xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trả lại không gian cho đờn ca tài tử

Bài và ảnh: MINH NGA

Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật có môi trường diễn xướng rất phong phú và đa dạng; không phụ thuộc vào các không gian văn hóa hoặc các không gian trình diễn theo mùa vụ nên có thể được chơi ở bất kỳ hoàn cảnh, thời gian nào, miễn người chơi có cảm hứng. Thoát khỏi không gian vốn có, đờn ca tài tử Nam Bộ sẽ bị biến tướng, lai căng.

Trước khi Việt Nam tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO tôn vinh đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, GS-TS Trần Văn Khê đã có ý lo ngại về sự biến tướng của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này và ông kêu gọi hãy trả lại không gian vốn có cho ĐCTT Nam Bộ. Theo ThS - nhạc sĩ Huỳnh Khải, không gian được hiểu nôm na là “chỗ chơi”; đã là “chỗ chơi” thì muốn chơi ở đâu cũng được, trong nhà, ngoài sân, ngoài vườn, trên ruộng, dưới ghe…

Mọi lúc mọi nơi

Danh cầm Năm Thê (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) gắn bó với ĐCTT từ lúc còn là cậu bé 15 tuổi. Nay đã ở cái tuổi gần 90 nhưng mỗi lần nhắc lại ký ức thời thơ bé, đôi mắt ông bỗng rực sáng. Ông bảo thời đó, đi đâu cũng nghe tiếng đờn, tiếng hát: trong bụi tre, gốc ổi, ngoài ruộng lúa, bờ ao, dưới ghe thuyền… Nhất là khi kết thúc vụ mùa, đúng dịp trăng rằm, đờn hát giữa cảnh trời trăng mây nước còn gì thú vị hơn. “Mỗi nhà thường có một bộ ván ngựa, người đờn và người hát đều ngồi trên bộ ván ngựa đó, bà con đến xem thường trải chiếu ngồi ngoài sân, vừa thưởng thức tiếng đờn, lời ca vừa uống nước, trò chuyện vui vẻ. Chủ nhà nào có điều kiện, nấu cháo gà thết đãi anh em thì còn gì sung sướng bằng” - ông kể.

Đờn ca tài tử trên sông là một không gian tạo nhiều cảm hứng cho người chơi. (Một cảnh tái hiện ĐCTT trên sông nước). Ảnh: Hữu Thọ
Đờn ca tài tử trên sông là một không gian tạo nhiều cảm hứng cho người chơi. (Một cảnh tái hiện ĐCTT trên sông nước). Ảnh: Hữu Thọ

Những người đờn ca, ban ngày đều là nông dân chân lấm tay bùn nhưng tối đến, họ lại là những “nghệ sĩ” tài hoa. Người đờn say sưa trên phím, người hát thả hồn trong từng lời ca. Trăng lên càng cao, tiếng đờn, lời ca càng đấy cảm xúc. Nghệ sĩ Trọng Hữu nhớ lại: “Hễ gà lên chuồng là bà con kéo nhau đi nghe ĐCTT, xa mấy họ cũng đi. Khi người hát xuống “xề” mùi mẫn thì tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên rộn rã. Người hát càng hăng say, có khi ngẫu hứng sáng tác và hát ngay tại chỗ”. Danh cầm Năm Thê cũng cho biết: “Càng hát, tôi càng ghiền, đến nỗi 1 tháng tôi đi hết 30 ngày. Khi tiếng đờn, lời ca cất lên, con người, thiên nhiên hòa quyện vào nhau, mọi nhọc nhằn mưu sinh thường nhật như tan biến hết. ĐCTT đã cùng với chúng tôi đi qua những thăng trầm của cuộc sống”.

Đờn ca tài tử trên sông cũng là một không gian mang lại cho người chơi nhiều cảm hứng. Trên ghe thuyền của những thương hồ luôn có cây đàn ghi ta hoặc đàn nguyệt. Cuộc sống rày đây mai đó của những con người phóng khoáng, lạc quan không thể không có những giờ phút neo đậu, nghỉ ngơi và mang đờn ra dạo, hát.

