xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Văn của Đoàn Giỏi nóng hổi hơi thở đương đại

Bài và ảnh: HÒA BÌNH

Truyện của Đoàn Giỏi luôn có tính cảnh báo với những thông điệp sâu xa về việc gìn giữ môi trường sinh thái đặc biệt của Nam Bộ

Nhân kỷ niệm 91 năm ngày sinh của nhà văn Đoàn Giỏi, sáng 15-10, tại TP HCM, giới nghiên cứu, người yêu văn chương và đại diện NXB Kim Đồng vừa có cuộc hội thảo mở, bàn về giá trị văn chương của nhà văn đậm chất Nam Bộ này.

Hiểu Nam Bộ nhờ đọc văn của Đoàn Giỏi

Nhắc đến Đoàn Giỏi, ấn tượng đầu tiên mà ai cũng nhớ là “Đất rừng phương Nam”, thế nhưng, ông còn là nhà văn có khối lượng tác phẩm đồ sộ với biên độ đề tài rộng, ở đủ các thể loại khiến vùng đất phương Nam trở nên thân thuộc, đáng yêu đối với người đọc cả nước.


Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn phát biểu trong buổi hội thảo

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn phát biểu trong buổi hội thảo

Nhà thơ Chế Lan Viên từng đánh giá: “Văn của Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống mà tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành nên trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam Bộ. Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam Bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình”.

Có mặt tại buổi hội thảo, các nhà thơ Cao Xuân Sơn, nhà văn Trần Đức Tiến, Tô Hoàng… đều đồng cảm cho biết không chỉ độc giả thiếu nhi cực kỳ yêu mến nhà văn Nam Bộ này mà ngay chính thế hệ độc giả lớn tuổi hồi đó nếu không nhờ những tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi thì sẽ thiếu đi những hiểu biết rất cơ bản về vùng đất phương Nam.

Nghiên cứu của TS Hà Thanh Vân, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho thấy tỉ lệ đọc văn của Đoàn Giỏi cao hơn hẳn các nhà văn khác cùng thời và ngay trong chính các câu chuyện đã được viết bởi Đoàn Giỏi, cũng có tỉ lệ người đọc chênh lệch nhau rất lớn. Hầu hết độc giả tham gia các cuộc điều tra đều đã đọc “Đất rừng phương Nam”, “Rừng đêm xào xạc”, “Cuộc truy tầm kho vũ khí”. Nhưng còn rất nhiều tác phẩm hay và giá trị của Đoàn Giỏi như “Cá bống mú”, “Những chuyện lạ về cá”, “Tê giác trong ngàn xanh”, “Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày”, “Trần Văn Ơn”, “Hoa hướng dương”… cho nên việc NXB Kim Đồng ấn hành trọn bộ những ấn bản của nhà văn Đoàn Giỏi để người đọc có cơ hội tìm đọc khiến TS Hà Thanh Vân vô cùng cảm kích.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc NXB Kim Đồng Chi nhánh phía Nam, nhắc lại hồi ức tháng 2-1957: “Hồi ấy, NXB Kim Đồng còn chưa ra đời, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đặt hàng Đoàn Giỏi “viết một cái gì cho thiếu nhi, về miền Nam” và cuốn “Đất rừng phương Nam” đã được Đoàn Giỏi tập trung viết trong khoảng 1 tháng thì ra đời. Bản in lần đầu chỉ hơn 100 trang, sau mỗi lần tái bản, NXB lại yêu cầu tác giả bổ sung, cho tới năm 1982, tác giả đã định bản như bây giờ. Suốt hơn nửa thế kỷ, “Đất rừng phương Nam” luôn là đầu sách bán chạy của NXB Kim Đồng”.

Giá trị cảnh báo đối với hệ sinh thái

Những trang văn của Đoàn Giỏi không chỉ thấm đượm hơi thở sông nước, rừng cây Nam Bộ với những câu chuyện rất thực nhưng vô cùng kỳ bí của thiên nhiên Nam Bộ hoang sơ. Truyện của Đoàn Giỏi luôn có tính cảnh báo với những thông điệp sâu xa về việc gìn giữ môi trường sinh thái đặc biệt của Nam Bộ.

Truyện dài “Cá bống mú” là câu chuyện đau thương, thảm khốc về thiên nhiên hoang dã mà “gai bớm đâm vào bàn chân thối mủ, gai táo móc rách da” nhưng cũng cho thấy sức sống mãnh liệt của người phương Nam và tinh thần chiến đấu anh dũng “thề hy sinh đến giọt máu cuối cùng” của thế hệ kháng chiến chống Pháp. “Tê giác trong ngàn xanh” vẽ lại một thế giới thiên nhiên sơ khai nhưng gần gũi và quý hiếm, ít người biết đến. “Những chuyện lạ về cá” tập hợp những câu chuyện sống động, khoa học và cũng thật huyền ảo.

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Tiền Giang - khẳng định: “Chính vì lưu giữ lại cả một hệ sinh thái Nam Bộ nên văn chương Đoàn Giỏi cho đến ngày nay vẫn nóng hổi hơi thở đương đại, nhất là trong thời điểm chúng ta phải đối mặt với các vấn đề về tàn phá môi trường, đã được nhà văn nhắc tới mang tính cảnh báo trong “Tê giác trong ngàn xanh”, “Những chuyện lạ về cá”, “Rừng đêm xào xạc”...”.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho biết chính ông đã đề xuất dự án làm phim truyền hình “Đất phương Nam” với Đài Truyền hình TP HCM hồi năm 1997. “Đến giờ, tôi vẫn chưa xài hết những chất liệu về “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi và với cả chất liệu về miền đất phương Nam trong các cuốn sách khác của ông vẫn còn rất nhiều tư liệu để tiếp tục làm phim điện ảnh về vùng đất này” - đạo diễn của “Đất rừng phương Nam” tâm sự tại buổi hội thảo.

Đại thụ làng văn Nam Bộ

Nhà văn Đoàn Giỏi sinh năm 1925 tại Tiền Giang và mất năm 1989 tại TP HCM. Đoàn Giỏi còn có các bút danh khác là Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư. Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Tên ông đã được đặt cho một con đường ở quận Tân Phú, TP HCM và đặt cho ngôi trường THCS ở quê nhà: huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Bộ sách tái bản của nhà văn Đoàn Giỏi
Bộ sách tái bản của nhà văn Đoàn Giỏi

Cố nhà văn Anh Đức từng nhận định: “Với một đời văn trên 40 năm, nhà văn Đoàn Giỏi đã để lại cho đời những dòng đẹp đẽ đậm sắc thái và đầy sinh thú về quê hương, đất nước, con người ở vùng đất Nam Bộ thân yêu của Tổ quốc ta. Văn của nhà văn Đoàn Giỏi vừa mang chất trữ tình lại vừa mang tính chất lạ kỳ, sôi động”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo