xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bí mật những lọ thuốc

Bài và ảnh: THU HỒNG

Hàng trăm lọ thuốc “độc” được phun xịt hằng ngày trên rau nhưng các cơ quan chức năng chưa thể kiểm tra, xử lý triệt để

Qua nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi giật mình khi biết ngoài sử  dụng những loại thuốc kích thích tăng trưởng thông thường cho rau, để “tăng đô”, nhiều chủ vườn còn sử dụng các loại thuốc nhập lậu từ Trung Quốc, không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng. Họ chỉ biết xịt và xịt, miễn sao hiệu quả là được. 

 
Thuốc “Mo”... thần kỳ!
 
Trong số những lọ thuốc vứt vương vãi mà chúng tôi nhặt được dọc các kênh thoát nước trên địa bàn huyện Hóc Môn và quận 12-TPHCM, hầu hết đều là thuốc trừ sâu, trị bệnh cho rau và có nhãn mác, chưa tìm được các lọ thuốc của Trung Quốc.
 
Theo anh C., chủ vườn rau tại quận 12 thì “những loại này cấm sử dụng, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện sẽ bị phạt nặng, đó là lý do vì sao các chủ vườn chỉ xịt thuốc vào ban đêm, sau khi xịt xong họ chôn tất cả xuống đất, không thể nào tìm được”.
 
Ngoài việc “né” các cơ quan chức năng, các chủ vườn cũng ngại khi người dân phát hiện sẽ không dám sử dụng rau của họ nên mọi loại thuốc đều được “thủ tiêu” rất gọn.
 
Khi chúng tôi hỏi: Tại sao có nhiều loại thuốc kích thích sinh trưởng có nhãn mác nhưng người trồng rau lại không dùng mà dùng thuốc nhập lậu để rủi ro bị phạt, anh C. không ngần ngại: “Bởi công dụng các loại thuốc Trung Quốc rất thần kỳ, hiệu quả khác xa thuốc Việt Nam nên dù cấm nhưng nhiều chủ vườn vẫn lén lút sử dụng”. 
 
img
Những bao tải chứa vỏ chai thuốc trừ sâu, bị vứt xuống kênh xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn
 
Để có được loại thuốc “thần kỳ”, chúng tôi phải thông qua nhiều chủ vườn đã giải nghệ để xin “bí quyết” và các “bí quyết” dần dần hé lộ. Theo lời anh C., đây là thuốc cấm nên rất khó mua tại các cửa hàng phân bón. Một số cửa hàng do những người cùng quê với nhà vườn quản lý, đôi lúc có bán nhưng thích thì bán, không thích thì thôi.
 
Người lạ không bao giờ mua được, kể cả những người làm vườn Nam Bộ. Thông thường, thuốc được các đầu nậu chuyển từ Bắc vào và phân phối qua các kênh quen biết. Số lượng mỗi lần bán không nhiều để tránh các lực lượng chức năng kiểm tra.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số đầu nậu quê Hà Tây chuyên cung cấp loại thuốc Trung Quốc thường gọi là thuốc “Mo” dùng cho rau muống nước và địa bàn chính để tiêu thụ nguồn hàng này là các ao rau muống tại quận 12.
 
Công dụng chính của thuốc “Mo” là giúp rau muống cứng cọng, vượt cao, lá bóng, mướt, có thể vận chuyển sang các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu mà không sợ dập.
 
Khi mua về, người trồng rau tự ý pha chế theo ý thích, muốn hiệu quả nhanh thì pha ít nước, cách sử dụng chỉ truyền miệng nhau nên không biết đâu mà lần. Giá một lọ thuốc “thần kỳ” chỉ khoảng 30.000 đồng/lọ nên người dân rất chuộng.
 
“Đa số người trồng trọt vẫn sử dụng thuốc sai quy trình (chiếm hơn 70%), sai về thời gian cách ly (20%), việc các hộ trồng rau muống sử dụng thuốc kích thích không nhãn mác thì nguy cơ tiềm ẩn mức độ nguy hại cho người tiêu dùng càng cao hơn”- một cán bộ Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT nhận định.
 
Độc mặc độc, xài cứ xài!
 
Ngoài thuốc kích thích tăng trưởng Trung Quốc, thuốc trừ sâu Trung Quốc cũng được các chủ vườn ưa dùng. Theo lời anh D., một người từng trồng rau, các đầu nậu chuyên lấy thuốc ở Chợ Lớn và chiết ra thành từng lọ nhỏ, cao cỡ 5 cm, màu đen như mực, do không nhãn mác nên người ta gọi là thuốc trừ sâu Trung Quốc.
 