Còn với những người xứ Trà Ôn như danh cầm Năm Thê thì ĐCTT gắn với những chiều thong dong trên chiếc xuồng ba lá nhỏ, tròng trành. Ông nhớ có lần, khi đàn hát trên bờ chán chê, bỗng một câu hát từ đâu ngân lên: “Chị tôi như kiếp bông bần/Bốn mùa rơi rụng trắng ngần bến sông!”, thế là ông cùng bạn bè rủ nhau xuống xuồng, rẽ vào những tán bần đờn hát. “Có những đêm trăng nghe giọng ai đó cất lên “mình ên”, không bạn hữu, không người thưởng thức, không nhạc cụ, chỉ có tiếng chèo khua nước nhưng tiếng hát vẫn trầm bổng lạ lùng” - ông nói thêm. Theo nghệ nhân dân gian Tấn Khoa (ngụ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), ĐCTT còn được chơi ở những buổi trưa hè ngoài vườn chuối, gốc mít, bụi tre, ở đám cưới, đám tiệc, những buổi tiễn đưa tân binh, bộ đội…

Đầy tính ngẫu hứng

Không phụ thuộc vào không gian, thời gian nên ĐCTT là loại hình có tính ngẫu hứng cao nhất. Theo GS- TS Trần Văn Khê, người chơi ĐCTT không bao giờ tính trước, không ai nói trước với ai, mỗi khi gặp nhau, có cảm xúc thì mang đờn ra dạo rồi hòa cùng lời ca. Vậy nên người ta nói chơi ĐCTT chứ chẳng ai nói là biểu diễn ĐCTT là vậy.

Vì tính ngẫu hứng ấy mà những buổi ĐCTT không được tổ chức rình rang hay chỉn chu. Ban đầu chỉ một vài người chơi, vài giờ sau số lượng lên đến hàng chục, khán giả kéo đến hàng trăm. Cố nghệ nhân dân gian Bạch Huệ từng nói: “Một người ngồi đờn, người khác đi ngang thấy hay quá ghé vào chơi. Dần dần, ai đi ngang qua họ cũng ngoắt tay rủ vào hoặc vì thấy đờn ca hay quá mà họ tạt vào. Khi đờn ca hợp nhau thì họ ngồi với nhau cả buổi. Như thế mới là một buổi ĐCTT đúng nghĩa”. Nghệ nhân dân gian Tấn Khoa kể rằng có lúc ông ghé qua nhà bạn trao đổi công việc, tự dưng có hứng liền rủ rê: “Ê, mang đờn ra làm vài bản đi!”. Thế là 2 người ngồi ca say sưa, người qua kẻ lại thấy ca hay cũng ghé vào mỗi lúc một đông.

Tính ngẫu hứng còn được thể hiện trong từng cách nhấn nhá, chẻ nhịp, thêm thắt, quăng bắt của người đờn. Tức là người chơi phải luôn sáng tạo, không bao giờ lặp lại nhưng không có nghĩa là đờn sai bài bản. “Cùng một bài bản đó nhưng tùy cảm xúc, sự điêu luyện của người đờn mà hôm nay nghe khác, ngày mai nghe khác. Lúc cao hứng, người chơi luôn phát triển, ngẫu hứng thêm để hay hơn” - nghệ nhân dân gian Tấn Khoa lý giải.

Vậy đó! Trong cảnh sắc thôn quê đơn sơ, bình dị với bờ tre, ruộng lúa, con đò, ánh trăng, người chơi không phân biệt hèn sang, không khách sáo, nề hà. Họ đã gảy lên những cung đàn réo rắt, trầm bổng, những tiếng ca ngọt ngào, đầy cảm xúc làm say đắm lòng người. “ĐCTT là cuộc tao ngộ đầy cảm hứng của khách tri âm, người tri kỷ. Không câu nệ, không hình thức và không khoảng cách, tiếng đờn hòa với tiếng đờn, lời ca quyện với lời ca, họ có thể ứng tác, ứng tấu, sáng tạo liên tục” - GS-TS Trần Văn Khê khẳng định. 

Tiếng đờn là tiếng tơ lòng

Tiếng đờn chứa đựng cả những cung bậc cảm xúc, tình cảm hỷ, nộ, ái, ố… nên với những người biết thưởng thức, chỉ cần nghe tiếng đờn có thể biết tâm trạng người chơi như thế nào. Khi có tâm sự thì tiếng đờn sẽ trầm lắng, tha thiết; khi vui thì tiếng đờn bỗng du dương, réo rắt hơn. Danh cầm Năm Thê cho rằng: “Tiếng đờn xuất phát từ trái tim mới có sức tan tỏa, quyến rũ, say đắm lòng người”. Có lẽ vì vậy mà ai từng một lần nghe tiếng đờn của ông đều thấu hiểu tiếng lòng của một người cả đời đắm say với ĐCTT.

Kỳ tới: Còn đâu chất tài tử?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo