xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sung muối ngày đông

Thu Đình

Đã qua rồi một thời đói khổ thế nhưng ba mẹ tôi vẫn giữ lại cây sung bên góc ao nhà.

Ba tôi bảo cây sung được xếp vào bộ "tứ linh" (đa, sung, sanh, si) và "tam đa" (sung, lộc vừng, vạn tuế) là vì sung tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy; cho sự may mắn, phát đạt. Cây cho bóng mát, làm cảnh; lá sung làm thuốc; quả thường được bày trên mâm ngũ quả ngày Tết… Cây sung "gợi sướng, gợi may". Vin vào câu ấy nên quê tôi ngày xưa, nhà nào cũng trồng ít nhất một cây sung trong vườn, những mong gia đình mình sẽ luôn được sung túc, ấm no, sum vầy, hạnh phúc. Đến khi được mẹ làm những món ăn từ quả sung: sung nộm/gỏi chua ngọt, sung om lươn, sung kho cá thịt, sung muối…, tôi mới vỡ lẽ ra rằng cây sung còn có nhiều lợi ích thiết thực, nhất là với những người dân quê nghèo.

Sung là loại cây dễ trồng, dễ sống, thường cho trái vào gần cuối năm. Mỗi lần muốn chế biến món ăn nào đó từ sung, bố tôi chỉ cần đứng dưới gốc cây dùng cây sào có móc đưa lên hái, thoáng cái là có cả một rổ sung đầy. Bố bảo cây sung nhà được ông nội xin về trồng cách đây cũng vài chục năm, thuộc giống sung nếp. Bố còn "bật mí" quả sung nếp có phần núm lõm, khi cắt ra thì ruột bên trong có màu hồng. Những món ăn làm từ sung nếp đều ngọt, giòn và thơm ngon cả; trong đó, tôi vẫn thích nhất món sung muối. Phần vì sung muối dễ làm, phần vì nhanh được ăn, thêm nữa là hương vị lại rất hấp dẫn; đặc biệt, ăn sung muối trong những ngày đông giá lạnh cũng thú vị lắm!

Sung muối ngày đông - Ảnh 1.

Mẹ chọn những chùm quả sung tròn đều, non, mềm, núm lõm vừa mới hái, không bị bầm dập làm sung muối. Vì như thế khi muối, sung sẽ giòn, ngon và ít chát hơn. Để sung muối nhanh ngấu và ngon, trắng giòn, mẹ cắt bỏ phần cuống, bổ đôi quả sung rồi ngâm tất cả vào nước muối để loại bỏ hết bụi bẩn cùng phần nhựa của quả. Sau đó vớt ra, rửa lại, để ráo.

Mẹ xếp lần lượt từng lớp sung vào vại sành miệng rộng, đáy hơi sâu rồi rải lên lớp tỏi, riềng, ớt cho đến khi hết số sung đem muối. Sau đó, đổ dung dịch nước muối đường còn ấm vào vại, lấy tấm vỉ tròn đan bằng tre dày đặt lên trên, dùng cối đá nhỏ đã rửa sạch đè xuống mặt vỉ cho nén chặt, đậy nắp và đặt vại sung muối ở nơi thoáng mát.

Chờ 2-3 ngày sau, mở nắp vại kiểm tra, khi thấy những miếng sung chuyển sang màu vàng tươi, mùi sung muối chua chua, thơm dịu bốc lên nghĩa là sung đã ăn được. Mẹ tôi bảo sung muối chua giòn, chát chát, sẽ ngon tròn vị hơn khi ăn kèm với các món tôm, cá, thịt gà, thịt heo, ốc luộc, nem…; hợp nhất là ăn kèm với món mắm tép có thêm tóp mỡ, hành phi và gừng. Khác với cà muối, dưa muối, món sung muối vừa bảo quản được lâu lại tốt cho sức khỏe. Vào mùa đông lạnh, sau những buổi đi học, đi làm đồng về, ngồi bên mâm cơm gia đình, ăn cơm nóng với món sung muối chấm mắm tép đồng do chính tay mẹ làm thì bao nhiêu cơm cũng chưa vừa bụng.

Những ngày cuối năm, cây sung bên ao nhà đang vào mùa rộ quả. Mẹ gọi điện lên phố hỏi thăm sức khỏe, công việc của tôi và không quên báo tin: "Cây sung nhà mình năm nay sai quả lắm!". Chỉ chờ có thế thôi, lòng tôi lại háo hức được ăn món sung muối kèm với mắm tép qua đôi bàn tay thảo thơm của mẹ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo