Thêm một tin buồn đối với giới sân khấu khi các nghệ sĩ đồng nghiệp vừa tiễn biệt NS Long Hải, đã tiếp tục tiếc thương NS Tám Lang. Ông tên thật Phạm Văn Lang, sinh năm 1922 tại Sài Gòn. Tang lễ tổ chức tại Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TPHCM (314/65 Âu Dương Lân. p3, quận 8.TPHCM)
Lễ động quan lúc 12 giờ ngày 23-11-2016, sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Đa Phước, Bình Chánh.
Nghệ sĩ Tám Lang là trưởng ban nhạc nổi tiếng Sài Gòn mang tên Đại Nam, từng đưa đoàn đi lưu diễn tại Philippin, Lào, Campuchia. Ông là em ruột của nghệ sĩ Kim Thoa (một cô đào chánh cùng thời với NSND Phùng Há). Bà Kim Thoa tài sắc vẹn toàn, sau này có chồng là bác sĩ ở Trà Vinh, lập đoàn hát và cho em trai học đánh trống. Bà Kim Thoa là mẹ ruột của tay trống Huỳnh Hiếu – người được phong danh hiệu Đệ nhất trống Đông Dương.
NS Huỳnh Hiếu luôn xem cậu mình – NS Tám Lang là thầy, đã dìu dắt, truyền đạt kinh nghiệm và tinh thần rèn luyện nghệ thuật đánh trống để ông nổi danh. Sau khi không còn làm trưởng ban nhạc Đại Nam, NS Tám Lang về phụ trách ban nhạc cổ của đoàn cải lương Kim Thoa. Ông phụ trách luôn công việc ngoại vụ của đoàn. Sau 1975, NS Tám Lang được bầu làm phó đoàn cải lương Phước Chung, rồi trưởng đoàn cải lương này cho đến ngày đoàn ngưng hoạt động.
Một thế hệ nghệ sĩ nhờ ơn của ông mà gắn kết làm nghề một cách nghiêm túc, có được nhiều vở diễn, vai diễn xuất sắc một thời phải kể đến: Bảo Linh, Bảo Anh, Kiều Phượng Loan, Mỹ Chi…Dưới sự huấn luyện và quán xuyến đoàn hát của ông, những nơi đoàn Phước Chung đến lưu diễn đều thu hút đông khán giả.
“Chú Tám Lang hết lòng vì đàn em. Lúc đoàn gặp nhiều khó khăn, chú bán những tư trang quý của đoàn để mua gạo cho anh chị em trong đoàn ăn. Nghĩa cử của chú nghệ sĩ chúng tôi không quên” – NS Kiều Phượng Loan tâm sự.
Với NSƯT Nam Hùng, ông nhìn nhận NS Tám Lang là một người đầy nhiệt huyết. Sáng tạo độc đáo nhiều kiểu đánh trống thu hút khán giả. “Ông là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ khi đã lao vào sáng tạo nghệ thuật thì hết lòng và đầy đam mê” – NSƯT Nam Hùng chia sẻ.
NSƯT Diệu Hiền tâm sự: “Mỗi khi các diễn viên trẻ của CLB Sân khấu Lạc Long Quân đến biểu diễn tại Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TPHCM, ông đều có mặt, ngồi xem và cổ vũ cho các em. Lúc nào ông cũng tươi cười, hồn nhiên và luôn dặn dò các bạn trẻ hãy yêu nghề một cách đúng nghĩa. Với ông đã theo nghề thì phải có sự khao khát, liều lĩnh như ông đã từng nắm ban nhạc đưa đi lưu diễn các nước khi mới tròn 20 tuổi”.
Vĩnh biệt nghệ sĩ Tám Lang – nhớ mãi nụ cười nhân hậu của ông mỗi khi chúng tôi đến thăm các nghệ sĩ tại Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TPHCM. Ông vào ngôi nhà chung này 15 năm, dù tuổi già sức yếu nhưng khi nơi này tổ chức biểu diễn văn nghệ ông lại xung phong lên hát. Ông đã từng nói: “Sức bây giờ không thể đánh trống, thì mình góp vui bằng giọng hát”.
Bình luận (0)