Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học - Nghệ thuật TP HCM vừa tổ chức tọa đàm "Thực trạng đầu tư cho văn học - nghệ thuật TP HCM hiện nay", tại đây, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật TP HCM, nhấn mạnh 2 yếu tố cần thiết để sự đầu tư tác động mạnh đến sáng tác, đó là đầu tư công trình trọng điểm và tạo môi trường sáng tác, giải pháp kích thích sáng tạo.
Không thể mãi bám đuôi
Sàn diễn cải lương tuồng cổ hiện nay vẫn phải sáng đèn bằng những vở diễn có nội dung của Trung Quốc như: "Loạn thế anh hùng", "Ngọc Kỳ Lân", "Bao Công sát thủ hoa hồng"… khiến nhiều người trong cuộc chạnh lòng. Phải chăng vì tuồng sử Việt khó đạt doanh thu cao hay đã cạn kiệt kịch bản sử Việt, nên các sân khấu phải bám đuôi cải lương Hồ Quảng để sáng đèn?
Vở cải lương “Bão táp Nguyên Phong” tại cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang” - sân chơi nghệ thuật giúp nhiều diễn viên trẻ thể hiện thành công vai diễn về đề tài lịch sử Việt Nam
Trả lời câu hỏi này, NSƯT Quế Trân cho biết vào năm 1998, cha của cô là cố NSND Thanh Tòng đã thực hiện công trình nghiên cứu khoa học "Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ" do Hội Sân khấu TP HCM chủ trì, ông đã khẳng định cải lương tuồng cổ phải thoát khỏi bóng dáng quen thuộc của cải lương Hồ Quảng, để hình thành phong cách vũ đạo, diễn xuất, cách ca diễn mới.
"Thời điểm đó hầu hết các vở như: "Câu thơ yên ngựa", "Tô Hiến Thành xử án", "Bão táp Nguyên Phong", "Cánh nhạn mù sương"… đã được Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ viết lại kịch bản theo hướng cải lương tuồng cổ thuần Việt - chủ yếu là đổi mới về âm nhạc, trình thức dàn dựng" - NSƯT Quế Trân nói.
Nhạc sĩ - NSƯT Minh Tâm phụ trách âm nhạc của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ thông tin thêm: "Tôi và NSND Thanh Tòng đã soạn thảo lại toàn bộ âm nhạc cải lương tuồng cổ dựa theo nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, đồng thời phát triển các bài dân ca, điệu lý phù hợp với cải lương tuồng cổ Việt Nam".
Những người trong cuộc cho rằng nhắc lại những việc trên để thấy đã đến lúc cần có sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước cho lĩnh vực cải lương tuồng cổ, bởi không thể để sàn diễn cải lương tuồng cổ cứ mãi bám đuôi Hồ Quảng để sáng đèn.
"Tôi quyết định tái dựng vở "Tô Hiến Thành xử án" theo hướng cải lương tuồng cổ thuần Việt là muốn tạo cú hích để thương hiệu Minh Tơ có thể đẩy mạnh việc dàn dựng vở sử Việt. Qua vở diễn thu hút khán giả sẽ kích thích các tác giả trẻ chú tâm hơn vào sáng tác vở sử Việt cho sân khấu cải lương nói chung, cải lương tuồng cổ nói riêng" - nghệ sĩ Công Minh tâm huyết.
Đa dạng hình thức đầu tư, hỗ trợ
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cần phải đẩy mạnh việc đưa các vở diễn, các trích đoạn sân khấu về đề tài lịch sử vào biểu diễn trong học đường. "TP HCM có đời sống sân khấu rất năng động, thời gian vừa qua đã có nhiều đơn vị đưa cải lương tuồng cổ về chủ đề sử Việt đến các trường. Cách làm này rất hay, buổi diễn đã trở thành những buổi học ngoại khóa của môn lịch sử" - NSND Trịnh Thúy Mùi nhận xét.
Đồng quan điểm, TS Mai Mỹ Duyên cho rằng có nhiều ý kiến lo lắng về tình trạng học sinh hiện nay không còn hứng thú học môn lịch sử bởi sự truyền thụ khá khô cứng, thiếu hấp dẫn. Với hình thức "sân khấu ngay tại sân trường" đang được TP HCM thực hiện, lịch sử sẽ được kể lại một cách sinh động, dễ hiểu, giúp các học sinh tiếp thu được những bài học lịch sử, cũng như nét đẹp của các loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương tuồng cổ.
Ngoài việc lan tỏa cải lương tuồng cổ đề tài sử Việt, nhiều nghệ sĩ còn nhấn mạnh các vở diễn về sử Việt rất tốn kém. Do đó, để có thể nuôi sống các tác phẩm sử Việt rất cần sự tiếp sức của nhà nước.
Kể câu chuyện của mình, nghệ sĩ Bình Tinh - Trưởng Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long - cho hay dù 2 vở sử Việt "Má hồng soi kiếm bạc" và "Rạng ngọc Côn Sơn" của đoàn Huỳnh Long được giới chuyên môn và người mộ điệu đánh giá cao nhưng do chi phí đầu tư dàn dựng, thuê mặt bằng trình diễn khá cao dẫn đến giá vé vượt quá khả năng tài chính của không ít khán giả đam mê cải lương tuồng cổ. "Điều này thiệt cả cho đoàn và cho khán giả nên chúng tôi rất cần sự tài trợ về giá vé để cải lương tuồng cổ đề tài sử Việt ngày càng phát huy và lan tỏa" - nghệ sĩ Bình Tinh bày tỏ.
Đạo diễn Quốc Thảo nêu giải pháp: "Ở TP HCM, đối với những tác phẩm chất lượng cao thuộc chủ đề sử Việt, nhà nước cần hỗ trợ công diễn ở Nhà hát Thành Phố và Nhà hát Bến Thành, bởi đây là 2 nhà hát có vị trí rất thuận lợi cho khán giả đến xem. Ngoài ra, nhà nước cũng có thể đặt hàng và hỗ trợ kinh phí cho các sân khấu xã hội hóa tham gia dàn dựng những vở diễn về sử Việt".
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu khẳng định: "Đã đến lúc sự đầu tư dành cho đời sống văn học - nghệ thuật của thành phố không thể cứ cào bằng mà cần được đầu tư có trọng tâm, trong đó ưu tiên các vở diễn về đề tài lịch sử mang tính giáo dục cao. Đề tài lịch sử sẽ không xưa cũ nếu được làm mới, mang hơi thở của thời đại".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-2
Bình luận (0)