Ngày 5-5, NXB Kim Đồng bắt đầu nhận tác phẩm tham dự cuộc vận động sáng tác truyện thể loại fantasy - văn học kỳ ảo. Cuộc vận động sẽ kéo dài đến hết ngày 5-8, mang chủ đề: "Thế giới kỳ ảo và quyển sách của bạn". Tuy nhiên, có thể nhìn thấy trước cuộc vận động này sẽ gặp khá nhiều khó khăn vì ở Việt Nam hiện nay, số lượng các nhà văn chuyên nghiệp tham gia viết thể loại fantasy còn quá hiếm hoi.
"Đất vàng" bỏ hoang
Fantasy - văn học kỳ ảo là những câu chuyện hoàn toàn không có thật với nội dung gợi ra một thế giới tưởng tượng vô cùng phong phú. Fantasy luôn có sức hút bạn đọc ở khắp nơi trên thế giới, cả truyện chữ và truyện tranh. Tuy nhiên, xu hướng đọc truyện tranh đã ảnh hưởng rất lớn đến người đọc trẻ nên truyện tranh kỳ ảo thực sự phát huy sức mạnh, thu hút một lượng người đọc và người hâm mộ khổng lồ.
Khâu vẽ tranh minh họa cho tác phẩm fantasy rất quan trọng. Phải đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật vẽ truyện tranh, thậm chí hình thành các biểu tượng đặc thù sau mỗi câu chuyện, thì độc giả mới nhớ và tìm mua.
"Harry Potter" chính là quyển tiểu thuyết thể loại fantasy truyện chữ đầu tiên gây sức hút công chúng tại Việt Nam. Dịch giả Lý Lan, người chuyển ngữ "Harry Potter" sang tiếng Việt, nhận xét: "Harry Potter phát hành đúng thời điểm mà mạng xã hội phát triển mạnh. Vì vậy, độc giả ngồi trong phòng kín vẫn có thể tương tác bằng cách bình luận sôi nổi trên các diễn đàn, đưa ra các nhận xét khác nhau, người khác lập tức nhảy vào phản bác hay đồng tình. Thời đại internet đã tạo nên những sự kiện văn học vô cùng sôi nổi và điều này rất khác biệt với những tác phẩm văn học kinh điển nhưng ít được nhắc đến".
Nhà văn Phan Hồn Nhiên nói về văn học kỳ ảo và những cuốn sách fantasy xuất bản tại Việt Nam
Một bộ truyện fantasy sau khi đã khai thác hết công suất với thể loại sách sẽ được bán bản quyền sản xuất sang thể loại điện ảnh hoạt hình. Trên thế giới, rất nhiều bộ truyện fantasy đã được chuyển thể sang phim thành công như: "Harry Portter", "Kẻ cắp tia chớp"…
Dịch giả Lệ Chi và nhà văn Phan Hồn Nhiên đều cho rằng fantasy là thể loại rất gần với điện ảnh nên khá dễ để chuyển thể thành kịch bản phim hấp dẫn. Trên thế giới, nhiều hãng sản xuất lớn đã sống nhờ công nghệ quản lý tác phẩm fantasy từ lúc còn là truyện chữ cho đến khi trở thành tác phẩm điện ảnh ăn khách như DC Comic và Mavels (Mỹ), Clamp (Nhật)…
Mới đây, hai hãng lớn trên thế giới là Sony Pictures và Marvel Studios còn có một thông báo chung rằng họ sẽ cùng hợp tác để thực hiện các phim về "Spider- Man" (Người nhện). Marvel Studios tham gia sản xuất các phim "Spider-Man", còn Sony Pictures sẽ tài trợ kinh phí và chịu trách nhiệm phân phối các phim này. Theo đó, một phim "Spider-Man" phiên bản mới sẽ được ra mắt vào ngày 28-7 tới.
Thị trường hẹp cho tác giả Việt?
Tuy nhiên, rất ít nhà văn Việt Nam quan tâm đến mảnh đất màu mỡ này. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người có "Chuyện xứ Langbiang" - bộ truyện kỳ ảo 4 tập đầu tiên viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn tại Việt Nam, nhớ lại: "Lâu nay ở Việt Nam, các em nhỏ say mê các loại truyện giả tưởng dịch từ nước ngoài như "Harry Potter", "Cậu bé cưỡi rồng"... Tôi nghĩ ở Việt Nam đang thiếu loại truyện này. Thế là tôi thử viết. Tôi lấy bối cảnh cao nguyên Langbiang cho bộ truyện này vì đây là một bộ truyện có màu sắc pháp thuật".
Nhà văn Phan Hồn Nhiên cũng nằm trong số ít ỏi những người có tác phẩm thuộc thể loại fantasy mà độc giả có thể nhớ được. Phan Hồn Nhiên bảo chị đến với fantasy là để học hỏi cách viết mới, hiện đại. Sáng tác fantasy giúp phát huy tối đa trí tưởng tượng của bản thân. Ngoài ra, chị còn học được cách làm việc, đồng hành cùng họa sĩ trong quá trình sáng tác 3 tập truyện dài theo thể loại fantasy của mình, gồm: "Những đôi mắt lạnh", "Chuỗi hạt Azoth" và "Xuyên thấm".
Mới đây, NXB Kim Đồng đã giới thiệu tới độc giả bộ ba truyện fantasy gồm: "Những hốc nhà bí hiểm" (tác giả: Hàn Băng Vũ), "Những người bạn của Kathy" (tác giả: Thu Hà) và "Nhóc tì nhà rối rắm" (Nguyễn Thị Kim Ngân - tác giả cuốn "Nào mình cùng đạp xe đến Paris").
Là tác giả của khá nhiều cuốn sách thuộc các thể loại khác nhau, Kim Ngân lần đầu giới thiệu một cuốn truyện fantasy với văn phong khá hấp dẫn, lối dẫn chuyện mượt mà, gợi trí tưởng tượng cho trẻ nhỏ. Kim Ngân kể lại câu chuyện bí ẩn mà "mỗi đứa trẻ đều cất giấu một bí mật trong thẳm sâu tâm hồn và chúng chỉ kể cho ai đó nghe nếu chúng thật sự tin tưởng họ" (trích "Nhóc tì nhà rối rắm"). Thế nhưng, vì mới là cuốn sách đầu tiên thuộc dòng fantasy nên thật khó khẳng định hành trình mà Kim Ngân sẽ đi tiếp như thế nào hay cũng dừng lại vô thời hạn giống như những gương mặt trẻ khác.
Năm 2014, trong cuộc thi "Văn học tuổi 20" do NXB Trẻ tổ chức, khá nhiều tác phẩm fantasy hoặc mang yếu tố fantasy cũng đã xuất hiện, như: "Urem - Người đang mơ" của Phạm Bá Diệp, "Hạt hòa bình" của Minh Moon, "Người ngủ thuê" của Nhật Phi... Tuy nhiên, các tác giả này chỉ xuất hiện một lần, rất khó khăn để độc giả có thể nhớ tới tên tuổi hay tác phẩm của họ. Mặc dù các NXB luôn động viên, khuyến khích, thúc giục nhưng hầu như chưa có tác giả nào gửi được cuốn thứ hai mang màu sắc fantasy.
Thể loại fantasy yêu cầu phải có hai thế giới trở lên, trong đó yếu tố kỳ ảo, siêu nhiên là khúc xạ của thế giới thực. Nghĩa là câu chuyện diễn ra ở thế giới thực và ảo song song tồn tại, nhân vật di chuyển theo một lối đi nào đó có thể thông nhau giữa hai thế giới.
Yếu tố cốt lõi của fantasy là trí tưởng tượng - thường được ca ngợi là vô tận nhưng lại chính là giới hạn của bản thân người viết, không chỉ bởi tài năng có hạn mà còn bị ràng buộc vì định kiến lâu đời và các mô-típ sẵn có trong nhận thức của mỗi người. Chưa kể, người viết trẻ luôn có xu hướng viết theo phong trào và bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm đã xuất bản thành công.
Mong muốn của NXB Kim Đồng với cuộc vận động lần này giản dị vô cùng, chỉ cần các tác giả gửi ý tưởng tốt, trong khoảng từ 3.000 đến 5.000 từ, sau đó biên tập viên và họa sĩ của NXB sẽ cùng hợp tác để tạo ra một tác phẩm fantasy thực sự. Thế nhưng, có thể hình dung để xuất bản được các tác phẩm fantasy "made in Vietnam" thực sự là điều rất khó khăn.
Phân biệt truyện fantasy và có yếu tố fantasy
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng lưu ý cần phân biệt dòng tác phẩm fantasy thuần túy với tác phẩm có yếu tố fantasy.
Fantasy thuần túy không có lời giải thích khoa học nào về sự tồn tại song song của thế giới thực và ảo. Trong khi đó, những tác phẩm có giải thích khoa học (dù thuyết phục hay còn mơ hồ, khoa học hiện tại chưa thể giải thích được song hiện tượng đó có khả năng xảy ra) về sự tồn tại của thế giới ảo; tác phẩm thuộc chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đều được coi là có yếu tố fantasy chứ không phải fantasy thuần túy.
Bình luận (0)