Phóng viên: Sau gần 10 năm rời quê hương, bất ngờ tái xuất trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận bằng vai diễn trong vở Yêu giờ chót (tác giả: Thái Sơn, đạo diễn: Quốc Thảo), cảm xúc của anh hiện thế nào?
- Nghệ sĩ Quốc Thảo: Cảm giác đó rất khó diễn tả! Một tâm trạng mà chính tôi còn bất ngờ. Trước đó, khi nhận lời mời của NSND Hồng Vân tham gia một số vở tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận, tôi còn băn khoăn, lo lắng khán giả không nhớ mình. Thế nhưng, qua vở Yêu giờ chót cũng như vai diễn doanh nhân Huỳnh Hải Phong của tôi trong đó, tôi nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả và thấy mình không còn phải lo nghĩ nhiều. Điều làm tôi hạnh phúc hơn cả là tình cảm của đồng nghiệp, những bạn bè chí cốt đã động viên, tạo mọi điều kiện để tôi tiếp tục theo nghề.
Anh có từng nghĩ quyết định rời quê hương của mình là liều lĩnh và hối tiếc?
- Tôi thừa nhận mình táo bạo và liều lĩnh khi quyết định rời quê hương. Tôi đã từ bỏ nơi cho mình công việc ổn định với tiếng tăm, tình cảm của công chúng cũng như niềm đam mê vô bờ với sàn diễn để ra đi. Nhưng thực sự tôi không hối tiếc vì đây là khoảng thời gian không ngừng bổ sung kiến thức cho bản thân về nhiều lĩnh vực.
Trong suốt 10 năm sống nơi đất khách quê người, không làm nghề, anh đã học hỏi, bổ sung điều gì cho bản thân?
- Trên đất Mỹ, tôi tránh mọi hoạt động nghệ thuật của cộng đồng người Việt để dành thời gian xem nhiều chương trình nghệ thuật của các nước, trong đó chủ yếu là chương trình của các đạo diễn Mỹ. Tôi được mời tham gia làm một số chương trình kịch tại Chicago, để qua đó học hỏi, đúc kết thêm kinh nghiệm cho bản thân. Tuy rời sàn diễn trong nước 10 năm nhưng tôi không để tâm hồn mình bị gián đoạn và chưa bao giờ nghĩ đoạn tuyệt với nghệ thuật. Tôi không bỏ lỡ cơ hội đi và tìm hiểu, trải nghiệm, đúc kết cái hay của xứ người để tìm cách chuyển hóa, vận dụng cho sân khấu xứ mình. Tôi ví von cuộc quay về của mình giống như nhân vật trong vở Yêu giờ chót vậy, cứ mãi đi tìm đâu đâu rồi vẫn phải quay về. Tôi tự ra đi, tự quay về và không có gì là muộn.
Vì sao nghệ sĩ Quốc Thảo lại không tham gia diễn kịch với cộng đồng nghệ sĩ hải ngoại và với anh, nhu cầu xem kịch của khán giả kiều bào có thực không?
- Như đã nói, tôi muốn tránh xa môi trường nghệ thuật của cộng đồng người Việt để tìm chất liệu mới ở các sân khấu kịch của Mỹ. Có một vài lần đồng nghiệp ở hải ngoại mời tham gia nhưng tôi không nghĩ sẽ làm tốt. Bởi đa phần, nghệ sĩ ở đó đều làm tại các hãng xưởng, đến cuối tuần mới có thời gian tập dượt. Thậm chí, một vài người ở xa phải tập dượt qua màn hình các thiết bị điện tử. Hẳn nhiên, kiểu tập như thế hiệu quả khó có thể cao.
Nhu cầu xem kịch của kiều bào là có thực, họ cần những vở diễn chuyển thể từ văn học đạt chất lượng. Nghệ sĩ trong nước sang tham gia biểu diễn góp phần thổi thêm luồng sinh khí mới, nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ kiều bào.
Hành trang anh mang theo trong lần trở về quê hương là gì?
- Trước hết, hãy cho tôi nói lên một nỗi buồn không của riêng tôi! Sàn diễn ở các sân khấu kịch trong nước 10 năm qua vẫn cũ kỹ như thế. Trong khi tôi và một số nghệ sĩ có dịp tiếp cận với sân khấu thế giới, họ đã tiến rất xa.
Bên Mỹ, khán giả xem phim ở rạp có thể mua mức vé thấp chứ còn bước chân vào nhà hát phải mua vé từ 150-300 USD để xem một vở nhạc kịch. Khán giả đến nhà hát phải ăn mặc lịch sự. Tôi khao khát những công trình làm mới sàn diễn và nâng tầm thưởng thức của khán giả. Nhưng không lẽ cứ để câu “lực bất tòng tâm” lặp lại mãi? Vậy thì bằng cá nhân mình, những gì đã học hỏi ở xứ người và có thể làm được, tôi muốn tham gia với đồng nghiệp để ứng dụng cho nghề.
Cụ thể đó là những thay đổi gì?
- Tôi đang hào hứng lắm với bản dựng Người đàn bà uống rượu, kịch bản Hữu Ước và sẽ đạo diễn cho các diễn viên trẻ sắp tốt nghiệp khóa đào tạo diễn viên của Sân khấu Kịch Hồng Vân. Tôi muốn các bạn trẻ làm quen với cách dàn dựng của đạo diễn Mỹ. Họ xem trọng cách làm việc quanh bàn tròn trước khi lên sàn tập, đồng thời để diễn viên tự xung phong nhận vai. Qua những buổi thảo luận và thể nghiệm của chính họ với đồng nghiệp, đạo diễn sẽ là người quyết định. Cách làm đó không áp đặt, không ép buộc mà để diễn viên bay bổng với sáng tạo của mình.
Đi nhiều, anh có định đem những chất liệu đó để sáng tác kịch bản?
- Có chứ, tôi vẫn trải lòng mình trên những trang viết. Có khi chỉ vài câu thoại, đối đáp hay chợt nghĩ ra, tôi viết lại rồi cất giữ. Lúc nào cần, tôi sẽ lôi chúng ra và thổi vào câu chuyện kịch. Đề tài xa xứ, yêu quê, nhớ nghề nghiệp truyền thống và cách dạy con đạo lý, nhân nghĩa của người Việt, văn hóa Việt cứ ngồn ngộn trước mắt tôi trong 10 năm qua.
Chưa thể nói đến kế hoạch của chuyến về nước này vì trước mắt, tôi phải dàn dựng xong cho lễ tốt nghiệp của diễn viên trẻ. Sau đó, tôi sẽ tiếp tục tính đến những dự án mới cho cuộc quay về này. Hy vọng khán giả sẽ luôn ủng hộ sân khấu kịch nói và cổ vũ các diễn viên trẻ.
Từng 2 lần đoạt Giải Mai Vàng
Nghệ sĩ Quốc Thảo tốt nghiệp đạo diễn khóa 8 tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM). Thời còn là nghệ sĩ trẻ, anh nổi tiếng với các vai chính kịch trong các vở: Đoạn đầu đài, Số phận trớ trêu, Người đàn bà đức hạnh, Đèn lồng đỏ cao cao… Về vai trò đạo diễn, anh dàn dựng thành công và tạo dấu ấn đậm nét qua các tác phẩm: Nắng chiều, Tám người đàn bà, Vàng hay bạc nhái (Sân khấu Kịch IDECAF), Bản chúc thư (Sân khấu Kịch Phú Nhuận)… Anh còn tham gia nhiều vai chính trong các phim: Viên ngọc Côn Sơn (đạo diễn: Lê Văn Duy), Lưỡi dao (đạo diễn: Lê Hoàng)… Nghệ sĩ Quốc Thảo từng đoạt 2 giải Mai Vàng: Lần VI năm 2000 với vai trò đạo diễn vở kịch Yêu thầy (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM) và lần VIII năm 2002 với vai trò đạo diễn vở Đêm tình yêu (tác giả: Trường Sơn, do HTV sản xuất).
Bình luận (0)