“Lục ngôn tứ tuyệt”?
Với 44 năm làm công tác nghiên cứu ở Viện Văn học, chủ trì nhiều công trình văn học cổ điển Việt Nam mà nổi bật nhất là bộ Thơ văn Lý - Trần 4 tập hết sức đồ sộ và công phu được giới nghiên cứu văn học trong nước và ngoài nước đánh giá rất cao, nhưng rồi chính GS Nguyễn Huệ Chi cũng phải lên tiếng về vấn đề bản quyền. Theo GS Huệ Chi, trong chuyến công tác ở TPHCM mới đây, lần đầu tiên ông mới thấy được tập thơ Nhật ký trong tù (do Nhà Xuất bản (NXB) Đà Nẵng in và nộp lưu chiểu vào tháng 5-2002) từ trong một hiệu sách, dù ngay trang 1 đã ghi tên ông là người chủ trì bản dịch bổ sung và chỉnh lý trọn vẹn. “Chủ trì trọn vẹn” mà hơn 1 năm nay GS Chi không hề được ai hỏi ý kiến khi họ cho tái bản tập thơ này. Đáng chú ý là ở lần tái bản này tập sách đã có một số sai sót rất nghiêm trọng, chẳng hạn như ở bài Khai quyển (trang 9 sách đã dẫn) trong phần nguyên tác chữ Hán đã thiếu 4 chữ thứ 7 của mỗi câu: thi (câu 1), vi (câu 2), nhật (câu 3) và thì (câu 4). GS Huệ Chi nói: “Một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt thành ra lục ngôn, chẳng ra sao cả! Ngoài quyển sách trên, tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh (nộp lưu chiểu vào quý I/2003) do NXB Văn học ấn hành, tôi cũng không hề được thông báo gì cả về việc tái bản này cũng có những lỗi sai hoàn toàn giống lỗi sai trong bài Khai quyển (trang 7) của sách do NXB Đà Nẵng ấn hành. Theo tôi, 2 NXB trên đã tổ chức in ấn rất cẩu thả!”.
Nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm
Trước việc làm tắc trách trên, PGS - TS Trần Hữu Tá bức xúc: “In ấn cẩu thả, không hề xin phép người có tác quyền khi tái bản sách là một việc làm sai trái trong hệ thống những việc làm sai trái của chuyện xuất bản hiện nay. Dư luận đã kêu ca rất nhiều lần, thậm chí rất phẫn nộ về việc này... Chỉ riêng thiếu 4 chữ trong bài thơ Khai quyển mà GS Nguyễn Huệ Chi đã nêu ở trên bản in cũng đáng bị hủy bỏ rồi. Ngoài ra, việc làm của 2 NXB Đà Nẵng và Văn học nêu trên là sai pháp luật. Quyển sách ghi rất rõ “Nguyễn Huệ Chi chủ trì bản dịch bổ sung và chỉnh lý trọn vẹn”, vậy mà người chịu trách nhiệm như GS Chi không được biết. Tác giả là nhà thơ Hồ Chí Minh, nhưng người chủ trì dịch là GS Chi thì phải hỏi GS Chi mới đúng luật chứ! GS Chi đòi hỏi có sự nghiêm túc trong xuất bản, sự công bằng thỏa đáng về phương diện luật pháp; cho nên đây cũng là thêm một dẫn chứng nữa để chúng ta phải nhanh chóng có một bộ luật bảo hộ tác quyền để chấn chỉnh tình hình lộn xộn về xuất bản hiện nay. Tôi đề nghị Báo Thanh niên giúp GS Chi và cũng là cả giới chúng tôi lên tiếng sự việc cụ thể này trong việc tái bản tập thơ Nhật ký trong tù, 2 NXB Đà Nẵng và Văn học phải có tiếng nói trả lời chính thức, có lời xin lỗi. Việc này không được để im lặng!.
Bình luận (0)