xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tuấn Lê và giấc mơ bay cùng xiếc

Kim Khánh

Đạo diễn Việt kiều Tuấn Lê thừa nhận nếu ở lại nước ngoài làm việc, cuộc sống sẽ rất tốt nhưng tình yêu làng quê Việt và trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm với nghệ thuật nước nhà đã thôi thúc anh trở về Việt Nam khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp

Hai vở diễn kịch xiếc Làng tôi và À ố show do Tuấn Lê làm tổng đạo diễn ra mắt khán giả TP HCM trong những ngày giáp Tết đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem. Thế nhưng, ít ai biết rằng để có được những thành quả hôm nay, Tuấn Lê đã trải qua một hành trình dài đầy đam mê nhưng cũng lắm nhọc nhằn.

Nung nấu đam mê, nuôi dưỡng sáng tạo

Xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ (cha là nghệ sĩ kèn trumpet Lê Tiến Trạch, mẹ là nghệ sĩ kịch nói kiêm đạo diễn sân khấu Mộng Ngọc, anh cả là nhạc công dàn nhạc Berlin - CHLB Đức, anh thứ là diễn viên xiếc), Tuấn Lê (SN 1977, tên thật là Lê Ngọc Tuấn Anh) bén duyên với nghệ thuật từ thuở bé khi sống trong khu tập thể của Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen.

img
Tuấn Lê và một cảnh trong vở Làng tôi do anh đạo diễn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tuấn Lê và một cảnh trong vở Làng tôi do anh đạo diễn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tuấn Lê hồi tưởng: “Trước khi đến với xiếc, tôi có tập thể dục dụng cụ, rồi nhờ người anh từng tốt nghiệp trường xiếc ở Nga hướng dẫn nên bắt đầu thích thú và yêu môn nghệ thuật này. Sau đó, tôi được anh trai giới thiệu tôi với thầy Thái Ly và ông chính là người đầu tiên hướng dẫn tôi về tác phong biểu diễn trên sân khấu. Lúc đó, tôi cũng gặp anh Tất My Loan, khi ấy còn đang là nghệ sĩ kịch câm. Nhưng khi chuyển hướng sang làm đạo diễn, anh nảy ra ý tưởng để tôi làm xiếc dựa trên hình ảnh “vua hề” Charlie Chaplin đội nón đen, mặc áo đuôi tôm cầm gậy quay kết hợp với những kỹ thuật xiếc mà tôi làm được”. Nhờ sự hướng dẫn của những người thầy đầu tiên, chưa đầy 9 tuổi, Tuấn Lê đã có được tiết mục tung hứng ấn tượng đầu tiên trên sân khấu.

Giấc mơ bay cao cùng xiếc của Tuấn Lê có lúc đã lung lay khi anh theo gia đình sang Đức định cư tại Berlin vào năm 1991 bởi quan niệm đã sống ở nước ngoài thì nên chọn một công việc khác cho ổn định và vững chắc hơn. Vì vậy, trong 3 năm đầu, Tuấn Lê đi học và tốt nghiệp phổ thông bình thường như bao học sinh khác nhưng rồi máu nghệ thuật trỗi dậy, anh bắt đầu tìm cách tiếp cận các sân khấu tạp kỹ về khuya ở Berlin.

Bước ngoặt đến với Tuấn Lê vào năm 20 tuổi khi anh thi vào trường xiếc Berlin. Với kỹ năng khá ổn so với trình độ chung nhờ tập luyện từ bé, Tuấn Lê tiến bộ nhanh chóng và bắt đầu gặt hái thành công. Anh liên tục có nhiều hợp đồng biểu diễn tại Canada, Pháp, Mỹ… và cùng biểu diễn với một số nghệ sĩ xiếc tài danh của thế giới. Năm 2009, Tuấn Lê trở thành người Việt đầu tiên ký hợp đồng cộng tác với đoàn xiếc lừng danh thế giới Cirque du Soleil (đoàn xiếc Mặt Trời) của Canada. Một năm sau đó, anh giành được giải Nghệ sĩ xuất sắc (Exellence Award) do Hiệp hội Nghệ sĩ tung hứng thế giới (IJA) trao tặng.

Từ sau khi vào trường xiếc và nhất là sống trong Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Ufa Fabrik ở Berlin, Tuấn Lê bắt đầu thay đổi cách nhìn về xiếc truyền thống và nhận thấy mình muốn làm điều gì đó hơi khác bình thường một chút. Thay vì biểu diễn xiếc theo tiết mục 8-10 phút như các nghệ sĩ trong làng xiếc cổ điển, anh muốn sử dụng kỹ năng xiếc làm phương tiện truyền tải một thông điệp ý nghĩa, tạo thành một chương trình nghệ thuật tổng hợp.

Làm mới xiếc bằng tre nứa quê hương

Lần đầu trở lại quê hương cách đây 10 năm, Tuấn Lê lập tức bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống làng quê Việt Nam. Anh tâm sự: “Trước khi về nước, tôi có tìm hiểu về làng quê Việt Nam qua hình ảnh và internet nhưng việc tận mắt chứng kiến nét đẹp ấy đã khiến tôi vô cùng xúc động. Việt Nam có một tài nguyên mà tôi nghĩ chúng ta nên bảo tồn và một ngày nào đó sẽ đưa lên sân khấu biểu diễn”. Với cảm xúc của người xây dựng tác phẩm cộng với ý tưởng đã có từ lúc ở CHLB Đức, Tuấn Lê bắt đầu ấp ủ một chương trình nghệ thuật kết hợp giữa những điều phi thường của xiếc với câu chuyện làng quê mang tính sân khấu kịch.

Thế là dự án Làng tôi hình thành vào năm 2005 sau 3 tuần làm việc giữa Tuấn Lê với nghệ sĩ Nguyễn Lân Maurice, nghệ sĩ Nhất Lý và biên đạo múa Tấn Lộc. Nhưng thời điểm đó, họ chỉ chia sẻ những phương pháp làm việc mới, sau đó thì dự án đóng lại. Đến năm 2008, một nhà khai thác sản xuất của Pháp nhìn thấy tiềm năng lớn nên đồng ý đầu tư ngay cho dự án của Tuấn Lê và những người bạn. Tháng 6-2009, Làng tôi phiên bản 2 được công diễn tại Paris dưới tháp Eiffel và đến ngày nay đã diễn hơn 300 buổi trên thế giới.

Với những động tác ngoạn mục đầy sức trẻ của các diễn viên xiếc, nền âm nhạc dân tộc đậm chất Việt và đặc biệt là thuật sắp đặt ánh sáng, tạo hình với đạo cụ là tre nứa, thúng mủng, rổ rá đơn sơ…, khán giả trong nước và quốc tế không khỏi bất ngờ trước chất lượng nghệ thuật của một chương trình xuất phát từ một quốc gia có nền xiếc không phát triển mạnh như Việt Nam bởi trước nay, gần như chưa có chương trình xiếc nào sử dụng tre nứa làm chất liệu và Làng tôi là chương trình đầu tiên làm được điều đó.

Tiếp nối thành công của Làng tôi, trong năm 2013, Tuấn Lê cùng ê-kíp tiếp tục xây dựng À ố show nhưng đề tài lần này là câu chuyện “làng phố” và chương trình đã biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Thành phố với rất nhiều lời khen ngợi của du khách nước ngoài.

Nhiều người thắc mắc vì sao một Việt kiều Đức như Tuấn Lê lại lựa chọn trở về Việt Nam? Anh lý giải: “Mỗi con người đều có chọn lựa riêng cho mình, nếu vẫn ở nước ngoài, cuộc sống của tôi rất tốt. Tuy nhiên, tôi quyết định quay về khi sự nghiệp đang thành công nhất vì tôi nghĩ những gì đã đạt được, mình có trách nhiệm phải chia sẻ kinh nghiệm cho nghệ thuật của Việt Nam, góp phần tạo động lực cho những người trẻ để họ rèn luyện hoặc tự sáng tạo ra những điều mới mẻ. Xu hướng của thế giới hiện nay đang tìm về những cái thật nhất, mộc mạc nhất, điều đó Việt Nam có rất nhiều. Vấn đề là chúng ta sẽ làm như thế nào thôi”.

Ấp ủ tác phẩm thứ ba

Nói về kế hoạch trong năm mới, Tuấn Lê hé lộ: “Chúng tôi có nhiều dự định, trong đó sẽ giới thiệu với khán giả Việt Nam một tác phẩm thứ ba - chương trình làng phố, có thể kết hợp múa rối. Chúng tôi hy vọng chương trình sẽ đem đến cho người xem một cảm xúc, cách nhìn nhận mới về nghệ thuật trình diễn và hình tượng rối”.

Ngoài ra, anh cũng đang cùng ê-kíp xây dựng tour để À ố show nối gót Làng tôi đi lưu diễn châu Âu vào năm 2015.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo