Bạn tôi từ Mỹ về Sài Gòn thăm gia đình, mới trở qua bên đó vài bữa đã than nhớ Sài Gòn quá. Nhưng nỗi nhớ của bạn kèm với nỗi lo cho gia đình người thân, bạn bè đang sống ở Sài Gòn với những thân quen êm ái cũ cùng những bất an hiện hữu mỗi ngày: cướp giật, giết người, lừa đảo… Tôi ra công tác Hà Nội, bạn bè cũng hỏi: Sao dạo này Sài Gòn ghê vậy? Cứ đi ra đường là được dặn phải cho túi vào cốp xe, không nghe điện thoại, chạy xe coi chừng có ai chạy theo thì hãy rẽ ngay vào hàng quán mà ngồi tránh… Hình như Sài Gòn ngày càng vô cảm, chuyện nhà ai nấy biết?
Yêu thương đong đầy
Là một đô thị lớn nhất nước, Sài Gòn cũng là nơi chứa đựng trong nó sự đa dạng và phức tạp nhất nước, bởi nguồn gốc thị dân và sự biến động dân cư diễn ra hằng ngày, bởi ngành nghề và những cách kiếm sống của người dân nơi đây…
Ở nông thôn, đơn vị tụ cư chính là làng nông nghiệp, con người trước hết sống trong gia đình, sau đó mở rộng ra dòng họ, rồi xóm giềng; tiếp theo là làng xã; sau cùng mới ra xã hội. Giao tiếp ở nông thôn dựa trên cơ sở biết rõ về nhân thân của nhau, phần lớn người ta có quan hệ huyết thống hoặc thân sơ dưới nhiều hình thức, do đó quan hệ xã hội ở nông thôn khá “kín”.
Ở đô thị không như vậy. Những khái niệm như họ hàng, láng giềng… không có nhiều ý nghĩa như ở nông thôn. Môi trường đô thị tuy chật hẹp về không gian nhưng đông đúc về mật độ và các mối quan hệ xã hội thì rất “mở” vì người ta hầu như không biết nhân thân của nhau. Điều này đã tạo nên sự khác biệt là người thị thành quan hệ với nhau trong vai trò, bổn phận xã hội mà họ đang đảm nhận. Họ cư xử dựa trên luật lệ, quy tắc hoặc những mối quan tâm chung. Từ đó, những biểu hiện tình cảm, trách nhiệm giữa cư dân đô thị cũng có sự khác biệt.
Ở Sài Gòn, những “người dưng” liên hệ với nhau bằng sự phân công xã hội mỗi người một ngành nghề. Trong công chuyện làm ăn, thỏa thuận được thì tiến hành mà không thì chia tay, vui vẻ hẹn lần khác. Đã nhận lời thì làm “chết bỏ”, không cò kè một hai. Sự “sòng phẳng” và chữ tín trong công việc chính là thể hiện trách nhiệm với nhau, có vậy thì quan hệ mới lâu dài.
Không hề dửng dưng
Có khi trong một tổ dân phố hay cùng một chung cư, người ta sống cạnh nhau hàng năm trời “lạnh lùng” không trò chuyện, thậm chí không biết nhiều về nhau nhưng khi hữu sự thì mọi người đều chung tay giải quyết. Đi trên đường phố thỉnh thoảng nghe những câu nhắc nhở “chân chống kìa anh ơi”, “tắt đèn xi-nhan chị ơi”, “cháu nhỏ rớt dép kìa”, “coi chừng dây thun quấn bánh xe”… Người nhắc phóng xe đi không đợi lời cảm ơn, người được nhắc giật mình xem lại và vội nói với theo câu cảm ơn. Thấy người với người đâu có dửng dưng!
Có lần, tôi chạy xe giữa trưa nắng như nung. Dừng đèn đỏ ở ngã tư, một anh cởi trần mình xăm trổ chằng chịt đang đứng nép vào bóng râm của cái cây nhỏ xíu. Nhìn qua kiếng chiếu hậu thấy phía sau có chị kia chở con nhỏ, thế là anh lách ra ngoài nắng, nhường chỗ mát cho hai mẹ con xích vô. Trời Sài Gòn bỗng dịu mát hơn…
Trên Facebook thỉnh thoảng có tấm hình về một bà già đơn chiếc bán bánh trái, một em bé đánh giày cơ nhỡ, một hoàn cảnh khó khăn… Lập tức được chia sẻ và nhiều người tìm đến giúp đỡ bằng cách mua giùm hay “của ít lòng nhiều” san sẻ. Và còn đó hàng ngàn bình nước miễn phí trong những ngày nắng nóng, hàng chục quán cơm từ thiện trên đường phố hay trong các bệnh viện… Ai đã qua được cơn ngặt nghèo rồi thì nhường suất cơm tình nghĩa đó cho người khác “ngặt hơn mình”… Cứ như vậy, những bữa cơm “Thạch Sanh” mỗi ngày được nhân lên, tất cả đều từ sự đóng góp và nhường nhịn của “bá tánh”.
Vào mùa thi đại học, ở Sài Gòn có hàng ngàn nhà trọ miễn phí, giá rẻ cho thí sinh và người nhà từ các tỉnh về trú ngụ; cũng có hàng trăm quán cơm, xe bánh mì, xe hủ tiếu sẵn sàng không lấy tiền bữa ăn của phụ huynh hay thí sinh nghèo.
Những “chuyện nhỏ Sài Gòn” (như tên một cuốn sách nổi tiếng) diễn ra hằng ngày, quen thuộc đến nỗi báo lá cải đầy rẫy ở thành phố này không coi đó là chuyện “giật gân” để câu khách như là chuyện cướp giật, lừa đảo.
Đêm đã khuya mà trên Facebook của bạn tôi lại vừa hiện lên một thông tin về nông dân miền Tây trồng chanh được mùa nhưng lại bị thương lái Trung Quốc ép giá mua quá rẻ, dưới 2.000 đồng/kg. Để hỗ trợ nông dân, một nhóm bạn đã thu mua trực tiếp với giá 5.000 đồng/kg và giá bán lại cũng 5.000 đồng/kg, kêu gọi bạn bè ở Sài Gòn đến mấy địa chỉ mua ủng hộ. Chỉ trong vài phút đã có hàng chục người “like” và chia sẻ thông tin này. Chắc chắn, chỉ trong ngày mai, mấy tấn chanh sẽ được bán hết!
Bên cạnh những chuyện bất an khiến người ta lo lắng, Sài Gòn còn vô vàn chuyện tử tế để người ta tin rằng nghĩa tình ở Sài Gòn không mất đi đâu, nó sẵn sàng hiện ra từ bất cứ ai và bất cứ lúc nào.
Bình luận (0)