Chỉ cần một dung lượng nhỏ cỡ 2 muỗng canh là có thể phun cho 500 m2 rau, giá mỗi lọ chỉ 4.000 đồng mà hiệu quả đến không ngờ. Do thuốc cực độc nên chủ vườn thường mua ít, tránh trường hợp trẻ con bốc phải.
 
Cầm hai lọ thuốc trừ sâu cực độc trên tay, chúng tôi lo ngại bởi khi xịt vào rau quả, nếu không bảo đảm thời gian thu hoạch thì người tiêu dùng ăn vào sẽ ra sao?  
 
img
Các loại thuốc kích thích tăng trưởng, trừ sâu Trung Quốc được người trồng rau chuyền tay sử dụng vô tội vạ 
 
Kinh hoàng hơn, khi chúng tôi được cung cấp thêm một loại thuốc Trung Quốc mà thường gọi là thuốc tím, đựng trong lọ thủy tinh, mùi hắc rất khó ngửi. Trên nắp chai chỉ ghi vỏn vẹn vài dòng chữ Trung Quốc, dịch ra là tên một công ty của Trung Quốc.
 
Công dụng chính là giúp rau “hồi sức” nhanh, mướt lá, đẹp thân... Không cần giai đoạn thu hoạch, khi trồng nếu thấy rau èo uột thì xịt vào, còn liều lượng pha chế thì tùy kinh nghiệm mỗi người.
 
Về nguồn gốc của thuốc tím không quá khó tìm như các loại thuốc “Mo”, thuốc trừ sâu Trung Quốc, nếu người trồng rau quen mặt đến các tiệm phân bón rỉ tai người bán sẽ được bỏ vào bao xốp đen một cách kín đáo.
 
Anh T., người từng sử dụng loại thuốc này, cho biết: “Tôi không dám xịt nhiều vì thuốc này độc lắm. Theo lời người bán thì đối với các loại cây cho quả, chỉ nên xịt trước giai đoạn có trái, nếu xịt vào trái có thể gây ngộ độc cho người ăn”.
 
Điều mà chúng tôi thật sự lo lắng là hàng trăm lọ thuốc Trung Quốc được phun xịt hằng ngày trên rau nhưng các cơ quan chức năng chưa thể kiểm tra, xử lý triệt để.
 
Ngày qua ngày, số lượng người rỉ tai nhau sử dụng càng nhiều, trong khi việc nghiên cứu và đưa ra những kết luận về các độc chất của các loại thuốc này liệu có tồn dư trong rau, khi đưa vào cơ thể con người sẽ tác động thế nào đến nay vẫn chưa thấy cơ quan nào đả động!?
 

Thí nghiệm nửa vời !

 
Theo các chuyên gia nông nghiệp, bản chất thuốc kích thích sinh trưởng (KTST) là làm giảm quá trình phân chia tế bào, kéo dài tế bào và tăng hoóc môn sinh trưởng. Nếu dùng quá nhiều sẽ làm tăng quá trình không bào hóa.
 
Bên cạnh đó, trong tất cả các loại thuốc KTST (trong danh mục hay ngoài danh mục cho phép) đều có chứa hàm lượng Gibbrellic acid - là hoạt chất độc loại 3 (ở bài viết trước chúng tôi đã đề cập), khi vào cơ thể người quá liều sẽ gây độc.
 
Năm 2008, khi dư luận rộ lên thông tin về thuốc KTST giúp rau tăng vọt cấp tốc, Bộ NN-PTNT đã tiến hành thí nghiệm trên quy mô lớn nhằm đánh giá khả năng ảnh hưởng của thuốc KTST đối với cây trồng.
 
Tuy nhiên, việc đánh giá chỉ dừng ở mức chứng minh thuốc KTST không có tác dụng “thần kỳ” như những thông tin đã rộ lên trước đó. Vấn đề lớn nhất mà dư luận quan tâm là thuốc KTST có tạo ra độc chất mới nào trong cây không?
 
Dư lượng có gây hại cho sức khỏe người sử dụng không?..., các đơn vị tham gia cho rằng cần phải có thời gian và sự phối hợp của nhiều cơ quan như Bộ Y tế vào cuộc mới đưa ra được những thông tin chính xác về mức độ ảnh hưởng của thuốc KTST đối với người sử dụng.
 
Kỳ tới: Thả nổi quản lý
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo