Ở Nam Phi, bóng đá không phải môn thể thao chiếm vị trí độc tôn, đó là điều chắc chắn. Với World Cup lần đầu tiên được tổ chức ở đất nước cầu vồng, bóng đá đang cạnh tranh vị trí số một trong làng thể thao Nam Phi với rugby, cricket – hai môn được người dân nước này ưa chuộng hơn cả. Tuy nhiên, nếu đến Nam Phi vào thời điểm này, chắc chắn sẽ không ai thắc mắc vì sao túc cầu là “vua” bởi đây là giai đoạn bóng đá đang thực sự ngự trị trong tâm hồn và chiếm lĩnh mọi ngõ ngách của đời sống người dân Nam Phi.
Một CĐV Nam Phi khoe chiếc áo vàng của ĐTQG, hiện đang là “đồng phục” của tất cả người dân nước này
Khi mới đặt chân tới Nam Phi, tôi đã tò mò tự hỏi tại sao rugby (bóng bầu dục) lại có vị trí quan trọng trong đời sống của người Nam Phi hơn cả môn thể thao vua. Sau khi được xem một số trận, tôi đã nhận ra một số nét tương đồng giữa bóng đá và rugby. Cũng như bóng đá, rugby ra đời ở nước Anh. Đây là môn chơi yêu cầu tinh thần đồng đội cực kỳ cao, dù thành viên ở một đội rugby nhiều hơn bóng đá. Luật rugby khá phức tạp, cách ghi bàn cũng quyết định số điểm mà bạn ghi được.
Cho đến nay, đội tuyển rugby của Nam Phi vẫn là một trong những đội mạnh nhất thế giới. Năm 1995, Nam Phi vô địch rugby World Cup trên sân nhà. Đó cũng là giải đấu tầm cỡ thế giới đầu tiên họ đăng cai. Tuy nhiên, có vẻ như rugby vẫn là môn thể thao dành cho giới thượng lưu ở quốc gia này, còn đa phần người dân da màu có mức sống nghèo hoặc trung bình vẫn ưa thích bóng đá hơn, họ có thể chơi ở bất cứ đâu.
Câu chuyện rugby lại liên quan khá nhiều đến niềm tin của người dân Nam Phi ở FIFA World Cup 2010. Đội tuyển Nam Phi rõ ràng là không mạnh, được xem yếu nhất trong bảng A gồm Pháp, Mexico và Uruguay. Tuy nhiên, có những người Nam Phi lạc quan tới mức họ tin cúp vàng FIFA sẽ ở lại nước mình chứ không đi đâu hết. Một anh chàng người Nam Phi tôi gặp hôm xếp hàng mua vé lý giải: “Năm 1995, Nam Phi là chủ nhà và đã vô địch rugby World Cup.
Đến năm 1996, khi đăng cai Cúp Bóng đá châu Phi, chúng tôi cũng đăng quang. Và gần đây nhất, World Cup cricket vào năm 2003 diễn ra trên sân nhà, Nam Phi cũng lên ngôi. Đó đều là những chức vô địch rất ngoạn mục của Nam Phi. Vì thế, tôi tin rằng đội tuyển bóng đá Nam Phi cũng sẽ giành cúp bóng đá thế giới 2010” (!?).
Có thể người Nam Phi đang “say”, tất nhiên trong số này không có những cây viết thể thao, những nhà bình luận chuyên môn- những người hiểu rõ sức mạnh thực sự của Nam Phi. Riêng tôi, cảm nhận được một niềm tin rất lớn ở người Nam Phi. Họ vốn sống vui vẻ và lạc quan nhưng hiếm khi nào... lãng mạn như lúc này.
Nếu ra đường vào thời điểm hiện tại, bạn sẽ thấy hầu như tất cả đều mặc áo vàng của ĐTQG Nam Phi, từ dân nghèo cho đến ông chủ lớn. Bóng đá dường như đang xóa mờ những khoảng cách phân hóa và địa vị xã hội. Có lẽ chỉ có thể thao và niềm tin vào một điều thần kỳ mới giúp người dân của đất nước gần 50 triệu dân này trở nên gần gũi đến kỳ lạ như vậy.
Argentina được hâm mộ nhất
Nếu Nam Phi vào vòng hai, nhiều khả năng họ sẽ phải đối đầu Argentina. Đó thực sự là một trận chung kết sớm của người Nam Phi. 13 giờ ngày 3-6, đường phố Pretoria đã chộn rộn vì đội tuyển Argentina bắt đầu buổi tập tại trung tâm trình diễn của Trường ĐH Pretoria lúc 15 giờ. Khắp đường phố đã inh ỏi tiếng kèn vuvuzela.
Tôi đã mua được vài trái bóng Jabulani để chuẩn bị xin chữ ký các tuyển thủ Argentina. Giá của Jabulani khá đắt, từ 130-150 USD/quả, kể cả bóng có in chữ Final dành cho trận chung kết cũng đã được bày bán. Nhiều người ở Việt Nam đã đặt hàng du học sinh Nam Phi mua Jabulani. Tất nhiên, nếu xin được chữ ký của Messi và Maradona thì tôi sẽ giữ quả bóng đó cho riêng mình. |
Bình luận (0)