xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quảng bá văn học: Xây dựng chân dung quốc gia

Hòa Bình thực hiện

Cần những chiến lược có tầm để cùng nhau giải bài toán quảng bá văn học Việt ra nước ngoài, cũng chính là xây dựng chân dung quốc gia

 

Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài được tổ chức lần thứ 3 (từ ngày 2 đến 7-3) tại Hà Nội với hơn 150 đại biểu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Thiều , Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký Thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật Văn học Việt Nam.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào sau 3 lần tổ chức? Thành quả chúng ta thu lại được là gì so với công sức và tiền của đã bỏ ra?

- Ông Nguyễn Quang Thiều: Hội nghị lần thứ nhất rất thành công ở bước khởi điểm. Sau hội nghị lần thứ hai tới giờ, hoạt động quảng bá văn học đã mở ra rất nhiều. Chúng tôi trao đổi các đoàn nhà văn sang thăm và giao lưu với nhau; in ấn, phát hành tác phẩm của nhà văn Việt Nam với rất nhiều thứ tiếng và cùng các nước bạn trao đổi công tác dịch thuật.

 

Chân dung nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chân dung nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Các tuyển tập văn thơ trong 10 thế kỷ và nhiều tác phẩm nhỏ được kết hợp nhiều thứ tiếng cùng in một lúc. Đặc biệt, các khối nói tiếng Ả Rập và Tây Ban Nha là những khu vực lâu nay thiếu vắng bóng dáng của văn học tiếng Việt.

Nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam sống ở các nơi trên thế giới nhân những dịp như thế này cũng trở về quê hương. Họ đều mong muốn góp phần vào công cuộc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Hiện nay, công việc xúc tiến quảng bá văn học còn thuận lợi hơn nữa vì mới có Trung tâm Dịch thuật Văn học Việt Nam đặt tại Hội Nhà văn Việt Nam. Trung tâm ra mắt từ giữa năm 2014 và đang hoàn thiện tính pháp lý để bắt đầu hoạt động độc lập dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông có cho rằng số tiền tổ chức hội nghị đình đám và tốn kém như thế sẽ không hiệu quả so với việc dùng số tiền ấy đầu tư cho việc dịch thuật tác phẩm văn học và mang nó ra nước ngoài để quảng bá?

- Trước hết, tôi phải nói rằng chưa bao giờ có kinh phí bỏ ra đầu tư cho việc dịch văn học Việt ra nước ngoài. Còn số tiền đầu tư để quảng bá văn học qua mấy hội nghị vừa rồi thực sự là rất ít so với nước ngoài. Các nhà văn, nhà thơ từ nước ngoài tới tự chi trả vé máy bay hoặc do các nước đó chi trả, chúng ta chỉ lo nơi ăn nghỉ và công tác tổ chức.

Việc tổ chức các hoạt động hội nghị để quảng bá văn hóa là bắt buộc phải làm. Đó chỉ là một dấu chấm trên sơ đồ những việc cần phải làm để có thể thực sự xây dựng được chân dung quốc gia.

Tới tham dự những kỳ hội nghị như thế, các đại biểu đều là những nhà chuyên môn nên chính họ sẽ quyết định tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt theo hướng nào và xúc tiến những biện pháp quảng bá văn học Việt sang thứ tiếng của họ.

Đúng là lâu nay, cá nhân nhiều nhà văn, nhà thơ đã nỗ lực mang tác phẩm đến với bạn bè các nước để giới thiệu nhưng xem ra chẳng thấm vào đâu. Điều chúng ta cần là chiến lược quốc gia?

- Trách nhiệm chính của việc này tùy theo từng nước quy định, có thể là bộ văn hóa, có thể là cục văn học, cũng có thể là hội nhà văn thực hiện nhưng theo tôi, phải làm đến tận cùng. Bài học rút ra từ các nước bạn “hàng xóm” của chúng ta,  Hàn Quốc chẳng hạn, là họ cực kỳ nỗ lực và đã rất thành công khi quảng bá hình ảnh văn hóa, văn học nhưng tất nhiên là với con số kinh phí đầu tư cực kỳ lớn.

Tôi cũng không nói rằng tất cả đều phải trông chờ vào “bầu sữa mẹ” nhà nước. Có thể xã hội hóa một phần kinh phí, cũng có thể kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ. Có rất nhiều con đường để chúng ta đẩy nhanh tốc độ quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Lâu nay, nhiều tác phẩm đã được dịch thuật và quảng bá cá nhân lẻ tẻ. Bây giờ, Trung tâm Dịch thuật Văn học Việt Nam sẽ tập hợp lại để quảng bá một cách có hệ thống, đầu tiên là bằng tiếng Anh.

 

Hội nghị quảng bá VH VN ra nước ngoài. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Hội nghị quảng bá VH VN ra nước ngoài. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 

Với quan hệ của chúng tôi, các tạp chí ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Colombia, Malaysia… đều sẵn sàng phối hợp in tác phẩm văn học Việt Nam. Các NXB trên thế giới và NXB ở nhiều trường đại học, như NXB Đại học Massachusetts tại Mỹ chẳng hạn, đều sẵn sàng phối hợp in ấn tác phẩm văn học Việt Nam.

Thế nhưng, không thể cái gì cũng đi xin hoặc đi vay. Cũng đừng nói đến chuyện Trung tâm Dịch thuật Việt Nam phải tự hạch toán. Chuyện đó rất… buồn cười vì ai cũng biết văn chương không phải là món hàng. Hơn nữa, đã nghĩ đến chuyện kinh doanh hàng hóa thì bộ mặt và nội dung của nó lại khác đi rồi. Đây là câu chuyện quảng bá văn hóa, nói chính xác hơn là dựng lên chân dung của một quốc gia, một dân tộc. Cho nên, hãy xác định rằng để có thể tạo ra được chiến dịch đó, rất cần nhà nước phải hỗ trợ.

Hầu như các hoạt động hiện tại mới dành để quảng bá thành tựu văn học Việt Nam những thời kỳ trước. Còn hiện nay, ông có thấy chúng ta đang thiếu những tác phẩm văn học xứng tầm thời đại để có thể đến gần hơn với bạn đọc trên thế giới?

- Nền văn học cổ điển với những tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… đã được giới thiệu rất tốt. Văn học chiến tranh cũng đã được quảng bá khá nhiều. Đã gọi là chiến lược quảng bá thì đầu tiên phải giới thiệu các tác phẩm cổ điển trước.

Còn bây giờ, đúng là thời của các tác phẩm đương đại. Lâu nay, người nước ngoài cũng thường xuyên đặt câu hỏi về nền văn học đương đại với hơi thở thời đại của Việt Nam đang như thế nào? Các kỳ hội nghị và các hoạt động giao lưu trên thế giới đều có nhà văn trẻ Việt Nam tham dự nhưng chưa thực sự khẳng định được gương mặt văn học đương đại. Tôi hy vọng là khoảng 10 năm nữa, các chủ nhân của thế hệ văn học đương đại sẽ đủ tầm để tiếp quản công việc này.

 

Đào tạo tài năng

Theo nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, khởi đầu của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam rất tốt nhưng đáng tiếc là nhiều tài năng bị thui chột.

“Chúng tôi rất muốn tạo điều kiện cho những gương mặt trẻ tiếp cận với các trung tâm và hoạt động văn học trên thế giới để họ được học các khóa học chuyên nghiệp nhất. Ở Mỹ, hầu như các trường đại học đều có khoa viết văn và họ săn tìm những gương mặt trẻ có tiềm năng tỏa sáng để mời tới đào tạo, giao lưu, tham dự các hoạt động văn học. Việc này quốc gia nào cũng phải làm bền bỉ khoảng 20-30 năm liền mới đạt tới thành công” - ông Nguyễn Quang Thiều nhìn nhận.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo