ngày diễn ra hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII): Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp” (do Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật trung ương - Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại TP HCM) là ngổn ngang bao trăn trở, ưu tư của văn nghệ sĩ trước những bước lùi của văn học nghệ thuật. Xã hội ngày càng phát triển, mở cửa trên nhiều lĩnh vực nhưng văn học nghệ thuật lại ngày càng đi xuống.
Thiếu tác phẩm hay nhưng thừa “thảm họa”
Theo đánh giá chung, lĩnh vực sân khấu, điện ảnh vẫn có những tác phẩm đáng chú ý, mạnh dạn phê phán cái xấu, tiêu cực trong xã hội. Văn học xây dựng được đội ngũ tác giả kế cận với ít nhiều tác phẩm tạo dư luận. Song, góc nhìn sau cùng của các văn nghệ sĩ tham dự hội thảo là văn học nghệ thuật bị lệch chuẩn, loạn giá trị; đội ngũ đông nhưng lại thiếu tác phẩm hay!
Ở vai trò thẩm định phim ảnh, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhìn nhận: “10 năm trở lại đây, phim truyện chưa có được các nhân vật để lại ấn tượng đậm nét trong lòng khán giả. Khai thác nhân vật lịch sử thì không dám động đến những góc sâu thẳm nhất trong tình cảm, cuộc sống riêng, trong khi sự riêng tư đó mới là yếu tố hấp dẫn. Nhiều phim thể hiện một chiều, thiếu tính phản biện cần có. Trong khi đó, phim giải trí nhạt nhẽo tầm thường, vô thưởng vô phạt, xem không có ý nghĩa gì”.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã góp ý: “Hầu hết phim không bộc lộ giá trị tư tưởng nào lớn lao, dù có thể tạo ra dư luận trái chiều. Thậm chí, chúng còn cho thấy một phông văn hóa thấp kém, một chuẩn đạo lý lệch lạc”. Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu thì bức xúc: “Món ăn tinh thần cho tuổi trẻ quá thiếu và yếu, sản phẩm tự chế của giới trẻ lại quá thừa và bừa bãi. Nhạc rap đầy đường nhưng ngôn từ lại không có chất thơ, không có tính nhạc, không một chút nhân văn. Làm sao ngăn ngừa được nguy cơ méo mó thẩm mỹ và nhân cách con người?”.
Các lĩnh vực nghệ thuật vốn có thị trường sôi nổi đã vậy, văn chương còn “bèo nhèo” hơn. Nhà văn Đỗ Kim Cuông buồn bã: “20 năm trước, mỗi đầu sách phát hành từ 3 vạn, thậm chí 5 vạn bản. Chỉ 10 ngày sau khi phát hành, sách đã có mặt ở cửa hàng, nhà sách từ trung ương đến các tỉnh, thành. Tác phẩm hay, dở lập tức tác động tới người đọc và có ý kiến phản hồi khen, chê. Còn bây giờ, cho dù là nhà văn, nhà thơ danh tiếng, tác phẩm in ra nhiều nhất chỉ vài mươi ngàn bản là mừng lắm, bình thường chỉ 1.000-2.000 bản”.
“Đang có tình trạng chung là trong tiểu thuyết, trên sân khấu, phim ảnh, các nhân vật đều không có đời sống, tính cách rõ nét, không rõ cảm xúc lẫn tư duy, giá trị thông điệp. Chưa kể, sáng tạo thì rập khuôn, bắt chước, tầm thường, nhàm tẻ, lẩn tránh những vấn đề nóng từ thực tiễn cuộc sống” - ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nhìn nhận.
Suốt 15 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ ở các lĩnh vực đã tăng lên gần 40.000 người, gần 300 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, gần 2.000 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT và hàng loạt giải thưởng, tặng thưởng dành cho các sáng tạo nghệ thuật. Thế nhưng, nhìn lại mốc 15 năm, thật khó để nói về dấu ấn riêng của một thế hệ, trào lưu sáng tác có tư tưởng, giá trị nghệ thuật cao hay tầm ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng - như đã từng có trước đó.
Vì đâu nên nỗi?
Mỗi lĩnh vực đều được ghi nhận những thành tựu riêng nhưng một vài cái tên tác giả - tác phẩm nổi trội không đủ sức làm nên dấu ấn thế hệ. Thay vào đó là hàng loạt vấn đề của “thời thế” được các văn nghệ sĩ thay nhau bày tỏ.
Đăng đàn phát biểu đầu tiên tại hội thảo, nhà văn Chu Lai thẳng thắn: “Xã hội càng ngổn ngang thì nhà văn càng có chất liệu để viết nhưng văn nghệ sĩ hiện đang chìm nổi, chết ngập trước các loại hình thông tin truyền hình, báo mạng, Facebook… Tất cả cũng góp phần khiến văn học đọc bị chìm. Nhà văn phải có cái đau đáu, đau đời để viết nhưng hiện không có ai dám sống, dám dấn thân bỏ phố thị phồn hoa để đi 5-10 năm rồi trở về viết một cuốn sách 500-600 trang”.
Nhà văn Vũ Hạnh chua xót: “Cả nước 90 triệu dân nhưng một cuốn sách chỉ in trung bình 1.000 bản mà nhiều khi còn không có người đọc. Đó là kết quả của một sự phản bội từ văn hóa đọc. Vậy nhà văn sống bằng gì? Không thể viết 3 năm “ăn” một tháng. Muốn làm gì cũng phải có tiền!”.
Không thể sống bằng sáng tạo, phần lớn văn nghệ sĩ đã chuyển sang công tác quản lý, rồi vin vào đó “trốn viết và mất nghề”. Bị cơ chế thị trường, thị hiếu đám đông lôi cuốn, yếu kém trong lĩnh vực quản lý, sự khắc nghiệt của “cơm áo gạo tiền”… là những lý do chung nhất viện giải cho việc không có được nhiều tác phẩm đỉnh cao suốt hơn 1 thập kỷ qua.
Trao đổi bên lề hội thảo, đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng sân khấu muốn tồn tại cũng phải nương theo thị trường. Sáng tạo, dàn dựng những “tác phẩm đỉnh cao” đầu tư lớn mà không có đông khán giả thì cũng “tự giết mình”. Theo đạo diễn, bị thị trường chi phối cũng là lý do biện giải cho sự xuống cấp giá trị của điện ảnh trong nhiều năm qua.
Sợ bị chụp mũ, định kiến Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật trung ương - cội nguồn của thực trạng chưa có tác phẩm đỉnh cao là do một số văn nghệ sĩ vẫn còn tâm lý e dè, ngại bộc lộ chính kiến, còn thờ ơ, né tránh viết những mặt trái của đời sống xã hội, biểu hiện tiêu cực của bộ máy chính quyền vì sợ bị chụp mũ, định kiến. “Vì vậy mà nghệ sĩ chưa dám dấn thân, chưa sống hết mình cho những đứa con tinh thần. Những sáng tác không phản ánh được khát vọng của nhân dân, không phải là tấm gương phản chiếu xã hội hiện thực” - ông Vinh nhìn nhận. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đặt vấn đề: “Chúng ta đã thật sự thông thoáng, được tự do cởi trói hoàn toàn trong tư tưởng để sáng tạo chưa? Tìm lãng quên, trốn đi thì rất dễ nhưng phơi bày hiện thực trong tác phẩm không phải ai cũng dám làm”. “Chính vì cứ thích ca ngợi, tô hồng hơn là phê phán cá nhân hay tổ chức nào đó mà sân khấu ngày càng vắng dần tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội xứng tầm” - NSND Đình Quang góp ý. Nhiều văn nghệ sĩ rất đồng tình với góc nhìn thẳng thắn này nhưng cũng cho rằng lý do lớn nhất chính là không có nhân tài. “Các nhà văn lớn, những tên tuổi kiệt xuất trên thế giới trước khi sáng tác đã am hiểu rất nhiều trường phái cả triết học lẫn mỹ học. Còn ở Việt Nam, đốt đuốc cũng không tìm được người có tư tưởng lớn thì tìm đâu tác phẩm đỉnh cao? Nhà văn chỉ viết theo bản năng, ăn may kiểu được chăng hay chớ” - nhà văn Sương Nguyệt Minh nhấn mạnh. “Chúng ta chỉ mới có nghệ sĩ năng khiếu, chưa có tài năng lớn và thiên tài; không có nền tảng tư tưởng lớn và cũng chưa thật sự đam mê, dấn thân vào đời sống; thiếu bản lĩnh, tự bó mình trước những quan niệm mơ hồ về vùng cấm, vùng nhạy cảm và nhất là thiếu lý tưởng sống và cống hiến cao đẹp” - PGS-TS Đào Duy Quát - Phó Chủ tịch Thường trực Hồi đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật trung ương - nhìn nhận. |
Bình luận (0)