không nổi với những tình huống được đặt ra trong phim. Có sự tham gia độc quyền của danh hài Việt Hương cùng nghệ sĩ hài Chí Tài, Hoàng Mập… nhưng nội dung cũng như cách dựng phim khá lộn xộn khiến cho Cưới chạy là một chuỗi lắp ghép những tình huống hài không khéo léo.
Hài luôn cần sự duyên dáng, tinh tế trong cách xử lý tình huống, lời thoại cũng như diễn xuất. Ở phim Cô dâu đại chiến 2, đạo diễn Victor Vũ cũng cho các nhân vật của mình “over” theo cách nói của diễn viên Vân Trang nhưng nhiều người dõi theo và tin tưởng vào tài năng của đạo diễn phim Thiên mệnh anh hùng này cũng không ngờ rằng Victor Vũ có thể tạo nên phần 2 của Cô dâu đại chiến - đã từng rất thành công ở phần 1 - lại kém duyên đến thế.
Xét ra, Cô dâu đại chiến 2 vẫn là bộ phim hài khá nhất về tay nghề, có chất điện ảnh so với 3 phim còn lại nhưng nếu đặt trong mối tương quan với những bộ phim trước đây của Victor Vũ, có lẽ phần 2 này là một sự “làm quá lên” nhưng chất lượng thì bị kéo xuống.
Trong khi đó, Hai Lúa (đạo diễn: Lê Quang Hưng) tận dụng danh tiếng đặc trưng của NSƯT Thanh Nam, gương mặt “hot” Trấn Thành cùng nhân tố ăn khách Phương Mỹ Chi. Dù vậy, xem ra cuộc phiêu lưu của Hai Lúa lần này lại khiên cưỡng, có thể cười nhưng cũng sẽ khó chịu với kiểu sắp đặt tình tiết đơn giản, như trò chơi và giọng thoại thiếu cảm xúc của hoa hậu Diễm Hương trong vai cô gái Lào. Đoàn phim cất công sang Angkor Wat quay bối cảnh nhưng các cảnh trong phim cũng ở mức độ giới thiệu quảng bá du lịch, đặc sản của đất nước Chùa Tháp một cách sách vở.
Nếu nói giới chuyên môn khắt khe, khó tính khi mang những yếu tố nghề nghiệp ra đánh giá thì lần này, các nhà làm phim có thể lắng nghe ý kiến của khán giả. Chê nhiều hơn khen, thực tế có khen cũng chỉ là chắt lọc những cái tạm gọi là hay trên nền của một tổng thể dở để khuyến khích, động viên. Ngay cả với bộ phim có sự tham gia của danh hài Hoài Linh - Năm sau con lại về (Công ty Sóng Vàng sản xuất; đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) cũng không thể bằng Nhà có năm nàng tiên năm trước. Hài nhưng phải nhân văn, xúc động là mục tiêu làm phim của đơn vị này, Năm sau con lại về cũng hội đủ cả 2 yếu tố đó nhưng phim lại được xây trên một nền móng kịch bản thiếu vững chắc. Cho nên, cái gọi là “over” cũng không đủ sức đứng vững cho một sự hài hước hoàn hảo so với nhiều kỳ vọng chờ đợi khi phim có sự tham gia của danh hài Hoài Linh.
Tiếng cười góp nhặt mỗi phim một ít nhưng phần lớn là tiếng cười nhạt và ngán ngẩm.
Nhiều “sao” nhưng thiếu vai ấn tượng
Phim Tết nào cũng quy tụ cả “dàn sao” nhưng không có vai diễn nào để lại ấn tượng hơn “hào quang quá khứ” cũng như những vai diễn ấn tượng trước đây của các diễn viên. Từng gây ấn tượng đặc biệt với phim Scandal nhưng sự xuất hiện lần này của Maya trong Cô dâu đại chiến 2 chỉ là góp vui; gương mặt đẹp sắc sảo của cô không hợp lắm với vai “cô giáo cưa trai”. Yu Dương cũng vậy, từng để lại ấn tượng khó quên từ Lời nguyền huyết ngải còn lần này thì cũng chỉ là vai trò mờ nhạt. Vai diễn của Vân Trang trong phim này cũng thế.
Tương tự là nghệ sĩ hài Chí Tài. Anh có mặt trong cả 2 phim Cưới chạy và Năm sau con lại về nhưng vai trò lại mờ nhạt, một bên hài hước khập khiễng với nghệ sĩ hài Việt Hương, một bên có cũng được không có cũng chẳng sao! Trấn Thành - gương mặt ở lĩnh vực nào cũng được yêu thích - được mặc sức trổ tài ở phim Hai Lúa nhưng tiếng cười đến từ cái duyên của bản thân anh nhiều hơn là ấn tượng về nhân vật.
Có lẽ, so với 4 phim hài còn lại với những tên tuổi đạo diễn, sự “bảo chứng” của những gương mặt ăn khách cũng như thành công rực rỡ về doanh thu trong những mùa phim trước, Thạch Sanh 3D lép vế hơn hẳn. Tuy nhiên, nếu chọn một đối trọng để so sánh với phim ngoại chiếu Tết (dự đoán Monkey King - Đại náo thiên cung của điện ảnh Trung Quốc sẽ thắng lớn vào dịp Tết năm nay) thì Thạch Sanh 3D mới là phim có sức nặng hơn cả về đầu tư và nghệ thuật.
Thạch Sanh 3D gây bất ngờ
Phim cổ tích Thạch Sanh của cố đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu gây bất ngờ hơn những gì mọi người mong đợi. Đứng tách biệt khỏi dòng phim hài với sự tham gia của những gương mặt mới: Nguyễn Ngọc Hiếu trong vai Thạch Sanh, Tuấn “Voi” vai Lý Thông và Dương Cẩm Luynh vai công chúa Quỳnh Nga, phim để lại dấu ấn đẹp cho thể loại cổ tích 3D lần đầu tiên của điện ảnh Việt.
Bỏ qua yếu tố trang phục nhân vật gây tranh cãi cũng như kỹ xảo chưa hẳn đã làm thỏa lòng người xem, Thạch Sanh 3D có thể khiến khán giả bất ngờ, thích thú với cách kể chuyện, cách làm mới nhân vật Lý Thông cũng như có nhiều tình huống, lời thoại khá sâu sắc. Cái hài đan xen hợp lý, thú vị; bối cảnh được vẽ 3D khá hoành tráng, tinh tế. Đôi chỗ đạo diễn cố tình kéo cảm xúc cho người xem thành ra... chậm rãi, dài dòng. Trước khi chính thức ra mắt báo giới vào tối 22-1, bộ phim đã có suất chiếu đặc biệt dành cho trẻ em Làng S.O.S và đã được các khán giả nhí đón nhận nồng nhiệt.
Bình luận (0)