Nhiều sân khấu kịch xã hội hóa ở TP HCM đang đứng trước nguy cơ đóng cửa, một số khác sống trong tình trạng thoi thóp, xoay trở mọi cách để tồn tại. Thực trạng này khiến nhiều nghệ sĩ tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này phải gác lại niềm đam mê để chạy theo chuyện “cơm áo, gạo tiền”.
Duy trì trong vô vọng
NSND Hồng Vân cho biết Sân khấu Kịch Superbowl có khả năng đóng cửa vì giá thuê mặt bằng tăng vọt trong khi lượng vé bán ra ngày càng giảm.
Đồng cảnh ngộ, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu giải trí Thái Dương, cho biết: Nhiều năm qua, công ty sống nhờ chương trình Ngày xửa ngày xưa, lấy lãi từ chương trình này bù vào phần lỗ cho các thể loại kịch khác. Công ty chỉ ký hợp đồng biểu diễn chứ không dám đầu tư để tập vì chi phí nhiều. Hầu hết các vở đều tập tại Nhà hát Nón Lá - Cung Văn hóa Lao động TP HCM - nơi giá thuê mặt bằng tương đối mềm. Các sân khấu xã hội hóa hiện phải tự lo nuôi sống mình. “Nhiều năm qua, chúng tôi mong chờ sự đầu tư của nhà nước dành cho khối biểu diễn, trong đó có kịch nói xã hội hóa nhưng vô vọng” - ông Tuấn nói.
Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh chuyên khai thác đề tài kịch tâm lý gia đình, lượng khán giả hạn chế nên 2 năm qua, bộ ba: Bảo Anh, Thành Hội, Ái Như phải “gồng mình” bù lỗ. Có dư luận cho rằng cuối năm nay, một trong bộ ba này sẽ rút vốn nhưng NSƯT Thành Hội bác bỏ thông tin: “Tính đến ngày Lễ Tình nhân 2014, chúng tôi sẽ tròn 4 tuổi, đã cùng nhau đi được một chặng đường nên rất khó từ bỏ. Chúng tôi vẫn động viên nhau cố vượt qua năm nay”.
Sự khó khăn lan sang cả sân khấu hài. Sân khấu Nụ Cười Mới trong những suất không có “cặp đôi vàng” Hoài Linh - Chí Tài cũng chật vật trong việc bán vé. Nhiều suất diễn phải trả vé vì vắng khán giả. Để có thể tồn tại, sân khấu này tự cứu mình bằng cách giảm đến mức thấp nhất việc đầu tư kinh phí dàn dựng vở mới. “Chúng tôi tận dụng lại cảnh trí cũ, tái sử dụng đạo cụ, phong màn, bục bệ, làm mọi cách giảm chi phí để tự cứu lấy “ngôi nhà” của mình” - Vũ Văn Long tâm sự. Anh cũng cho biết hiện việc tái diễn những chương trình nhỏ của Hoài Linh, Chí Tài là một cách cứu nguy khi các vở kịch dài theo chủ đề bi hài đã không còn đông khán giả. Hầu hết các sàn diễn đều khó khăn và họ phải chọn phương thức tối ưu là chạy theo thị hiếu chứ không còn hết lòng cho những đam mê.
Còn tâm trí đâu mà thăng hoa
Đi ra từ sàn diễn Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM (5B Võ Văn Tần), bằng đam mê làm nghề, nhiều ngôi sao mà giới chuyên môn đánh giá là “thế hệ vàng” của kịch nói miền Nam sau năm 1975 đã làm sân khấu kịch xã hội hóa ở TP HCM nở nồi.
Nhưng rồi, như lời của NSND Hồng Vân, chuyện “cơm áo, gạo tiền” khiến những nghệ sĩ như chị quên mất ý nghĩa tốt đẹp ban đầu khi ra riêng để gầy dựng cơ ngơi. Mỗi sáng thức dậy là phải nghĩ đến việc tạo doanh thu để duy trì hoạt động của 2 sàn diễn. Nhiều năm qua, NSND Hồng Vân phải lấy tiền lãi từ nhà hàng Ngã Ba Sông bù lỗ cho 2 sàn diễn của mình. “Bị cho là nơi xuất phát kịch ma, kịch kinh dị “câu khách” nhưng chính thể loại này lại giúp chúng tôi kéo khán giả đến rạp. Sân khấu Kịch Superbowl không vở nào thiếu yếu tố kinh dị mà sống thọ. Chúng tôi thay phiên nhau diễn suốt các vở Người vợ ma, Quả tim máu, Căn hộ 404… nhưng vẫn có khán giả. Nếu làm đúng với đam mê, dựng chính kịch dựa theo tác phẩm văn học như chiến lược của Sân khấu Kịch Phú Nhuận, chúng tôi không thể “nuôi” đội ngũ gần 100 người” - “bà bầu” Hồng Vân tâm sự.
Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng chuyện doanh thu đang đè nặng, khống chế những thăng hoa, sáng tạo của người nghệ sĩ. Mỗi năm họp mặt để hoạch định chiến lược, ông và đồng nghiệp không dám nghĩ đến việc dàn dựng các tác phẩm đỉnh cao vì chi phí tăng chóng mặt. Những năm trước, một vở lớn cần khoảng 500 triệu đồng, năm nay con số không dưới 1 tỉ đồng.
Nghệ sĩ Hoài Linh cũng cảm thán rằng anh và đồng nghiệp mê dàn dựng những vở bi hài kịch, có số phận, tính cách chứ không phải kiểu chọc cười vô tội vạ. Thế nhưng, khán giả xem thể loại này thưa dần, họ chỉ muốn được cười đơn thuần. Muốn tồn tại, sân khấu buộc phải chiều theo khán giả.
Thiếu nhà đầu tư Nói về dự án xây dựng mặt bằng số 5B Võ Văn Tần (quận 1, TP HCM) thành nhà hát có nhiều khán phòng để các sân khấu xã hội hóa hội tụ, được nhà nước cho thuê giá rẻ, ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, tâm sự: “Đến nay, hầu như chỉ có những doanh nghiệp tâm huyết với sân khấu mới nhảy vào đầu tư cho việc xây dựng rạp”. Theo ông Hạnh, sân khấu kịch không hấp dẫn so với các loại hình giải trí khác. TP HCM có hơn 10 triệu dân mà mỗi năm các điểm diễn của sân khấu xã hội hóa đón khoảng hơn 10.000 khán giả. Thị trường nhỏ nên chẳng nhà đầu tư nào bỏ tiền xây rạp. Đó là lý do khiến việc xây dựng mặt bằng này vẫn còn nằm trên bàn giấy. |
Bình luận (0)