Điều gắn kết 3 tác giả trên chính là những sợi mì. Cả 3 đều thích khám phá các món ăn và bắt đầu kể về những món mì từ những câu chuyện hết sức thú vị. Đặc biệt, trong phần đầu của cuốn sách, 3 tác giả đã giới thiệu một số công thức làm mì được giải thích từng bước và cách chế biến nước chấm, nước xốt, nước lèo cơ bản nhất trong thế giới mì vô tận mà họ chia sẻ bằng sự nâng niu.
Từ trái qua phải: Trần Minh Tâm, Chihiro Masui, Margot Zhang
Điều thú vị hơn khi đọc quyển sách là sự phân tích rất khoa học về các nguyên phụ liệu, hương liệu, thành phần dinh dưỡng, cách chế biến và trên hết là lựa chọn thực phẩm, nông sản cần và đủ để chế biến các món mì. Phần giới thiệu về mì và bún của Việt Nam tạo được ấn tượng độc đáo thông qua hình ảnh, lời chú thích cũng như cách dẫn nhập vào câu chuyện để bạn bè quốc tế biết rõ hơn về các món ăn như bún mộc, miến gà, bún cá, bún bò Huế, hủ tíu mì, bún măng vịt, bánh canh cua, phở bò, bún chả Hà Nội, hủ tíu khô, mì Quảng...
Bìa quyển sách “150 món mì của người châu Á”
"Và mì, món ăn đường phố tuyệt hảo, có mặt ở mọi góc phố và trong từng hộ gia đình, chính là biểu tượng đặc trưng của vùng đất châu Á. Trong khái niệm này, chúng tôi đã nhận ra điều gì đã làm cho cuộc hội ngộ của chúng tôi trở nên thật đẹp. Để chúng tôi nhận biết điểm chung và làm giàu thông qua sự khác biệt từ việc truyền tải kiến thức tương ứng, khám phá các kỹ thuật chế biến. Còn gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức ẩm thực và hiểu hơn về sự ra đời, nguồn gốc văn hóa, để cùng ngưỡng mộ khi thực hiện một món ăn. Chính nét đặc thù mang tính phong phú của thế giới mì vô tận đã làm nên điều khác biệt giữa các quốc gia, đồng thời gắn kết chúng tôi lại với nhau xung quanh món ăn phổ biến: mì. Sợi mì muôn năm" - tác giả Minh Tâm chia sẻ khi giới thiệu về quyển sách.
Sinh ra và lớn lên tại Pháp, Minh Tâm (con gái của GS-TS Trần Quang Hải, cháu nội của GS-TS Trần Văn Khê) về Việt Nam lần đầu lúc bà 40 tuổi để nghiên cứu tất cả món ăn Việt Nam từ Nam ra Bắc. Theo lời kể của GS-TS Trần Quang Hải, Minh Tâm đã tìm gặp những người lớn trong gia đình để hỏi thăm về cách chế biến các món ăn của người Việt Nam. Từ đó, bà ôm ấp hoài bão thực hiện quyển sách ghi chép đầy đủ về các món ăn mang nét đẹp văn hóa của mỗi vùng miền trên quê hương mình.
"Quyển sách này cũng như món quà ý nghĩa kính dâng lên ông nội (cố GS-TS Trần Văn Khê) nhân kỷ niệm 6 năm ngày mất và hướng tới 100 năm ngày sinh của ông" - GS-TS Trần Quang Hải xúc động nói.
Bình luận (0)