xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vĩnh biệt Nghệ sĩ Nhân dân Út Trà Ôn

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Út Trà Ôn đã từ trần lúc 19 giờ 30 phút ngày 13-8 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), hưởng thọ 83 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 14 giờ ngày 14-8 tại nhà riêng, số 706 Điện Biên Phủ, quận 10, TPHCM. Lễ truy điệu được tổ chức vào lúc 9 giờ ngày 17-8. Sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang Chùa Nghệ Sĩ - Gò Vấp.


Nhận được tin từ ca sĩ Bích Phượng, cách đây hai ngày tôi cùng soạn giả Viễn Châu vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thăm NSND Út Trà Ôn. Trước đó, đồng chí Nguyễn Minh Triết - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đã vào thăm NSND Út Trà Ôn. Căn bệnh nhũn não đã quật ngã ông, khiến cánh tay trái và chân trái bị tê liệt. Chỉ còn tay phải liên tục lần chuỗi hạt, chân phải cử động mạnh mỗi khi có ai đó đến thăm. Đôi mắt ông mở to nhìn những người thân quen, dường như ông muốn nói điều gì mà không thốt được nên lời. Bích Phượng nghẹn ngào kể: Hôm đó ba bị té khi đi vệ sinh, cả nhà không ai hay vì dạo này ba muốn được yên tĩnh... Má khóc hết nước mắt khi bác sĩ bảo phải đem ba vào bệnh viện. Cách đây sáu năm, căn bệnh tai biến đã từng làm cho má khóc. Ba còn nhiều điều trăn trối nhưng chưa nói được, nhất là mỗi khi má bật truyền hình có chương trình cải lương.


Soạn giả Viễn Châu là người cuối cùng đến thăm người bạn tri âm. Đó là chiều 12-8, sau khi từ cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương Trà Vinh, sân chơi mà lúc còn khỏe mạnh, NSND Út Trà Ôn vẫn thường sát cánh bên ông để coi tụi nhỏ ca vọng cổ. Đối với NSƯT Viễn Châu, sự nghiệp của ông với hơn 2.000 bài vọng cổ, thì có 2/3 là nhờ công lao truyền bá của NSND Út Trà Ôn - một anh nông dân xuất thân từ miệt đồng có cái tên rất mộc mạc: Nguyễn Thành Út. Ông Út có khiếu ca nhạc tài tử, có được làn hơi thiên phú nên sau mỗi mùa gặt ông thường được bạn bè chiêu đãi. Ở giữa sân nhà, một cây đờn cò, một xị rượu đế, ông ca thâu đêm suốt sáng. Tiếng lành đồn xa, một nhà sư đã tặng ông bài Tôn Tẩn giả điên, với vốn liếng đó, ông quá giang ghe lá từ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long lên Sài Gòn lập nghiệp. Gia sản mang theo chỉ có bài ca, cái nốp lá và vài bộ quần áo. Ghe đến bờ sông Vàm, ông thấy có chiếc ghe bầu căng bảng: Gánh hát Tiến Hóa, cần tuyển kép trẻ. Ông nôn nao xin được thi thử. Bầu gánh gật đầu nhận ngay sau câu vọng cổ đầu tiên. Để từ bước ngoặt đó làng sân khấu cải lương miền Nam đã có một Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, một giọng ca đi vào lòng bao thế hệ.


Soạn giả Viễn Châu xúc động kể: Năm 1947, tôi đã nghe danh có một kép hát tên Út, xuất thân từ Trà Ôn nên hãng băng Asia đã đặt nghệ danh Út Trà Ôn. Dĩa đầu tiên Tôn Tẩn giả điên bán chạy như tôm tươi, dĩa thứ hai Thái sư Văn Trọng cũng tạo cơn sốt trong giới mộ điệu lục tỉnh. Cũng từ đó trong giới sân khấu người ta gọi anh là Đệ nhất danh ca miền Nam, là niềm tự hào của sân khấu cải lương. Đến khi dĩa Tình anh bán chiếu được Hãng Hồng Hoa phát hành, công chúng mộ điệu đã đặt cho anh biệt hiệu Vua vọng cổ. Tôi nhớ như in ngày đầu tiên gặp anh Út, đó là một nghệ sĩ mộc mạc, tuy được khán giả hâm mộ nhưng ông sống rất khiêm tốn. Gánh hát Kim Thanh - Út Trà Ôn ngày đó nổi danh với ba vở diễn đi vào lịch sử sân khấu: Tình vương hoa thắm, Đời cô NgaSau bức màn nhung. Cả ba vở anh Út đều đóng kép chánh. Anh đã đi lên từ một nghệ sĩ nhà nông, có năng khiếu ca nhưng không ỷ vào đó mà ngại đào sâu kỹ thuật biểu diễn. Dấu ấn anh để lại cho đời chính là phong cách ca cổ chân phương, chắc nhịp và nhiều vai diễn xuất sắc, khắc họa hình ảnh người nông dân như bản thân anh từ cuộc sống đời thường với tay lấm, chân bùn đã bước lên thánh đường sân khấu.


Tôi không cầm được nước mắt khi nghe ca sĩ Bích Phượng kể lại những lần ông đòi chị đưa đi biểu diễn phục vụ chương trình từ thiện. Giọng ông đã run nhưng nhịp nhàng vẫn còn mẫn cảm. Có khi suốt chặng đường đến điểm diễn ông mệt nhừ, nhưng khi bước ra sân khấu thì tỉnh táo, tiếng đàn và không khí chào đón của khán giả đã truyền cho ông sức trẻ. Cách đây không lâu, tôi ghé thăm ông tại nhà riêng. Mái tóc bạc phơ với nụ cười đôn hậu, ông tâm sự: Bây giờ tôi không còn nhớ gì, mỗi khi xem con cháu hát trên truyền hình thì thấy thèm được ra sân khấu. Xã hội ngày tiến triển, bài vọng cổ cũng theo đó mà sáng tạo. Nhưng sao bây giờ các em nhỏ ca không bằng niềm say mê. Vì thế bài vọng cổ bị cải biến quá nhiều, có người ca hàng trăm chữ, cố để khoe giọng mà quên cải lương cần chất tự sự. Tôi sẽ buồn lắm nếu ai đó nhân danh cải tiến bài vọng cổ mà phá đi nét chân phương, mùi mẫn mà ông cha ta đã dày công sáng tạo... Phải chi còn khỏe tôi lại theo anh Viễn Châu, cô Út Bạch Lan đi chấm thi. Cải lương hơn bao giờ hết, xuất phát từ nhân dân thì không bao giờ chết.


Vĩnh biệt ông, người nghệ sĩ tài hoa đã cống hiến cả đời cho sân khấu. Từ gánh Tiến Hóa chân ướt chân ráo, đến đoàn Tài năng Trẻ Nhà hát Trần Hữu Trang, đúng 70 năm một chặng đường bền bỉ. Ông chính là tấm gương phấn đấu của nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương. Sống và chết vì nghề, vì nét đẹp chân phương sân khấu dân tộc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo