Ngoài bộ phim tình cảm lãng mạn vừa nhận được giải Ban Giám khảo tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 - Và anh sẽ trở lại (đạo diễn: Đinh Tuấn Vũ, ra rạp từ ngày 1-11), phim hài chiếm số lượng áp đảo màn ảnh rộng cuối năm. Nhìn vào danh sách phim ra rạp có thể thấy: Đại náo học đường (đạo diễn: Lê Bảo Trung, công chiếu ngày 15-11), Tèo em (đạo diễn: Charlie Nguyễn) và phim hài Tết: Hai Lúa (đạo diễn: Lê Quang Hưng), Năm sau con lại về (đạo diễn: NSƯT Trần Ngọc Giàu), Cô dâu đại chiến (đạo diễn: Victor Vũ).
Tự tạo dấu ấn
Đạo diễn Vinh Sơn nói phim giải trí cũng là một mảng quan trọng của điện ảnh. Hollywood hoặc những quốc gia có nền tảng điện ảnh lâu đời như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã khẳng định được dấu ấn riêng với thể loại phim hài. Nhưng cái gọi là phim hài của Việt Nam nhiều năm qua lại thường có nội dung “nhảm”, tình tiết khiên cưỡng, khó chấp nhận và kém duyên. Hệ lụy này đã khiến công chúng điện ảnh luôn đón nhận mỗi bộ phim mới trong tâm thế soi mói nhiều hơn là thưởng thức. Bộ phim nào tạo nên sự khác biệt trong dòng chảy chung đều có thể trở thành “điểm sáng” của màn ảnh rộng, Âm mưu giày gót nhọn (đạo diễn: Hàm Trần, vừa công chiếu) là một trong những phim như thế.
Vốn không phải là phim được kỳ vọng, Kathy Uyên cũng chưa phải là một cái tên ăn khách nhưng ra rạp mở màn cho mùa phim cuối năm, Âm mưu giày gót nhọn đã làm nên kỳ tích cho phim hài Việt: Thành công về doanh thu lẫn được giới chuyên môn đánh giá cao về cách thể hiện - điều hiếm thấy ở những bộ phim hài trước đó. Hẳn nhiên, Âm mưu giày gót nhọn cũng chỉ là phim giải trí, nhẹ nhàng nhưng cái được của phim chính là cách xử lý tình huống khéo léo đúng chất hài của Hollywood. Đúng thể loại chick click - phim dành cho nữ giới, như Sex and City đã từng thành công khắp châu Á, theo thông tin chia sẻ từ nhà sản xuất, sau 10 ngày công chiếu, bộ phim này đã đạt được doanh thu ước tính trung bình 1 tỉ đồng/ngày.
Công chiếu “cạnh tranh” cùng thời điểm là bộ phim hài Tiền chùa (đạo diễn: Thiện Đỗ, Hãng phim Chuông Gió sản xuất). Sức hút có thể không bằng Âm mưu giày gót nhọn nhưng Tiền chùa cũng “ăn tiền” của đông đảo khán giả dù cùng thời điểm có các phim ngoại cạnh tranh như: Siêu phẩm 3D Mộ rồng, phim hành động Vượt ngục, phim kinh dị Indicious 2… Tiền chùa vốn không có sức hấp dẫn ban đầu từ tựa phim, quảng bá, đạo diễn cũng là tên tuổi mới, chỉ có Vân Trang - Khương Ngọc ít nhiều tạo niềm tin cho khán giả. Khách quan mà nói, Tiền chùa cũng chỉ dừng lại ở mức một câu chuyện phiếm, được kể theo góc nhìn trào lộng về cuộc sống với nhiều triết lý. Tình huống hài còn dàn trải, cách xoay chuyển, đặt vấn đề và kết thúc vấn đề chưa thật tròn trịa nhưng Tiền chùa là một cách kể lạ của màn ảnh và cách “giới thiệu bản thân” khá ổn của đạo diễn lần đầu tiên làm phim: Thiện Đỗ.
Không thể thiếu Hoài Linh, Thái Hòa?
Một nhà sản xuất sau khi “sở hữu độc quyền” diễn viên được xem là “át chủ bài” Hoài Linh đã tự tin nói rằng chắc chắn phim của họ sẽ “hốt bạc” khi ra rạp. Sự hồ hởi này không phải thiếu cơ sở khi thực tế đã được chứng minh bằng nhiều phim trước đó, đến mức nhiều người trong giới cũng phải thừa nhận phim Tết có Hoài Linh là thắng!
Ăn nên làm ra Phim hài ăn nên làm ra đã lôi kéo nhiều đơn vị sản xuất tham gia. Màn ảnh rộng không chỉ có những “đại gia” quen thuộc như: Thiên Ngân, BHD, Chánh Phương, Saiga film… mà những công ty làm phim truyền hình, đơn vị mới toanh cũng bắt đầu vào cuộc. Mới đây, Hãng phim Xuân Phước bất ngờ trình làng sản phẩm điện ảnh đầu tay Tía ơi! (đạo diễn: Xuân Phước, Sài Gòn Media phát hành - sau 4 năm đơn vị này tạm ngừng phát hành phim). Tía ơi! gây tò mò bởi sự xuất hiện của danh hài Hoài Linh với vai trò diễn viên và đồng sản xuất cùng một dàn diễn viên góp tiếng cười là Hoàng Sơn, Minh Nhí, Hoàng Mập, NSƯT Công Ninh. Nhưng cũng như nhiều sản phẩm phim hài bị so sánh với phim truyền hình, tiểu phẩm kịch nói khác, Tía ơi! dù có thông điệp giàu tính nhân văn cũng không thể được người trong giới công nhận là một bộ phim điện ảnh đúng nghĩa. |
Bình luận (0)