xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cải lương sáng đèn leo lắt

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Chưa bao giờ bộ môn nghệ thuật cải lương lại cần một nguồn lực lớn để sàn diễn sáng đèn một cách bền bỉ như hiện nay

Khán giả ùn ùn kéo đến rạp Công Nhân (TP HCM) để mua vé xem cải lương. Giá vé chợ đen tăng khi hai cánh màn nhung của chương trình "Hội ngộ tài năng lần 1" sắp mở. Khung cảnh này lâu lắm mới tái hiện tại một rạp hát không phải là "thủ phủ" của cải lương.

Sống nhờ sự kiện!

Cách rạp Công Nhân chỉ vài trăm mét, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dù xây mới nhưng có suất chỉ toàn vé mời. Vé bán cho khách vãng lai rất hiếm, chủ yếu qua mối quan hệ của nghệ sĩ tham gia các vở diễn.

Cải lương sáng đèn leo lắt - Ảnh 1.

Từ trái sang, các nghệ sĩ: Phượng Hằng, Thanh Hằng, Thoại Mỹ, Tú Sương, Phượng Loan trong chương trình "Hội ngộ tài năng lần 1"

Phải chăng cải lương đang đứng trước tình trạng "hên - xui" trong việc phát hành vé? Còn nguyên nhân nào khác khiến việc tổ chức đang là mối lo của các nhà tổ chức?

Một thực tế là cải lương hiện nay chỉ sống nhờ vào sự kiện, như: chương trình kỷ niệm 64 năm ngày thành lập đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, chương trình "Gìn vàng, giữ ngọc", các live show của nghệ sĩ thế hệ vàng… Các chương trình còn lại chìm nghỉm, nghệ sĩ nản lòng vì doanh thu suất hát không cao, đời sống cứ bấp bênh.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF cho biết ông từng rất nhiều lần lên tiếng, đề đạt với lãnh đạo TP HCM về việc cần tổ chức hội thảo khoa học, tìm ra đúng bệnh để chữa trị và có biện pháp vực dậy sàn diễn cải lương nhưng chẳng thấy phản hồi. "Tại sao không nhìn rõ vấn đề mà cứ mãi làm theo cách cũ: nhà nước rót kinh phí dựng vở, khai diễn rồi cất kho? Có vở đi dự liên hoan về phát vé mời để khán giả đi xem vài suất, quay truyền hình xong là chấm hết. Tiền núi cũng đổ sụp với cách làm này" - ông trăn trở.

Cách quy tụ các cô đào tài năng như: Nghệ sĩ Hồng Nga, Thanh Hằng, NSƯT Phương Hồng Thủy, Phượng Hằng, Phượng Loan, Thoại Mỹ cùng hợp lực với các nghệ sĩ trẻ: NSƯT Tú Sương, Thu Vân, Hữu Quốc, Quỳnh Hương, Ngọc Nga, Lê Thanh Thảo… là một trong những yếu tố làm nên sự kiện thu hút công chúng, do nhóm nghệ sĩ xã hội hóa này đứng ra thực hiện. Năm trích đoạn cải lương có tiếng vang về chất lượng nghệ thuật: "Tiếng trống Mê Linh", "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài", "Duyên kiếp", "Dòng đời", "Câu thơ yên ngựa" đã thể hiện xuất sắc, được khán giả cổ vũ nồng nhiệt sau mỗi lớp diễn.

Trước đó, trong live show của nghệ sĩ Hồng Nga đánh dấu sự kiện sinh nhật 70 tuổi của bà, hơn 2.000 vé tại Nhà hát Hòa Bình (TP HCM) đã bán hết. Khán giả khóc cười cùng các số phận nhân vật đã gắn liền với tên tuổi của bà hàng chục năm qua.

"Cải lương sống nhờ sự kiện nhưng không lẽ cứ "đẻ" ra sự kiện như một cách PR? Điều đó xem ra không ổn. Vấn đề là từ sự kiện này, ê-kíp xã hội hóa nghĩ ngay đến chiến lược đầu tư dài hạn để mang đến sàn diễn những kịch bản hay. Mỗi quý một chủ đề, tôi tin chắc khán giả sẽ ủng hộ" - NSND Ngọc Giàu nhận định.

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn vẫn hoài nghi tính khả thi nếu cứ trông chờ vào các nhóm xã hội hóa. "Nếu không phải là công trình của nhà nước, làm bằng vốn ngân sách thì ai gánh chịu lỗ lã? Vậy đứng mũi chịu sào phải là đơn vị nhà nước, không thể là các nghệ sĩ tâm huyết với sàn diễn đứng ra gánh vác trách nhiệm này" - NSƯT Minh Vương bày tỏ.

Luôn cần sức trẻ

Nhiều nghệ sĩ trẻ của bộ môn cải lương không còn cảnh bon chen, chạy ngược chạy xuôi để quay hình game show. Họ đã quay lại sàn tập, sàn diễn, cùng hiệp lực cho sự sáng đèn của sân khấu cải lương.

Ở chương trình "Hội ngộ tài năng lần 1", nghệ sĩ trẻ được đóng những vai nặng ký. Các nghệ sĩ đàn chị lùi về đóng những vai hỗ trợ để nâng họ lên trong sự sáng tạo mới mẻ, đầy chất thanh xuân cho sàn diễn. NSƯT Phương Hồng Thủy nhớ lại: "Tôi nhận đóng vai bà cử, mẹ của Lan, trong vở "Lan và Điệp" diễn tối 20-8 vừa qua là để nâng bước các em. Thực tế, sàn diễn luôn cần sức trẻ. Thế hệ chúng tôi bây giờ phải hợp lực cùng các bạn trẻ, làm hết sức mình để sàn diễn có khán giả thật sự".

Với nghệ sĩ Hồng Nga, việc làm này cần phải duy trì thường xuyên chứ chỉ vài suất hát thì không thấm vào đâu. Lớp trẻ bây giờ nhanh chóng nổi tiếng nhưng bù lại, họ không có sàn diễn để cọ xát nên nghề vẫn chông chênh.

"Tôi quan niệm diễn viên chỉ có năng khiếu thôi chưa đủ mà phải tập luyện thường xuyên và đọ sức với các vai khó để đo được độ tương tác. Khán giả đến mua vé vì thích nghệ sĩ gạo cội nhưng chúng tôi mỗi ngày mỗi già nua, có bao nhiêu đó hơi ca, muốn sáng tạo thêm cũng không nổi. Chỉ có lớp trẻ mới làm được điều này. Nếu họ không yêu nghề, tâm huyết với môn nghệ thuật này thì cải lương sẽ nhanh chóng lụi tàn" - nghệ sĩ Hồng Nga thổ lộ. 

Tài năng trẻ cần được giúp sức

Mừng vì thấy các nghệ sĩ trẻ bắt đầu quay lại sàn diễn nhưng soạn giả Hoàng Song Việt vẫn tỏ ra ưu tư.

"Tôi đang gắn bó với "Hòa điệu đất chín rồng", mỗi tháng thực hiện một chương trình nguyên vở cải lương tại TP Cần Thơ, được VTV9 truyền hình trực tiếp. Sân chơi này dành cho các nghệ sĩ trẻ tại ĐBSCL. Tại sao TP HCM không làm được việc này để giúp sức cho các tài năng trẻ? Họ rất cần nâng đỡ có tính chiến lược để phát triển nghề. Họ cần kế thừa di sản của bộ môn này từ các nghệ sĩ tiền bối hiện còn đủ sức khỏe để làm công việc trao truyền kinh nghiệm ca diễn" - soạn giả Hoàng Song Việt nhìn nhận.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo