Bà Phạm Trường Sơn - Trưởng Ban Khai thác phim truyện Đài Truyền hình TP HCM (HTV) - cho biết HTV đã có lịch phát sóng phim đến hết năm 2014. “Có thể nói mặt bằng phim năm nay khá khả quan, chất lượng tốt hơn hẳn năm trước. Hầu hết các phim đều khai thác đề tài hôn nhân gia đình, đan xen hành động - hài phù hợp với xu hướng xem phim của khán giả hiện nay. Mỗi phim đều có cái hay riêng, rating (chỉ số người xem) các phim cũng đã tăng hơn so với năm trước, ổn định ở mức từ 3.0 đến 5.0” - bà Trường Sơn nói thêm.
Đề tài hôn nhân - gia đình thu hút
Kết thúc bộ phim tâm lý xã hội mở màn cho giờ phim Việt của HTV7 (20 giờ) - Đời như tiệc (đạo diễn: Đinh Đức Liêm), tiếp tục sẽ là câu chuyện về gia đình Con trai, con gái (đạo diễn: Kim Hyo Jung - Chu Thiện, phát sóng từ ngày 3-3). Trong khi đó, một số phim phát sóng trên VTV1, VTV3 vừa qua: Chạm tay vào nỗi nhớ, Chỉ có thể là yêu, Nơi chốn ta quay về… khai thác đề tài tình yêu tuổi trẻ, bi kịch và tham vọng. Mỗi phim đều nhận được những ý kiến đánh giá khác nhau nhưng chung quy cũng chưa phải là những phim đủ sức trở thành tâm điểm thu hút.
Quanh đi quẩn lại trên màn ảnh nhỏ chủ yếu vẫn là những bộ phim đề tài hôn nhân - gia đình. Hơn một năm qua, khung giờ lúc 22 giờ của HTV9 đã được dành hẳn cho 3 đơn vị Senafilm, Vietcom và Sóng Vàng khai phá đề tài này. Theo ý kiến chung từ đại diện 3 đơn vị, rating các phim ở mức ổn định khoảng 3.0-4.0. Đúc kết từ phía HTV cho rằng những phim đề tài gia đình như Thuyền giấy, Ván bài tình yêu, Người giúp việc… (phát sóng khoảng cuối năm 2013) rất thu hút khán giả. Vì thế, sẽ vẫn khuyến khích các đơn vị khai thác mảng đề tài này. Kênh truyền hình Let’s Viet từ khi mở ra khung giờ vàng “cạnh tranh” cũng đã cho lên sóng nhiều phim tâm lý xã hội do Hãng phim Lasta sản xuất. Chất lượng đồng đều nhưng chưa có phim nào vượt trội như Bí mật Tam giác vàng mà Lasta đã từng ghi dấu hồi năm ngoái.
Trong kế hoạch sản xuất phim truyền hình năm 2014 của các đơn vị được xem là chủ lực cũng như “tân binh” phía Nam, hầu hết đều là những phim đề tài tuổi trẻ lập nghiệp, bi kịch tình yêu - hôn nhân - gia đình. Một dự báo có thể chất lượng sẽ lại đều đều khi có không ít lời phân trần về việc khan hiếm kịch bản hay.
Tự cứu hay là chết
Sẽ phải cạnh tranh thị phần với các chương trình truyền hình thực tế, phim truyền hình nước ngoài phát sóng cùng thời điểm phim Việt lên sóng là điều mà các đơn vị sản xuất đều nhìn thấy. Chưa kể, khán giả hiện nay có xu hướng xem “phim trên mạng”. Hiệu ứng từ mạng xã hội rất nhanh và luôn hiệu quả, những bộ phim hay của Hàn Quốc chưa được mua bản quyền, chuyển ngữ phát sóng chính thức trên các đài truyền hình Việt Nam song đã được các khán giả hâm mộ chuyển ngữ cho… phát trên mạng. Năm 2013, phim “gây sốt” lại là những phim được dẫn nguồn phát sóng cho “khán giả mạng” theo cách này.
Dù suy nghĩ lạc quan như bà Nguyễn Thị Bảo Trâm - Giám đốc Hãng phim Vietcom: “Phim là cơm, là món ăn quen thuộc nên khán giả có thể tạm thời bỏ qua nhưng sẽ không bỏ quên” nhưng vẫn phải thừa nhận rằng lượt người xem phim Việt có lúc xuống thấp đáng lo ngại. Đã có trường hợp phim bị cắt sóng vì lượng người xem quá thấp hoặc nhà sản xuất không được trả tiền mua phim khi không đáp ứng đủ chỉ số người xem theo mức yêu cầu của nhà đài. Bà Trường Sơn cũng cho biết thêm HTV trước mắt chưa dám đầu tư các dự án lớn nhưng cũng đặt yêu cầu chất lượng cao hơn đối với các đơn vị sản xuất.
“Tiếp tục đề tài tâm lý xã hội, hôn nhân - gia đình nhưng chúng tôi sẽ khai thác ở góc độ mới mẻ, táo bạo hơn. Bây giờ, mỗi đơn vị sản xuất đều phải nỗ lực làm mới, tự cứu mình trước. Nếu cứ khai thác kiểu tình yêu tay ba tay tư, nội dung làng nhàng thì khán giả sẽ chán ngay” - nhà biên kịch Châu Thổ, Giám đốc Hãng phim Sena, nói. Minh chứng cho mong muốn “làm mới táo bạo” này của Sena là bộ phim Đường chân trời (đạo diễn: Minh Trương, sẽ được lên sóng lúc 22 giờ ngày 7-3) với một câu chuyện bi kịch khá khốc liệt, có thể “gây sốc” cho khán giả.
Bà Phạm Thị Dung, Giám đốc Công ty Kiết Tường, nói đơn vị cũng rất muốn làm những bộ phim khai thác đề tài nóng của xã hội nhưng không dễ tìm được nguồn kịch bản hay, lại vẫn còn phải e dè ở khâu kiểm duyệt. “Chúng tôi luôn tìm hiểu thị hiếu khán giả, xem số đông thích những phim như thế nào để có hướng khai thác song nói thật, phim làm hay thì sẽ hay chứ Hàn Quốc cũng chỉ quẩn quanh mấy đề tài tình yêu, gia đình mà cách làm của người ta vẫn thu hút khán giả đó thôi” - bà Dung nêu.
Hiếm dự án lớn
Một trong những phim được xem là “dự án lớn” được quan tâm, kéo dài từ khoảng cuối năm 2012 đến nay là Cao hơn bầu trời (do Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng sản xuất, đạo diễn: Nguyễn Xuân Cường, đang được tiếp tục ghi hình tại tỉnh Bắc Giang). Đây là bộ phim truyền hình quy mô đầu tiên về binh chủng Phòng không - Không quân, tái hiện cuộc chiến trên không lịch sử Hà Nội 12 ngày đêm trong giai đoạn 1965-1975.
Công ty Sao Thế Giới cũng đang bắt tay thực hiện dự án lớn nhất trong năm của đơn vị - bộ phim hình sự đề tài chống ma túy Cung đường trắng (dự án hợp tác với VTV, đạo diễn: Minh Quang, kịch bản của đại tá - nhà văn Nguyễn Văn Hải, người từng viết Những đứa con của biệt động Sài Gòn phần 1 - Không chùn bước) với bối cảnh chính ở vùng núi Tây Bắc. Công ty Sóng Vàng cũng có kịch bản hình sự Đường hoa lạc bước được HTV đánh giá cao.
Bình luận (0)