Mùa hè này, nhiều sân khấu nở rộ “trào lưu” đưa tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên sàn kịch phục vụ công chúng, nhất là khán giả tuổi mới lớn. Tên tuổi của nhà văn ăn khách này đã bảo chứng doanh thu cho thị trường phim tại Việt Nam nhưng liệu có bảo chứng được cho doanh thu phòng vé các sân khấu kịch?
Vừa lên phim vừa lên kịch
Mới đây, “Cô gái đến từ hôm qua” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim. Bây giờ, câu chuyện tiếp tục được đưa lên sàn diễn của Nhà hát Kịch TP HCM.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Chánh Trực cho biết khán giả tuổi nhỏ của sân khấu kịch vẫn đang thiếu trầm trọng những món ăn tinh thần như tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - phản ánh được đúng tính chất hồn nhiên, trong trẻo, vẻ đẹp của tuổi thơ nhưng cũng đầy kịch tính với những xung đột sâu sắc.
Đạo diễn Hạnh Thúy, người dàn dựng vở “Cô gái đến từ hôm qua”, bày tỏ: “Tuy chưa từng dựng vở nào từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh nhưng tôi tự tin vào vở diễn lần này, do nhiều yếu tố. Tôi nghĩ quan trọng nhất là tác phẩm được làm mới như thế nào, có những sáng tạo ra sao”.
Hạnh Thúy cũng tin rằng sự ngây thơ, trong sáng trong diễn xuất của diễn viên sẽ lay động trái tim khán giả. “Truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh đã quá thành công rồi nên mình làm thế nào đừng để khán giả thất vọng. Truyện mang màu sắc cổ tích lãng mạn nên chị cố gắng giữ được tính văn học của nó, sự trong trẻo của tuổi mới lớn, nỗi nhớ man mác về tuổi thơ. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn khán giả cảm nhận câu chuyện theo một cách thức mới, trải nghiệm mới” - đạo diễn Hạnh Thúy cho biết.
Theo Hạnh Thúy, áp lực lớn nhất đối với chị là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đông đảo người đọc ngưỡng mộ. Vì vậy, chuyển thể tác phẩm lên sân khấu kịch cho sinh động là điều không đơn giản. Vở “Cô gái đến từ hôm qua” sẽ được công diễn trong tháng 6 tới.
Một truyện khác của Nguyễn Nhật Ánh, “Thiên thần nhỏ của tôi” (đạo diễn: Lan Phương, biên kịch: Việt Linh), cũng sẽ đưa lên sân khấu Hồng Hạc trong mùa hè này. Vở diễn có sự trở lại của diễn viên nhí Trọng Khang - gương mặt được yêu thích với vai Tường trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Vẫn ăn khách sau 15 năm
Vở “Thằng quỷ nhỏ” dàn dựng đã 15 năm mà bản dựng lại nay vẫn đang diễn ở sàn diễn Nhà hát Kịch TP HCM (đạo diễn: Lê Cường, chỉ đạo nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu).
Đạo diễn Lê Cường cho biết: “Tính cách của các nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh rất tốt nhưng khác với thể loại văn học - câu chuyện cho phép dàn trải, ở không gian sân khấu, câu chuyện phải dồn nén, kịch tính trong thời lượng 60-90 phút là cùng. Vì vậy, biên kịch phải chú ý; nếu không, tính chất kịch sẽ bị mỏng và thiếu kịch tính”.
Thế nhưng, dựng tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đồng nghĩa được “bảo đảm” về sức hút đối với khán giả nhí. Chẳng hạn, vở “Thằng quỷ nhỏ”, đạo diễn Lê Cường đã dựng suốt 15 năm nay, đến nay vẫn diễn ở sân khấu Nhà hát Kịch TP HCM. Tất nhiên, bản dựng mới có hơi thở thời đại hơn, không gian sân khấu tốt hơn, dàn diễn viên tươi trẻ hơn... Đạo diễn Lê Cường phấn khởi: “Khán giả học sinh rất thích xem, khán phòng lúc nào cũng chật kín áo trắng”.
Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Chánh Trực, đang kết hợp với biên kịch Huỳnh Tuấn Anh chuyển thể truyện “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cho sân khấu kịch. Sắp tới, khán giả nhí sẽ được thưởng thức phiên bản kịch của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” từng gây “sốt” màn ảnh Việt năm qua.
Trả lời câu hỏi có ngại bị mang tiếng “ăn theo” phim, đạo diễn Chánh Trực so sánh: “Bộ phim của đạo diễn Victor Vũ đã rất thành công nhưng đương nhiên không ai nói câu chuyện của phim này hay quá mà người ta ca ngợi hình ảnh đẹp, góc quay sáng tạo… Đó là đặc thù của điện ảnh. Còn chúng tôi làm sân khấu kịch thì không thể có cảnh đẹp như phim, không thể có câu chuyện dàn trải như sách mà phải thể hiện được qua ngôn ngữ kịch”.
“Nhà văn buồn” thích kịch vui
“Khi một tác phẩm văn học chuyển thể thành một tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm sân khấu, tất nhiên, nó sẽ không còn giữ được tính nguyên vẹn của tác phẩm gốc vì các hình thái nghệ thuật khác nhau sẽ có những ngôn ngữ thể hiện khác nhau. Đó là điều mà nếu đồng ý cho chuyển thể, nhà văn phải chấp nhận. Vì vậy, tôi không bao giờ đòi hỏi phim hay kịch phải giống hệt như truyện. Thế nhưng, khi trao đổi với các đạo diễn, tôi luôn yêu cầu tác phẩm chuyển thể phải giữ được tinh thần và thông điệp của tác phẩm gốc” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết.
Theo nhà văn, ông từng đi xem các vở kịch chuyển thể từ tác phẩm của mình: “Thằng quỷ nhỏ” do đạo diễn Lê Cường dàn dựng cho Nhà Thiếu nhi quận 1 (TP HCM), “Nữ sinh” do đạo diễn Công Ninh dàn dựng cho Đoàn Kịch nói Trẻ và “Phòng trọ ba người” diễn ở sân khấu quận 10... “Cảm giác của tôi lúc đó là thấy... ngồ ngộ và khi khán giả vỗ tay thì tôi thấy... vui vui. Trong các vở kể trên, tôi thích nhất “Nữ sinh” do Công Ninh dựng. Đây là vở tôi xem đi xem lại nhiều lần vì các em diễn làm tôi cười đau cả bụng. Các bạn trẻ diễn “Phòng trọ ba người” cũng vui, dù vở này “biến tấu” nhiều quá. Các độc giả hay trách tôi sao chú Ánh thích viết truyện buồn nhưng khi đi xem kịch chuyển thể từ truyện của mình, tôi lại thích xem kịch vui, thế mới oái oăm!” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ.
Bình luận (0)