xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bức tử sông Đồng Nai

Bài và ảnh: Minh Khanh

Sông Đồng Nai bị phát hiện ô nhiễm, suy thoái nguồn nước từ 10 năm trước. Hàng trăm giải pháp đã đưa ra, hàng ngàn tỉ đồng đã được giải ngân… nhưng “bệnh tình” của dòng sông này ngày càng trầm kha

Không như dòng sông mênh mông nước ta vẫn chứng kiến hằng ngày, nhiều nghiên cứu cho thấy lưu vực sông Đồng Nai đã lâm vào tình trạng khan hiếm nước ở mức báo động. Năm 2005, lượng nước bình quân đầu người trong khu vực là 2.486 m3 (theo tiêu chuẩn của Hội Tài nguyên nước quốc tế, dưới ngưỡng 4.000 m3/năm là thiếu nước), năm 2010 chỉ còn 2.098 m3. Dự báo đến năm 2020, lượng nước bình quân đầu người có thể giảm xuống mức 1.770 m3, từ năm 2040 chỉ còn 1.475 m3/người/năm - mức cực kỳ khan hiếm.

Hứng trọn nước thải

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP HCM, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng nước cho 3 mục tiêu sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp toàn lưu vực khoảng 9,5 tỉ m3/ngày. Đã có nhiều trường hợp tranh chấp nguồn nước xảy ra trong lưu vực. Trong khi đó, trữ lượng nước trên sông Đồng Nai đang suy giảm vì nhiều lý do.

Kết quả quan trắc, tính toán của Viện Môi trường và Tài nguyên TP HCM cho thấy mức độ ô nhiễm hệ thống sông Đồng Nai ngày càng gia tăng. Trên sông Sài Gòn đoạn từ rạch Tra trở xuống bị ảnh hưởng mạnh bởi nước thải sinh hoạt và công nghiệp ở TP HCM và tỉnh Bình Dương đổ ra nên chất lượng nước khá xấu với nhiều thông số không đạt quy chuẩn về nước mặt, chưa kể nạn xâm nhập mặn.

img
Sông Đồng Nai ngày càng ô nhiễm trầm trọng do hứng nhiều nguồn chất thải sinh hoạt, công nghiệp

Đoạn từ cửa rạch Tra trở lên thượng nguồn có Nhà máy Nước Tân Hiệp của TP HCM, Nhà máy Nước Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương làm nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt. Song, chất lượng nước đoạn này nhìn chung không đạt quy chuẩn đối với các thông số hữu cơ lẫn kim loại nặng: Nồng độ chì tại trạm bơm Hòa Phú vượt 2,4 lần, chỉ số dầu mỡ tại cầu Phú Cường vượt 98 lần…

PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TP HCM, khẳng định cả sông Sài Gòn và dòng chính sông Đồng Nai đều gánh ô nhiễm chủ yếu từ nước sinh hoạt. TP HCM chỉ có một nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt công suất 150.000 m3/ngày, trong khi lượng thải khoảng 1,2 triệu m3/ngày đêm. Ở các tỉnh còn lại, nước thải sinh hoạt đều xả thẳng ra sông.

Dẫu biết các KCN đã có hệ thống xử lý nước thải, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP HCM, vẫn lo lắng về nguồn xả thải công nghiệp. Bởi lẽ, hiện nhiều cụm công nghiệp tập trung vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải. Thậm chí tại các KCN vẫn còn tình trạng doanh nghiệp xả lén, xả nước thải chưa đạt chuẩn ra môi trường.

Hiện nay, trong lưu vực có 103 KCN, con số dự kiến đến năm 2020 là 218 với gần 38.000 cơ sở quy mô khác nhau, lượng nước thải công nghiệp ước tính hơn 1 triệu m3/ngày đêm. Đây là áp lực ô nhiễm khủng khiếp cho sông Đồng Nai nếu không có giải pháp quản lý nguồn xả thải.

Hồ chứa: Công hay tội?

Theo GS-TS Tăng Đức Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, có 15 hồ chứa thủy điện - thủy lợi lớn được đưa vào quy hoạch trên dòng chính và các chi lưu sông Đồng Nai. Vừa qua, 2 bậc thang thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã bị Chính phủ loại khỏi quy hoạch, bậc thang thủy điện Đồng Nai 8 sau khi được tách ra thành các thủy điện nhỏ cũng đã bị UBND tỉnh Đồng Nai loại khỏi quy hoạch do các tác động tiêu cực.

Phát biểu tại hội thảo về giải pháp khoa học nhằm cứu nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai do Sở KH-CN TP HCM phối hợp Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức mới đây, GS-TS Thắng cho biết ông không thống nhất với ý kiến thủy điện tàn phá hạ lưu. Bởi lẽ, nguồn nước xả cho mùa khô sẽ tăng lên khi các hồ thủy điện đi vào vận hành, tạo nguồn cấp nước chủ động, đây cũng là nguồn năng lượng sạch và tái tạo. Hạ lưu sông Đồng Nai ngập mặn rất nhiều, khi có hồ Trị An xả nước thì đã giúp đẩy mặn. Thủy điện còn có tác dụng cắt lũ. Cho nên, cần xem xét nếu không có hồ thì lũ sẽ tàn phá ra sao, còn có hồ nhưng điều tiết không đúng quy trình sẽ gây tác hại thế nào.

GS-TS Thắng cho rằng bất cứ sự phát triển kinh tế nào cũng đem lại những đánh đổi nhất định. Vì thế, phải xét đến các lợi ích kinh tế - xã hội mà thủy điện đem lại. “Thủy điện không sai mà do sự vận hành, quản lý. Bộ Công Thương và các tỉnh, thành đã quản lý lỏng lẻo, cấp phép cho một số nhà máy thủy điện nhỏ xây dựng không bảo đảm các yêu cầu về mặt kỹ thuật. Do đó, cần xây dựng quy trình vận hành tích, xả lũ thích hợp đối với các hồ chứa, đập thủy điện; đặc biệt xử lý thật mạnh tay, truy cứu trách nhiệm với những nhà máy thủy điện xả lũ sai quy định” - ông đề xuất.

Thạc sĩ - kỹ sư Nguyễn Ngọc Anh, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, cũng nhìn nhận lỗi thủy điện xả lũ vừa qua là do công tác dự báo chưa tốt. “Thủy điện đã bỏ ra bao nhiêu tiền đầu tư mà dự báo thế thì ai dám xả hết đến mực nước chết để đón lũ, rồi nước đâu xả để cứu lúa cho dân? Bình Thuận, Ninh Thuận trước kia nóng kinh khủng, nay khí hậu còn hơn TP HCM chính là nhờ hệ thống hồ chứa rất phát triển. Một đất nước thiên tai, lũ lụt, hạn hán, sao lại bỏ thủy lợi?” - kỹ sư Ngọc Anh băn khoăn.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Anh nêu giải pháp thành lập quỹ bảo hiểm phòng ngừa lũ. Nguồn quỹ này sẽ hỗ trợ thiệt hại kinh tế cho nhà máy thủy điện khi dự báo sai nhưng phải bảo đảm quy trình xả nước. Còn nhà máy thủy điện nào làm sai thì phải đóng phạt thật nặng. Như vậy mới tạo được sự hài hòa lợi ích chung, thống nhất giữa doanh nghiệp - người dân - nhà nước.

Quá sức chịu đựng!

Trong khi đó, Giám đốc Sở KH-CN TP HCM lại tỏ ra rất băn khoăn về những tác động của thủy điện. Theo ông Phan Minh Tân, hiện nay, biến đổi khí hậu gây hiện tượng thời tiết cực đoan, lượng mưa trong mùa mưa và mùa khô chênh lệch nhau quá lớn: 80% và 20%. Việc cắt lũ hay xả nước trong mùa khô dường như chỉ là lý thuyết. Bên cạnh đó, thủy điện đã tàn phá một diện tích rừng không nhỏ và gây ra lũ quét cho hạ du.

Số liệu thống kê của Sở KH-CN TP HCM cho thấy từ năm 1990-2000, lưu vực đã mất 144.000 ha rừng, diện tích rừng giàu giảm hơn phân nửa - từ 88.400 ha xuống còn 48.000 ha. “Có phải sông Đồng Nai đã có quá nhiều hồ chứa, quá sức chịu đựng của nó rồi hay không?” - ông Tân đặt vấn đề.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững nguồn nước và thích ứng biến đổi khí hậu, phân tích: Năng lượng tái tạo là không thay đổi cơ cấu năng lượng, dòng sông khi bị chặn quá nhiều sẽ thay đổi cơ cấu dòng chảy, do đó chưa hẳn thủy điện là năng lượng tái tạo. Sông Đồng Nai bị “cắt” thành chục cái hồ, dòng chảy đã biến dạng, kéo theo rất nhiều hệ lụy về nguồn nước, môi trường. Thủy điện phá đi một diện tích rừng vốn là bể chứa CO2, bản thân hồ chứa lại sinh khí mê-tan, thay đổi hệ sinh thái trong khu vực nên cũng không được gọi là sạch.

Bên cạnh đó, thủy điện sử dụng tài nguyên cộng đồng để phát điện, di dời người dân bản địa, gây lũ lụt và ảnh hưởng sinh kế người dân hạ du, vậy có phải là nguồn năng lượng rẻ? Nếu nói hồ chứa giúp điều tiết khí hậu khiến Ninh Thuận mát hơn TP HCM thì xung quanh TP có rất nhiều hồ chứa, trong khi Ninh Thuận chỉ có một hồ rất nhỏ nên lập luận này cũng không thuyết phục.

“Thế giới đang đánh giá lại khái niệm “tái tạo - sạch - rẻ” của nguồn năng lượng từ thủy điện. Nhiều nước cũng bắt đầu phá bớt các đập thủy điện dù rất tốn kém so với chi phí đầu tư vì ý thức được thủy điện gặp sự cố là thảm họa cho hạ du. Cái được của thủy điện rất nhiều nhưng để “được” như vậy cũng phải đánh đổi rất nhiều, thậm chí có thứ không bao giờ tái tạo được như đa dạng sinh học, tài nguyên rừng… Song, mất mát đã không được tính đến, như thế là không sòng phẳng” - TS Tứ lo ngại.

Nếu vẫn còn những tư tưởng ủng hộ thủy điện, phá rừng để phát triển thì sông Đồng Nai khó mà cứu được!

 

Dùng dằng kinh tế - môi trường

Việc sông Đồng Nai “lâm trọng bệnh” đã được phát hiện và cảnh báo hơn 10 năm trước. Một ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (Ủy ban Sông Đồng Nai) với sự tham gia của lãnh đạo 11 tỉnh, thành và một ban quản lý quy hoạch lưu vực sông này trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được thành lập. Rất nhiều dự án đã phê duyệt, rất nhiều vốn ngân sách, vốn viện trợ cũng được chi ra. Tuy nhiên, đến nay, những gì người dân được nghe là dòng sông ngày càng ô nhiễm, nguồn nước càng suy thoái.

Theo ông Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, vai trò của Ủy ban Sông Đồng Nai trong thời gian qua còn mờ nhạt. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 gồm 16 nhiệm vụ thành phần với tổng kinh phí thực hiện gần 2.000 tỉ đồng. Liệu 2.000 tỉ đồng này có cứu nổi sông Đồng Nai?

Các thành viên Ủy ban Sông Đồng Nai cũng thừa nhận thiếu sự phối hợp giữa các tỉnh, thành và thiếu kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là các tỉnh, thành đã làm hết trách nhiệm của mình trong việc kiểm soát những nguồn xả thải, bảo vệ rừng đầu nguồn trước “lâm tặc”, bảo vệ khoáng sản trước “cát tặc”, dũng cảm nói không với các dự án chuyển đổi mục đích rừng chứa nhiều rủi ro… hay chưa?

Trong một cuộc họp của Ủy ban Sông Đồng Nai, một phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông cho rằng tỉnh này rất muốn phát triển, không thể chỉ giữ rừng cho các tỉnh hạ nguồn. Rõ ràng, các địa phương đều khẳng định muốn cứu sông Đồng Nai nhưng vẫn còn có sự dùng dằng giữa kinh tế và môi trường khiến những chính sách, biện pháp chưa quyết liệt. Theo TS Đào Trọng Tứ, muốn có chiến lược đúng đắn và các giải pháp được thực thi tốt, trước hết phải “đả thông tư tưởng” cho những người thực hiện.

                                                                    TS Đào Trọng Tứ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo