xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vượt qua nỗi lo cắt giảm nhân sự

Bài và ảnh: MÂY TRINH

Tình trạng cắt giảm nhân sự vẫn tiếp diễn trong khi nhu cầu tuyển mới của doanh nghiệp trong năm 2024 không cao, chỉ ưu tiên những ứng viên có khả năng thích ứng tốt

Trái ngược với các thống kê tích cực về số người có việc làm, thực tế không ít doanh nghiệp (DN) vẫn âm thầm cắt giảm nhân sự. Mất việc thời điểm này, người lao động (NLĐ) không chỉ hụt hẫng mà còn mất luôn thưởng Tết.

Lưỡng lự

Vào làm hơn 1 năm, những tháng gần đây, chị Trần Thị Ái Nhi (26 tuổi, ở TP Hà Nội) thấy rõ tình hình kinh doanh của công ty có dấu hiệu đi xuống. Tháng 11-2023, ban lãnh đạo thông báo giảm 50% lương và kèm lời hứa bảo đảm cho toàn thể nhân viên có một cái Tết trọn vẹn.

Nhưng kết quả dường như kém khả quan, giữa tháng 12-2023, chị Nhi cùng nhiều người khác được cho nghỉ việc. Công ty chỉ có thể chi trả lương tháng 12. Hiểu tình cảnh của công ty, chị chấp nhận lời đề nghị song cảm thấy thất vọng vì "cố gắng cả năm nhưng giờ thành công cốc". Khoản thưởng Tết bao lâu chị mong đợi, nay đã hết hy vọng.

Mất việc, chưa dám nói với bố mẹ, hằng ngày, 9 giờ chị mang laptop ra quán cà phê giả vờ đi làm. Tích cực rải hồ sơ ứng tuyển, cộng với 5 năm kinh nghiệm trong ngành truyền thông, nên chị sớm nhận được thư mời nhận việc. Dù vậy, chị đang lưỡng lự vì môi trường không phù hợp, định hướng phát triển không rõ ràng và mức lương nhà tuyển dụng chi trả thấp hơn lương cũ. "Tôi rất sợ lặp lại tình cảnh cũ, vào làm thời gian ngắn, công ty gặp khó khăn lại phải đi tìm việc nên tôi còn cân nhắc" - chị Nhi nói.

Người lao động làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM, tháng 11-2023

Người lao động làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM, tháng 11-2023

Theo khảo sát của Navigos Group, năm 2023, cắt giảm nhân sự là biện pháp được DN sử dụng nhiều nhất khi bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường (chiếm 68,7%). Lựa chọn thứ hai là ngưng tuyển dụng mới (52,6% ý kiến). Trong đó, ngành xây dựng - bất động sản và dịch vụ tư vấn có tình trạng cắt giảm quy mô lớn, từ 50% đến dưới 75%. Quy mô cắt giảm dưới 25% nhân sự diễn ra ở tất cả các nhóm ngành.

Bà Trần Thị Ngọc Thảo, Giám đốc cấp cao Công ty CP Asia White Collar - Chi nhánh TP HCM, cho rằng tình trạng cắt giảm hàng loạt lao động phổ biến hơn so với trước đây. Trong đó, cắt giảm giai đoạn trước Tết có 2 nguyên nhân, do tình hình kinh doanh hiện tại không mấy tích cực và tránh việc chi trả lương tháng 13, thưởng Tết. Chưa kể, dự đoán 2 quý đầu năm nay, thị trường chưa kịp khởi sắc, nên cũng ảnh hưởng tới kế hoạch nhân sự của DN.

Tăng khả năng thích ứng

Theo bà Đào Hạnh Giang, đồng sáng lập - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Build Talents (quận Bình Thạnh, TP HCM), năm 2024, không ít DN lựa chọn hình thức tuyển dụng mới như: tuyển cộng tác viên, bán thời gian, lao động tự do... Đây cũng là một cách để công ty cắt giảm chi phí, trên thực tế có những DN duy trì 50% lương và 50% phúc lợi không tiền mặt. Nếu sử dụng cách thức này, DN vẫn có người đảm đương công việc nhưng không tốn chi phí lớn.

Trong hoàn cảnh này, khả năng thích ứng của NLĐ cần phải được phát huy. Điều đó được thể hiện qua cách họ duy trì tâm lý tích cực, không để tình cảnh thất nghiệp kéo tụt năng lượng, tinh thần. "Đừng tư duy rằng việc của bạn có thể sẽ được thay thế bằng công nghệ mà phải chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng mới" - bà Giang khuyên.

Còn bà Trần Thị Ngọc Thảo đánh giá năm 2024, ngành logistics, thương mại điện tử, thực phẩm... vẫn khá triển vọng. Tuy nhiên, dù cơ hội mở ra thì cung vẫn khó gặp cầu. Nguyên do là sự khác biệt trong tư duy, nhất là về mức lương giữa NLĐ và DN. Lãnh đạo công ty mang tâm lý nguồn ứng viên dồi dào nên trả mức lương thấp thay vì đánh giá trên giá trị có thể đóng góp. 

Trong khi, ứng viên sợ bị "ép lương", nếu nhận lương thấp sẽ mất thời gian dài mới bằng mức lương trước đây. Do đó, nhiều NLĐ chủ trương đi làm bán thời gian, công việc tự do như bán hàng qua mạng, chạy xe công nghệ, làm cộng tác viên... "DN cần quan tâm tới các phúc lợi và mức lương tương xứng với công việc của NLĐ. Về phía ứng viên, cân nhắc các giá trị ưu tiên của bản thân cũng như định hướng nghề nghiệp để ra quyết định" - bà Thảo nói.

Cùng quan điểm, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết công ty đang tăng tốc thu hút và phát triển nhân tài với các kỹ năng mới như: thương mại điện tử, tiếp thị kỹ thuật số, tự động hóa trong các nhà máy... Tiêu chí tuyển dụng dựa trên ý chí hơn là kỹ năng, năng lực hơn là kinh nghiệm. "Chúng tôi mong đợi và tìm kiếm những người có khả năng học tập cao cũng như sẵn sàng thích ứng với thay đổi" - ông Binu Jacob nhấn mạnh. 

Năm 2024, ít doanh nghiệp tuyển dụng trên 50%

Khảo sát của Navigos Group cũng cho thấy gần 60% DN có nhu cầu tuyển thêm dưới 25% nhân sự trong năm 2024; hơn 15% có kế hoạch tuyển dụng bổ sung từ 25% - 50% lao động. Bên cạnh đó, số DN có nhu cầu tuyển trên 50% chỉ chiếm trên 2,5%. Trong đó, các phòng ban được ưu tiên tuyển dụng là kinh doanh, bán hàng (62,3%), sản xuất (26,1%) và truyền thông tiếp thị (19,8%). Còn phòng ban ít ưu tiên nhất là kỹ thuật và hành chính tổng hợp.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo