Hầu hết những bộ phim có giá trị nghệ thuật được đánh giá cao, đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước đều khởi nguồn từ văn học. Nhưng điểm tựa văn học càng lúc càng “mong manh” dần khi tìm kiếm một tác phẩm có giá trị chuyển thể thành phim cũng không phải là điều dễ dàng. Văn đàn vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng lớn là nỗi băn khoăn, trăn trở lâu nay của giới cầm bút. Có quá nhiều lý do đưa ra trong những lời giải đáp nhưng rồi văn chương cứ mãi rơi vào lối mòn, lặng ngắt.
Bao giờ gặp lại “Cánh đồng…”?
“Thật khó tìm lại được không khí xôn xao như thời Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư” là lời ta thán chung của nhiều người trong giới khi nhìn lại diện mạo của văn học Việt. Đã gần 10 năm, kể từ khi tác phẩm này được đăng dài kỳ trên Tuần báo Văn Nghệ và “tạo bão”. Dư luận nhiều chiều nhưng trên hết, độc giả và cả giới phê bình đều nhìn nhận đúng giá trị tác phẩm, không phải là những cuộc “ồn ào” như nhiều cuốn sách sau này.
Một số tác phẩm gần đây của những nhà văn có tên tuổi được giới thiệu, tọa đàm, định vị nâng tầm trên nấc thang giá trị nhưng cũng chưa phải là những cuốn sách best-seller, được kiểm chứng sức sống đúng nghĩa từ độc giả.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú, một trong những người cầm bút tận tụy, có nhiều tác phẩm hay (tiểu thuyết Phiên bản của anh vừa được chuyển thể thành phim điện ảnh Hương ga, đạo diễn: Cường Ngô) vẫn hay nói rằng “còng lưng gõ chữ, viết văn húp cháo”. Lời đùa nhưng thực sự đó cũng là lý do khiến không ít nhà văn buông bút. Ở góc độ bảo vệ “bản lĩnh ngòi bút”, nhiều người cũng viện dẫn lý do “kiểm duyệt, đụng đến những vấn đề nhạy cảm khó phát hành”. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà Xuất bản (NXB) Trẻ, cho biết đơn vị đang tiếp nhận những tác phẩm khá hay nhưng… nhạy cảm, đang cân nhắc thời gian phát hành. Theo nhà văn Bích Ngân, NXB Văn hóa Văn nghệ, nhận được bản thảo viết về vấn đề nhạy cảm là chuyện thường gặp ở nhiều NXB nhưng có phát hành được hay không là một chuyện khác.
Tâm lý ngán ngại có thật nhưng quan trọng hơn là tinh thần, tâm thế sáng tạo của người cầm bút ngày càng bị thui chột dần trước “cơm áo gạo tiền” và đổ lỗi cho rào cản kiểm duyệt. Điều này đã được bàn đến rất nhiều lần trong những cuộc hội thảo về sáng tạo văn học nghệ thuật. Không dễ thay đổi trong một sớm một chiều.
Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn nói rằng chỉ có sự trải nghiệm thực tế, lăn xả vào đời sống mới có thể khiến cho ngòi bút của nhà văn chạm được đến tận cùng cuộc sống hiện thực. Nhưng một thực tế là có không ít người cầm bút đã và đang công tác ở vị trí quản lý, bút lực giảm hẳn đi. Và đã có những câu chuyện “viết trên bàn giấy” trở thành tác phẩm thất bại với chính tên tuổi người viết, sức nặng con chữ cạn dần. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói rằng nhà văn luôn phải “náu mình” để sáng tạo. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế văn học nhiều năm nay, có rất nhiều những cuộc “náu mình” nhưng rồi tác phẩm cũng im hơi lặng tiếng.
Giải thưởng không làm nên “dòng chảy”
Nếu xem giải thưởng là điểm tựa đánh giá chất lượng tác phẩm thì nhiều năm liền, có lẽ làng văn cũng đã “mất trắng” những tác phẩm hay từ những cây bút có tên tuổi. Các giải thưởng phần lớn thuộc về những cây bút có sự trải nghiệm lăn xả vào đời sống với tác phẩm đầu tay. Câu chuyện về “gã giang hồ viết văn” Nguyễn Trí - tác giả đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013 với tác phẩm Bãi vàng, đá quý, trầm hương (NXB Trẻ ấn hành) - đến giờ vẫn còn được giới văn chương mang ra bàn luận, mổ xẻ.
Nguyễn Trí là một cái tên hoàn toàn xa lạ, viết văn bằng những cơ khổ nhọc nhằn của cuộc đời mình. Lối viết thô mộc, câu chữ giản đơn nhưng lại chứa đựng trong lòng nó một hiện thực xã hội khốc liệt, gai góc và những xung đột mạnh mẽ, những đau đớn tận cùng của kiếp người cùng khổ, lang bạt. Trước đó, tác phẩm viết về cuộc chiến Thành cổ Quảng Trị - Được sống và kể lại của tác giả Trần Luân Tín cũng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM 2010; các năm tiếp sau, giải thưởng này “mất trắng” hoặc để lại dư vị không vui.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, vẫn phải thấy rằng những tác phẩm đầu tay đoạt giải Hội Nhà văn những năm trở lại đây dù tạo được sự chú ý nhất định nhưng vẫn chưa thật sự chinh phục hoàn toàn những người trong giới, cũng không phải là tác phẩm đủ sức “gây sốt”.
Một nhà văn có tiếng ở phía Bắc thẳng thắn lên tiếng: “Các tác giả lần đầu tiên viết văn mang những trải nghiệm của cuộc sống thực vào trang viết, có chất liệu đặc biệt, khốc liệt riêng, là yếu tố lạ để thu hút hội đồng chấm giải. Nhưng có thể nói đây chỉ là những cây bút mới tập viết. Nếu xét về tính nghệ thuật thì hầu hết truyện được ở phần kể, còn cái gọi là giá trị lắng đọng, có sức sống lâu dài thì chưa chạm tới được”.
Ồn ào chuyện đạo văn
Làng văn xôn xao với tác phẩm hay thì ít mà ồn ào chuyện đạo văn thì nhiều. Lâu lâu lại phát hiện ra một vụ đạo văn, khi là tác phẩm dự thi lúc lại tác phẩm in sách hẳn hoi. Mới đây, nhiều người trong giới lại “nhức nhối” với vụ đạo thơ của “nhà thơ” Dương Thiên Lý, nguyên hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Tác giả này bị phát hiện là đã đạo thơ của nhiều tác giả khác trong và ngoài tỉnh suốt gần 10 năm liền. Thậm chí, “nhà thơ” này còn hiên ngang đưa tác phẩm của người khác in vào tập sách của mình. Đây không phải là trường hợp hy hữu khi nhiều năm qua, có rất nhiều vụ đạo văn, đạo thơ làm “nóng mặt” những người trong giới. Không kể thường dân, cả lãnh đạo hội cũng mua danh bằng sáng tạo của người khác.
Kỳ tới: Đến hội sách lại “lên”?
Bình luận (0)