xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thầy Trụ Vũ “vẽ” thơ

Bài và ảnh: Huỳnh Nga

50 năm làm thơ, viết thư pháp, cụ Trần Đại Bính (Trụ Vũ) đã mang lại vẻ đẹp tinh thần cho nhiều thế hệ

Cầm chiếc bút lông trên tay, ông cụ chấm vào thố mực tàu và nhẹ nhàng đưa nét bút lướt trên tấm giấy điều. Vài phút trôi qua, bài thơ đã được hoàn tất. 50 năm qua, trong ngôi nhà nằm tại số 51F Phan Tây Hồ, phường 7, quận Phú Nhuận - TPHCM, thầy Trụ Vũ (tên thật là Trần Đại Bính) vẫn đều đặn với công việc viết thư pháp từ sáng sớm cho đến khi màn đêm buông xuống.

 
Bén duyên thư pháp Việt
 
Những ngày cuối năm, ông cụ càng tất bật hơn vì khách hàng liên tục đặt hàng viết bài thơ, câu đối. 80 tuổi, gương mặt và đôi tay đã lấm tấm đồi mồi nhưng đôi mắt cụ vẫn tinh tường, đôi tay vẫn rắn rỏi. Đó cũng là lý do khiến nhiều người dân ở khắp mọi miền đất nước chọn cụ viết thư pháp treo trong nhà mỗi khi Xuân về hay có dịp chúc phúc, mừng thọ, tân gia.
 
Trong ánh nắng xuyên qua mành trúc, cụ kể cho tôi nghe cơ duyên đến với nghề. “Trước đây, tôi vốn mê làm thơ nên mỗi lần gặp bạn bè, người quen, tôi đều làm thơ để tặng. Những bài thơ vừa làm quà vừa giúp tôi mưu sinh.
 
Cho đến một lần, khi tôi làm thơ tặng một người chị, thấy thích bài thơ nên chị đề nghị tôi viết lên giấy để treo tường. Từ gợi ý này, tôi chợt nghĩ, trước đây, có cụ Đông Hồ từng viết thư pháp Việt rất đẹp, sao mình không bắt chước viết thơ thử xem sao?”.
 
 
img
Cụ Trụ Vũ đang miệt mài viết thư pháp


Bài thơ đầu tiên ông cụ tặng người chị được viết đi viết lại mấy chục lần đến nỗi cụ thuộc làu làu dù đã 50 năm trôi qua. “Giọt nước ngàn năm lóng lánh buồn; Nổi chìm trên một lá sen vuông; Làm sao giải nghĩa tròn vuông được; Giọt nước ngàn năm lóng lánh buồn”.
 
Khi cầm bài thơ được viết theo kiểu thư pháp đến tặng, nhìn chị sung sướng, ông cụ cũng thấy vui lây. Từ đó, cụ chính thức bước vào nghiệp làm thơ khoán thủ (thể thơ mà ở đầu các câu thơ có những từ khi liên kết với nhau tạo thành một hệ thống có ý nghĩa) viết dưới dạng thư pháp.
 
Cách tiếp thị độc đáo
 
Bút danh Trụ Vũ của cụ khởi nguồn từ một câu chuyện vui. Hôm đó, cụ cùng một người bạn đi lang thang trên đường Trần Hưng Đạo thì gặp cơn mưa bất ngờ đổ xuống, hai người vội chạy đến núp dưới trụ điện.
 
Trong lúc trú mưa, người bạn nhìn sang bên đường thấy tiệm bán đinh, liền nói vui: “Tôi lấy bút danh là Quách Thoại”. Nghe bạn nói vậy, cụ hài hước đáp lại: “Vậy tôi sẽ lấy bút danh là Trụ Vũ vì tụi mình đang đứng cạnh trụ điện mà trên trời lại có mưa to”- cụ kể và cười xòa.
 
Ngày ấy, để tiếp thị “sản phẩm” của mình, cụ Vũ đã làm một việc...không giống ai. Thấy một tờ báo có mục lễ thành hôn, tân hôn cho những đôi lứa yêu nhau, cụ xem tên họ của những đôi uyên ương rồi viết ra những dòng thơ thể hiện tên tuổi của họ cũng như ý nghĩa, tình cảm của họ dành cho nhau.
 
Những bài thơ sau đó được chuyển đến cho những cặp vợ chồng mới cưới. Nếu ai thích thì mua, không thích thì cụ đem về treo làm kỷ niệm. Không ngờ “chiêu” tiếp thị ấy được nhiều người biết đến. Cái tên Trụ Vũ bắt đầu chinh phục được khách hàng ở TPHCM và các tỉnh, thành lân cận.
 
Những kỷ niệm khó quên
 
Trong ngôi nhà của cụ, những bài thơ, thư pháp treo khắp nơi. Cụ kể, cách đây vài năm, nhân kỷ niệm ngày thành lập Báo Người Lao Động, cụ đã viết tặng bài thơ thể hiện tôn chỉ, mục tiêu của tờ báo. Đó là: “Người nguyện vì người cất tiếng lên; Lao tâm khổ tứ gọi công quyền; Động cơ nào đẹp bằng công đạo; Sự nghiệp Người Lao Động vững bền”.
 

Cụ Trụ Vũ nhấn mạnh: “Đối với tôi, tiếng Việt không chỉ viết được thư pháp mà còn viết rất đẹp. Thông qua hình thức viết thư pháp của mình, tôi muốn giới thiệu chữ quốc ngữ ra bạn bè thế giới bởi thư pháp tiếng Việt không thua kém gì thư pháp chữ Hán”.

Nhưng vui nhất với cụ trong 50 năm cầm bút đó là kỷ niệm với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Cụ kể: “Năm 1965, tôi có viết một bài thơ tặng ông với ý nghĩa nói rằng ông ấy chính là cây bồ đề quý ở phương Nam. Không ngờ sau ngày giải phóng, tình cờ đi trên đường, gặp lại nhau, ông ấy mời tôi về nhà chơi. Khi đến nhà, tôi rất bất ngờ khi nhìn thấy trên bàn thờ của vợ bạn là hai bài thơ, một của Phạm Biểu Tâm và bài còn lại là của tôi”.
 
50 năm theo nghiệp cầm bút, ngoài những bài thơ khoán thủ, cụ Vũ còn viết thư pháp và xuất bản hơn 20 tập thơ. Cụ còn tham gia nhiều triển lãm ở TPHCM, Huế... Những bài thơ, thư pháp của cụ giờ không chỉ bó buộc trong chất liệu giấy mà còn được viết trên gỗ, đá, gạch, sành sứ... Tuy tuổi đã cao nhưng mỗi ngày cụ vẫn có thể nghĩ và viết ra hàng trăm bài thơ khác nhau chỉ từ những cái tên gọi, địa danh. Với cụ, một bài thơ có thể ra đời trong vòng một phút.
 
Điều đặc biệt ở cụ là những ai có ý đồ xấu hay có mục đích không tốt dù có trả thù lao cao cụ cũng không viết. Anh Nguyễn Khánh Hùng, quê ở Quảng Bình, phụ trách thiết kế cho cụ, nhận xét: “Chúng tôi xem cụ là một người thầy tài giỏi và đáng kính. Tuy rất yêu thương, đối đãi hòa nhã với mọi người nhưng khi bước vô nghề cụ rất khắt khe, luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ cũng như tính sáng tạo không ngừng. Bởi cụ luôn quan niệm, cái đẹp không chỉ là cái tinh tế nhất mà còn phải có ý nghĩa nhất”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo