Mùa Tết mang về doanh thu cao cho các sàn diễn sân khấu tại TP HCM. Đây cũng là tín hiệu tốt cho các nhà chuyên môn, chủ sàn diễn, nhà quản lý có thêm cơ sở hoạch định, đầu tư kinh doanh sân khấu trong năm nay.
Không chạy theo xu hướng
Kịch mục sẽ phong phú; đề tài, thể loại kịch sẽ đa dạng hơn trên các sàn diễn. Đó là nhận định chung của các nhà chuyên môn khi thị hiếu xem kịch của khán giả trở nên cân bằng trong mùa Tết vừa qua. Trước đây, kịch Tết chỉ khai thác những kịch bản hài để mang lại tiếng cười cho khán giả trong những ngày đầu năm. Nhưng nay, ngoài các đề tài mang tính giải trí, những vở bi kịch cũng ngập tràn khán giả.
Theo tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhu cầu giải trí đơn thuần của khán giả yêu kịch là có thật. Nhưng những gì rộ lên thời gian qua chỉ là tức thời, chạy theo thị hiếu khán giả của một số sàn diễn. “Tinh thần yêu nước và bày tỏ thái độ của tuổi trẻ hôm nay trước những vấn đề về chủ quyền biển đảo cũng đã bắt đầu thôi thúc họ đến với những vở diễn khai thác đề tài lịch sử” - ông Hạnh nhận định.
Thực tế, Linh vật hoàng triều của Sân khấu Kịch IDECAF đã trở thành vở diễn đề tài lịch sử ăn khách trong mùa Tết vừa qua.
Kịch lịch sử sẽ được quan tâm
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF, cho biết trước khi dựng vở Linh vật hoàng triều, Sân khấu Kịch IDECAF đã từng dàn dựng các vở lịch sử và được khán giả đón nhận, như: Bí mật vườn lệ chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh Triều Lê (cả 3 vở diễn đều đoạt Giải Mai Vàng vở diễn sân khấu được yêu thích nhất - PV)… “Năm 2014, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư dàn dựng thêm 2 tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử nữa” - ông Tuấn nói.
Ông Lê Duy Hạnh cho rằng đề tài lịch sử từ sàn diễn kịch cho đến cải lương sẽ có thêm nhiều tác phẩm mới khi có sự định hướng và chiến lược dàn dựng những tác phẩm đỉnh cao.
Đạo diễn Hoa Hạ, người rất tâm huyết với các vở diễn đề tài lịch sử, nói: “Muốn có vở diễn đỉnh cao, đã đến lúc nhà nước phải đầu tư vì hiện nay không có nhà đầu tư nào dám đổ tiền vào làm cải lương. Thực tế, vở Hoàng đế Quang Trung với dự án 2,5 tỉ đồng dự định sẽ được Hội Sân khấu TP HCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Đài Truyền hình TP HCM phối hợp tổ chức đã không thể thực hiện khi không vận động được tài trợ”.
Cơ hội của cải lương?
Trong một vài năm gần đây, xu hướng trình diễn nghệ thuật cải lương chú trọng phần nhìn hơn nghe. Vì vậy, tình trạng hát nhép, hát theo nhạc thu sẵn đã trở nên phổ biến trên các sân khấu trình diễn nghệ thuật cải lương, kể cả trong rất nhiều chương trình trực tiếp (live show) của các nghệ sĩ tên tuổi lớn.
Đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá băn khoăn: “Hát nhép đã giết chết cảm xúc của công chúng khi đến xem các live show cải lương. Ở đó không còn sự mượt mà, trau chuốt của lời ca sao cho rót vào tim người mộ điệu và ngón đờn của người nhạc sĩ trong đĩa nhạc thu sẵn không có sự hòa quyện với cảm xúc người nghe. Thật đáng tiếc!”.
Theo đạo diễn - NSƯT Hữu Lộc, khi UNESCO đã công nhận Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì năm 2014, âm nhạc cải lương phải được xem là nền tảng để tạo nên không gian nghệ thuật cải lương.
Trong bối cảnh hôm nay, sân khấu cải lương là loại hình kịch hát dân tộc hội đủ những điều kiện để xem xét mối quan hệ giữa giữ gìn bản sắc và phát triển theo đời sống hiện đại. “Năm 2014, bên cạnh việc sàn diễn cải lương sẽ đầu tư các vở thuộc đề tài lịch sử, việc trả lại đúng vị trí trung tâm cho dàn cổ nhạc trên các sàn diễn cải lương là yếu tố quyết định sự thành công” - ông Lê Duy Hạnh nhận định.
Truyền hình giải trí vẫn tiếp tục ảnh hưởng
Theo nhận định của NSND Phạm Thị Thành, chương trình truyền hình thực tế “thống trị” đời sống giải trí sẽ ít nhiều gây khó khăn cho các sàn diễn sân khấu. “Tình trạng tiếp tục bùng nổ các chương trình truyền hình thực tế trong thời gian tới đồng nghĩa với việc huy động lực lượng lớn nghệ sĩ, danh hài, diễn viên sân khấu hàng đầu trong Nam, ngoài Bắc tham gia. Điều đó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc đầu tư những vai diễn chất lượng trên các sàn diễn sân khấu chính thống”.
Bình luận (0)